Aa

Tôi thành "con nợ" của Tima (Kỳ 1)

Thứ Năm, 18/04/2019 - 13:00

Dù chỉ là người đóng vai thâm nhập thực tế về mô hình cho vay ngang hàng P2P ở Việt Nam. Nhưng quả thực chứng kiến cách “hành nghề” cho vay ngang hàng ở Tima khiến tôi lạnh sống lưng!

fvs

Lối đi vào trụ sở chính của Tima

4.0 hay 0.4?

Ngày đầu tiên...

Do có nhu cầu vay tiền để sửa sang căn nhà 5 tầng, nên vợ chồng tôi đã thống nhất mang cuốn sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để đi vay tiền ở ngân hàng. Nhưng trong quá trình tìm hiểu và hỏi ý kiến bạn bè về các thủ tục vay tiền mặt thì tôi được một anh bạn giới thiệu cho về một mô hình vay tiền mới xuất hiện ở Việt Nam - có tên là Tima. 

Trong vai một khách hàng có nhu cầu vay tiền gấp, tôi đã gọi điện đến số điện thoại trên trang web của Tima – được quảng cáo là sàn kết nối tài chính lớn nhất Việt Nam.

Qua giới thiệu của nhân viên tổng đài tôi có cảm giác hình thức vay của Tima cũng đa dạng như một hiệu cầm đồ mà thời sinh viên tôi đã nhiều lần ghé vay nặng lãi bởi hình thức cho vay là giấy đăng ký xe, thẻ sinh viên, máy tính...

Là một khách hàng đã đi làm, tôi chọn vay theo bảng lương và hành trình đi vay của tôi, xuất phát điểm đầu tiên là liên hệ qua đường hotline của Tima để “trình bày nguyện vọng”. Sau hàng loạt câu hỏi kiểm tra thông tin cá nhân, tài chính... nhân viên tổng đài của Tima cho biết với hồ sơ của tôi sẽ được hỗ trợ để vay tối đa 30 triệu đồng.

Để có hoàn thiện hồ sơ vay, nhân viên tổng đài Tima yêu cầu tôi chuẩn bị tin nhắn chuyển lương 3 tháng gần nhất, nơi đang làm việc, thông tin chứng minh nhân dân...

Ngày thứ hai...

Một nhân viên tổng đài của Tima nhưng lúc này là giọng nam gọi cho tôi để kiểm tra lại thông tin đã cung cấp trước đó. Nhân viên Tima cho biết tôi cần phải cung cấp bản chụp tin nhắn 3 tháng lương gần nhau nhất, đồng thời gửi bản chụp chứng minh thư và hình ảnh ảnh thật của khách hàng đang cầm giấy tờ đó gửi qua Zalo.

Vượt qua vòng loại thứ hai, đến vòng 3 tôi lại tiếp tục phải đón một nhân viên Tima đến kiểm tra trực tiếp tại nơi mình làm việc.

Nhân viên đến “thẩm định”  ăn mặc cũng tương đối lịch sự, tuy nhiên thao tác “ngoáy mũi” và mắt liên tục đảo để “định giá” những thứ xung quanh khiến tôi cảm giác không chuyên nghiệp như nhân viên Tima ở “vòng 2” giới thiệu Tima là “tổ chức tư vấn tài chính”.

Tại buổi gặp trực tiếp này, tôi lại tiếp tục phải khai báo lại những thông tin ban đầu xem có khớp với hồ sơ ban đầu không, đồng thời phải trả lời chi tiết những công việc thường làm ở văn phòng. Sau đó, nhân viên của Tima sẽ chụp ảnh tôi ngay chỗ làm. Và việc tôi mong chờ nhất là được ký vào giấy vay nợ cũng đã diễn ra, lúc này nhân viên của Tima đưa cho tôi bản “Thỏa thuận hỗ trợ tài chính” và bảo tôi ký trước. Trong thỏa thuận này tôi chỉ được phép ghi nguyện vọng của tôi là cần vay 30 triệu.

hh

Hình ảnh trên trang chủ Tima.vn

Lãi tính theo luật... gì?

Sau khi ký xong bản “Thỏa thuận hỗ trợ tài chính”, vị này mới giải thích, nếu tôi vay 30.000.000 đồng trong vòng 1 năm thì mỗi tháng tôi phải đóng gần 4.000.000 đồng cả gốc lẫn lãi. Tổng cộng, sau một năm, số tiền lãi lên đến gần 18.000.000 đồng. Ngoài ra, lúc nhận tiền tôi sẽ bị trừ đi 886.000 đồng là phí bảo hiểm tiền gửi. Vậy theo lí thuyết, số lãi tôi phải chịu cho khoản vay này cũng lên tới 60%/năm.

Khi tôi thắc mắc về số tiền phí bảo hiểm thì được vị này giải thích “Tima là công ty tư vấn tài chính” nghĩa là hỗ trợ về vấn đề tài chính và không liên quan gì đến ngân hàng. Nhưng khoản trừ trước 886.000 đồng này là tiền phí bảo hiểm trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ lấy khoản tiền này để trả cho Tima, coi như tiền bảo hiểm khoản vay mà trong các hợp đồng thỏa thuận tài chính vẫn thường sử dụng.

