Aa

Tồn đọng hàng loạt trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu

Thứ Ba, 05/09/2017 - 02:31

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy trong số các trường hợp còn tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lần đầu thì chỉ có thể giải quyết cấp được cho khoảng 25% các trường hợp. Phần lớn các trường hợp còn lại không giải quyết được hoặc chưa thể giải quyết ngay được với một số lý do.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 433/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 20/3/2017 yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu theo từng loại đất.

Đồng thời khẩn trương chỉ đạo việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp tồn đọng mà pháp luật đã có quy định giải quyết, đưa vào xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý chặt chẽ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc giải quyết cấp giấy chứng nhận lần đầu tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả kiểm tra cho thấy trong số các trường hợp còn tồn đọng thì chỉ có thể giải quyết cấp được cho khoảng 25% các trường hợp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Phần lớn các trường hợp còn lại không giải quyết được hoặc chưa thể giải quyết ngay được với một số lý do.

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật đất đai thì người sử dụng đất được cấp giấy nếu có nhu cầu thể hiện ở việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; các trường hợp tồn đọng còn lại chủ yếu là giao trái thẩm quyền và đất lấn, chiếm.

Trong khi đó tiền sử dụng đất phải thu đối với các trường hợp này theo giá đất hiện nay là quá lớn, đặc biệt là quy định về việc người sử dụng đất chỉ được hưởng một lần hạn mức công nhận đất ở, diện tích còn lại phải nộp tiền nên nhiều hộ dân không đủ kinh tế để thực hiện.

Nhiều trường hợp giao đất trái thẩm quyền có sự so bì với người được cấp giấy chứng nhận trước đó không phải đóng tiền (trước đây sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 theo quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP không phải đóng tiền nhưng nay theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP phải đóng 40% tiền sử dụng đất nếu không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền).

Thứ hai, nhiều trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận như đất không có giấy tờ theo quy định và hiện đang có tranh chấp; đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và mua bán bằng giấy tờ viết tay từ ngày 01/01/2008 trở về sau hoặc hiện trạng sử dụng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; đất đang trong khu vực có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất.

Đặc biệt nhiều trường hợp nằm trong khu vực có thông báo, quyết định thu hồi đất đã nhiều năm để thực hiện các công trình, dự án, bản án (chủ yếu ở đô thị lớn như Hà Nội) nhưng không thực hiện, địa phương cũng không có điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch này. Đất của người dân trong khu vực đất nông, lâm trường nhưng chưa thực hiện xong việc đo đạc, cắm mốc nông lâm trường để bàn giao cho địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp đủ điều kiện và có nhu cầu cấp giấy (có đủ khả năng tài chính nộp để cấp được cấp giấy). Các trường hợp còn lại không cấp giấy chứng nhận thì yêu cầu địa phương chỉ đạo khẩn trương việc đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai.

Thời gian vừa qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ quy định các giấy tờ về quyền sử dụng đất để cấp giấy phép xây dựng. Do đó, việc người sử dụng đất được đăng ký đất đai và có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận thì sẽ có cơ sở được cấp phép xây dựng nhà ở theo quy định nhằm ổn định cuộc sống.

Song song với đó, Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi quy định về xác định hạn mức đất ở đối với trường hợp người dân đang sử dụng nhiều thửa đất theo hướng xác định hạn mức đất ở để tính tiền sử dụng đất được thực hiện đối với từng thửa đất và giá đất áp dụng là giá do UBND cấp tỉnh quy định;

Các trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 thì không phải đóng tiền sử dụng đất để bảo đảm kế thừa quy định của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP. Các trường hợp còn lại đang sử dụng đất khi tính tiền sử dụng đất thì áp dụng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.

Các địa phương cần rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch sử dụng đất đối với những khu vực đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất nhưng quá 3 năm không thực hiện để có thể cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top