Aa

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước

Thứ Ba, 23/10/2018 - 04:13

Lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng được giới thiệu để Quốc hội bầu vào cương vị đứng đầu Nhà nước.

Chiều nay 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ đã đọc tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

"Uỷ ban Thường vụ trân trọng giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khoá XIV đã được Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2020", bà Ngân nói.

Theo bà Ngân, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành quy trình, thủ tục lựa chọn, giới thiệu nhân sự để trình Quốc hội bầu theo đúng quy định về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

"Với yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy trách nhiệm, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu nghiên cứu kỹ tờ trình và các tài liệu kèm theo để Quốc hội tiến hành bầu nhân sự đạt kết quả tốt", bà Ngân nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTX

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTX

Ngày mai thứ ba, 23/10, các đại biểu sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước và kết quả được công bố trong buổi chiều. Sau khi trúng cử, tân Chủ tịch nước tuyên thệ trước Quốc hội trong buổi lễ truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Theo quy định hiện hành, chức vụ cao nhất trong Đảng là Tổng bí thư; còn Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri hồi đầu tháng 10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích việc ông được Trung ương giới thiệu để bầu Chủ tịch nước không phải "nhất thể hoá" mà là trong tình huống cụ thể sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.

Những lần người đứng đầu Đảng làm Chủ tịch nước trong lịch sử

Trước đây, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ cao nhất trong Đảng là Chủ tịch Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhận. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là Chủ tịch nước đầu tiên và giữ cương vị này đến tháng 9/1969.

Như vậy, đây là giai đoạn lịch sử mà người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng đã đảm nhận chức danh đứng đầu Nhà nước.

Từ tháng 9/1969, Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam là ông Tôn Đức Thắng. Lúc này, người đứng đầu Đảng là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn.

Tháng 7/1986, Tổng bí thư Lê Duẩn từ trần, tại hội nghị đặc biệt Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông Trường Chinh đang làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được bầu giữ cương vị Tổng bí thư và đảm nhiệm đến tháng 12/1986. Đây cũng là giai đoạn ngắn (5 tháng) mà người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Hội đồng Nhà nước.

Các nhiệm kỳ gần đây, chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội luôn được đảm nhận bởi bốn nhà lãnh đạo khác nhau. Với việc giới thiệu nêu trên, lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng được giới thiệu để Quốc hội bầu vào cương vị đứng đầu Nhà nước.

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi vào phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Võ Hải

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi vào phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Võ Hải

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, quê quán Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông là Ủy viên Trung ương các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001); đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

Từ năm 1963 - 1967, ông là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó công tác nhiều năm ở Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng biên tập từ tháng 8/1991 đến tháng 8/1996.

Từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội hai khóa XI, XII.

Tháng 1/2011, ông được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông được bầu tái giữ chức Tổng bí thư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top