Theo các nhân viên môi giới tại một số sàn giao dịch bất động sản, nếu khách hàng nào cũng "kiêng" thì thị trường sẽ ngừng giao dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, một số khách hàng thậm chí lại tranh thủ thời điểm này để mua bất động sản với giá "mềm" hơn bởi tâm lý người bán cũng muốn mọi việc giải quyết suôn sẻ trong tháng 7 âm lịch này.
Bởi vậy, các giao dịch bất động sản thời điểm này vẫn giúp lượng tồn kho tiếp tục giảm dù tốc độ giảm đã chậm lại. Lượng tồn kho chủ yếu đọng ở phân khúc đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tổng giá trị tồn kho bất động sản toàn quốc còn gần 36.000 tỷ đồng; so với tháng 12/2015 giảm 14.931 tỷ đồng, tương đương 29,34% và so với thời điểm kết thúc quý II/2016 giảm 1.530 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tồn kho đất nền nhà ở chiếm giá trị lớn nhất với gần 4,4 triệu m2, xấp xỉ 16.000 tỷ đồng. Tiếp đến là tồn kho nhà thấp tầng khoảng 9.890 tỷ đồng, tương ứng 4.951 căn; chung cư 4.883 căn, tương đương 6.893 tỷ đồng; đất nền thương mại hơn 1 triệu m2, khoảng 3.255 tỷ đồng.
Dẫn đầu cả nước về giá trị tồn kho bất động sản là TP. Hồ Chí Minh với con số 6.599 tỷ đồng. Con số này so với kết thúc năm 2015 đã giảm hơn 3.500 tỷ đồng, xấp xỉ 35% và giảm thêm 216 tỷ đồng so với kết thúc quý II/2016.
Tỷ lệ giảm tồn kho bất động sản của Hà Nội thời điểm này chậm hơn TP. Hồ Chí Minh, chỉ giảm 923 tỷ đồng (gần 14%) so với cuối năm 2015 và giảm thêm 64 tỷ đồng so với quý II/2016.
Mới đây, tại Hội nghị gặp mặt và làm việc giữa Bộ Xây dựng với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã cảnh báo 3 nguy cơ tiềm ẩn có thể sẽ gây rủi ro cho thị trường BĐS nếu không có những giải pháp kịp thời.
Đó là sự lệch pha cao trong cung – cầu sản phẩm; phần lớn tín dụng lại chỉ chảy vào phân khúc BĐS cao cấp hoặc chỉ tập trung ở một số nhà đầu tư, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro; đã bắt đầu có những hiện tượng đầu cơ, tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp, với mức tăng từ 3-7%, cục bộ ở một số dự án có sự tăng giá cao đột biến./.