Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, phải rà soát các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được phê duyệt nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sớm triển khai nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay mà Việt Nam phải trả lãi suất ngay sau khi các hiệp định vay vốn có hiệu lực.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sớm báo cáo Thường trực Chính phủ về định hướng huy động, sử dụng các nguồn vốn trong thời gian tới, nhất là nguồn vốn vay kém ưu đãi.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011 - 2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế là 33,85 tỷ USD, cao hơn 57% so với thời kỳ 2006 - 2010. Trong đó, vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 32,51 tỷ USD, chiếm khoảng 96%, còn lại là vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 1,346 tỷ USD. Vốn vay nhiều và được sử dụng để phát triển nhiều dự án trọng điểm quốc gia, như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường nối Nhật Tân - Nội Bài...
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều dự án ODA còn chậm tiến độ, hiệu quả sử dụng vốn ODA trong giai đoạn 2011 - 2016 chưa được như kỳ vọng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ODA và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này là đòi hỏi cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang giảm dần, do Việt Nam đã chính thức “tốt nghiệp IDA” từ tháng 7/2017, nghĩa là dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA). Từ năm 2018, các khoản vay của WB sẽ là vốn vay từ IBRD và vốn IDA chuyển đổi (IDA không ưu đãi). Với các khoản vay của ADB, sẽ được áp dụng kể từ năm 2019.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam không ký kết thêm khoản vay mới; giá trị giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đến ngày 26/4/2018 ước chỉ đạt 341 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2017. Còn nếu tính lũy kế từ đầu năm, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã ký kết khoảng 29,9 triệu USD; giá trị giải ngân ước đạt 700 triệu USD.
Vốn ký mới không lớn, trong khi vốn ODA đã ký kết vẫn còn nhiều, đòi hỏi sớm được giải ngân và sử dụng hiệu quả. Đây là điều không chỉ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần chỉ đạo, mà trên thực tế, còn là đòi hỏi của nền kinh tế.