Tuy nhiên, tôi chỉ có một chút thắc mắc là Tima chỉ là một sàn trực tuyến cho vay ngang hàng P2P nên không thuộc Các tổ chức tín dụng, nghĩa là không chịu bất kỳ một sự quản lý, chi phối Luật Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, vậy khoản thu này của Tima thực hư là thế nào? Hay là Tima đang tự vẽ ra luật? 

Ngoài ra, vị nhân viên cho biết thêm, trong trường hợp khách hàng phá vỡ hợp đồng thì sẽ phải chịu một khoản phí phạt... Tuy nhiên, phí phạt như thế nào cũng không được đề cập bằng văn bản trong biên bản thỏa thuận cho vay mà nhân viên Tima vừa đưa cho tôi ký. 

Thế là tôi chính thức thành con nợ của Tima!

Ngày thứ ba...

Do được báo trước nên tôi cũng sẵn sàng chờ cuộc gọi “chốt” từ phía Tima. Đầu máy bên kia là một giọng nữ cất lên “... anh được vay 25 triệu đồng trong vòng 12 tháng với lãi suất theo dư nợ giảm dần và mỗi tháng anh phải đóng 3.335.000 đồng của Tima, anh có đồng ý không”?

Khi tôi hỏi lãi được tính thế nào thì nhân viên tổng đài cho biết “bên em đã có công thức tính lãi tự động hết rồi”. Tuy nhiên, sau khi tôi yêu cầu giải thích nhiều lần thì nhân viên tổng đài thừa nhận “em cũng không rõ vì em chỉ có nhiệm vụ gọi điện thông báo số tiền mình được duyệt vay...”.

Trong khi những buổi thẩm định trước, tôi không hề được hướng dẫn tính lãi tự động ở đâu và như thế nào? Như vậy, thực tế tôi chỉ được vay 25.000.000 với lãi suất 60%/năm, thậm chí với số phí phạt mà tôi có thể mắc phải như nhân viên Tima cảnh báo thì cũng không thể hình dùng ra tiền lãi mà mình phải chịu lên đến 100%, 200% hay nhiều hơn thế nữa...

Khoảng nửa ngày sau, dù không cầm trong tay hợp đồng thỏa thuận tài chính nhưng qua xác nhận từ tổng đài tôi đã được phía Tima chuyển vào số tài khoản số tiền là 24.114.000 đồng.

Thứ giấy tờ duy nhất mà tôi được cầm là một tấm card ghi nội dung số tài khoản để khách hàng “thanh toán tiền gốc, lãi, phí qua tài khoản” ghi các số tài khoản mà tên đơn vị thụ hưởng là Công ty cổ phần Tập đoàn Tima với nội dung nộp tiền gồm tên khách hàng; số chứng minh nhân dân hoặc số điện thoại mà nhân viên Tima đưa cho tôi hôm đến "thị sát" tại công ty.

Như vậy, dù quảng cáo trên web là vay trong ngày nhưng thực thế Tima phải mất đến 3 ngày để giải ngân hồ sơ của tôi, cho thấy dù không bị áp luật tín dụng nhưng thời gian giải ngân của Tima tương đối giống các tổ chức tín dụng cũng như ngân hàng.

Nhưng quy trình thẩm định thì lại chẳng giống ai và có phần không rõ ràng cùng với đó là cách tính lãi “không có luật”. Như vậy, với kiểu vay như ở Tima thì phần lớn rủi ro là đẩy về phía khách hàng vì không nắm rõ được “luật vay” nên việc chịu lãi cao là điều hiển nhiên?

Chưa kể, với quy trình giải ngân không nhanh chóng như quảng cáo thì việc trên website Tima.vn đưa ra con số giải ngân tính đến ngày 17/4/2019 lên tận 50,200,869,324,000,000 (năm mươi triệu, hai trăm nghìn, tám trăm sáu chín tỷ, ba trăm hai mươi tư triệu đồng) chỉ trong vòng 3 năm với 300 nhân viên làm việc là chuyện không tưởng. Vậy những số liệu mà Tima thống kê ở trên web “ảo” đến cỡ nào và nhằm mục đích gì? Ai sẽ đứng ra xử lý nếu Tima cố tình công bố sai thông tin?

Bên cạnh đó là việc Tima ký kết hợp tác với một số ngân hàng và công ty bảo hiểm liệu có hợp pháp và ảnh hưởng đến uy tín cũng như liên đới trách nhiệm khi liên quan đến pháp luật? 

Tuy chỉ là người đóng vai thâm nhập thực tế về mô hình cho vay ngang hàng P2P ở Việt Nam, nhưng quả thực chứng kiến cách “hành nghề” cho vay ngang hàng ở Tima mà tôi chợt lạnh sống lưng! 

Đúng là nhờ vào Fintech  - công nghệ tài chính mà mô hình cho vay ngang hàng P2P gần như thay thế được cả ngân nhàng để khách hàng dưới chuẩn có cơ hội tiếp cận vốn. Tuy nhiên, mô hình vay ngang hàng P2P này lại chưa có thể chế quản lý nên lãi suất mà người vay phải chịu lại theo kiểu  do Tima đề ra.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top