PV: Thưa bà, là một công ty lớn đã tham gia phát triển các Công trình Xanh trên thị trường, Phúc Khang quan niệm như thế nào về Công trình Xanh?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Công trình Xanh hay Kiến trúc Xanh, Kiến trúc bền vững,.. như một loại hình công trình xây dựng thân thiện với môi trường. Khái niệm này được quan tâm và nhắc nhiều không chỉ trong giới hành nghề chuyên môn, mà còn cả trong giới đầu tư, các cơ quan, tổ chức và phổ rộng đến khách hàng trong lĩnh vực BĐS trong nước và quốc tế.
Tôi cho rằng, Công trình Xanh không hẳn là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt… mà xanh ở đây bao hàm ý nghĩa của sự sống, tính sinh thái và sự thân thiện với môi trường.
Từ quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành Công trình Xanh đều bảo đảm hạn chế và ngăn chặn các tác hại đến môi trường tự nhiên, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm lượng khí thải nhà kính.
Cụ thể, theo Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC), Công trình Xanh là những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) cho rằng: một công trình xây dựng được gọi là Công trình Xanh khi chúng đạt những tiêu chí: Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một các một cách hiệu quả; Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
PV: Bà đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm của doanh nghiệp tới hình thức phát triển dự án này trong thời gian gần đây?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Ngay từ những năm 1990, làn sóng phát triển Công trình Xanh đã ra đời như một giải pháp cứu cánh hiệu quả cho nhân loại trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Và đến nay, Công trình Xanh đã phát triển mạnh mẽ như một “cuộc cách mạng” trên toàn thế giới. Số lượng Công trình Xanh trên thế giới tăng gấp đôi, cứ mỗi 3 năm 1 lần và dự kiến đến năm 2018 sẽ có hơn 60% công trình xây dựng đạt chuẩn “xanh” (Theo thống kế của Dodge ).
Trong khi có đến hơn 36.000 dự án thương mại và trên 38.000 công trình nhà ở trên Thế giới đạt chuẩn xanh, thì ở Việt Nam, có chưa đến 100 Công trình Xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau, con số này quá thấp so với hơn 2.100 dự án tại Singapore và hơn 750 CTX tại Úc (theo VGBC).
PV: Vậy thì theo bà, đâu là lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam ngần ngại đầu tư phát triển Công trình Xanh?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Mặc dù được phổ biến khá rộng rãi trên thị trường, nhưng việc phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam vẫn còn một số rào cản nhất định do nhận thức về lợi ích của Công trình Xanh chưa thật sự đúng và đủ.
Hoàn toàn tự nguyện và không bắt buộc, động lực tham gia phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam đa phần dựa vào nhận thức trách nhiệm xã hội và nhu cầu giảm thiểu chi phí vận hành của doanh nghiệp, đặc biệt là từ nhận thức nghiêm túc và quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư nước ngoài như BigC, Intel, Coca-Cola, Dell… Riêng đối với các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án trong nước thì vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu hay quy trình chất lượng được thực thi và giám sát chặt chẽ nên từ đó làm thời gian thi công công trình kéo dài, kéo theo việc giảm lợi nhuận.
Bên cạnh đó, tâm lý của người mua nhà của Việt Nam cũng còn thói quen lựa chọn giá thành làm tiêu chí quan trọng trong lựa chọn sản phẩm an cư hay đầu tư. Yếu tố lợi ích lâu dài, tiết kiệm và tính bền vững của công trình, tăng chỉ số sức khỏe, chỉ số hạnh phúc đối với phần lớn cộng đồng còn rất ít thông tin và kém quan tâm.
Ngoài những trở ngại thường được nhắc tới như thiếu chính sách khuyến khích hay quan ngại về chi phí đầu tư cao thì việc xây dựng theo tiêu chuẩn xanh tại Việt Nam trong lĩnh vực căn hộ, nhà ở dân dụng còn là một hướng đi mới mẻ đối với các đơn vị xây dựng, quản lý. Đồng thời, tìm giải pháp xây dựng các kiến trúc xanh hiện đại mà vẫn hài hòa cùng bản sắc quốc gia, phù hợp khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc thù của nước ta cũng là bài toán khó cho việc phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam.
PV: Được biết, trong 8 Công trình Xanh mà Phúc Khang đầu tư nổi bật là dự án Làng sen Việt Nam. Trong quá trình thực hiện dự án này, doanh nghiệp có gặp phải trở ngại nào không?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Đầu tiên, có một chi phí mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải chấp nhận khi làm Công trình Xanh đó là chi phí thiết kế. Bởi vì thiết kế đòi hỏi một ê kíp, đủ tâm, đủ tầm, có kinh nghiệm thiết kế và nghiêm túc với công đoạn thiết kế. Nếu ở giai đoạn này không đạt được mục tiêu, không đảm bảo xanh và tiết kiệm thì sẽ là mối lo cho công đoạn tiếp theo – công đoạn xây dựng.
Ngoài vấn đề chi phí, yếu tố con người cũng là một trong những yếu tố có sự tác động mạnh mẽ và quyết định Công trình Xanh đó có hiệu quả hay không. Nói cách khác, công ty phải trở thành một teamwork, những leader của từng bộ phận phải đồng lòng với nhau, cùng nhau làm Công trình Xanh. Chỉ cần một mắt xích nào trật khỏi “đường ray” mục tiêu, có thể giải pháp cho Công trình Xanh sẽ bị chậm hoặc khiến cả quá trình bị tốn kém, mất thời gian. Đó là sự mất mát “chi phí” lớn nhất đối với doanh nghiệp.
PV: Hiện nay, doanh nghiệp đang duy trì Dự án Làng sen Việt Nam cũng như số công trình còn lại như thế nào?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Dự án Khu đô thị Văn hóa – Thương mại – Du lịch Làng Sen Việt Nam, Đức Hòa Long An do Phuc Khang Corporation phát triển. Được nhận định như một đô thị điển hình của tỉnh Long An, sẽ là một trong những đô thị chuẩn xanh đầu tiên của Việt Nam, đang được thị trường quan tâm và giới chuyên môn đánh giá cao bởi giá trị xanh và nhân văn của dự án mang đến cho cộng đồng.
Tại Làng Sen Việt Nam, Trung tâm hội nghị Tre Việt – kỷ lục “Nhà tre lớn nhất Việt Nam” vừa mang về giải thưởng kiến trúc xanh của Mỹ (Green Good Design Award 2017) cho KTS. Võ Trọng Nghĩa, tuy là một Công trình Xanh truyền thống làm điểm nhấn của một đô thị tiên tiến hiện đại nhưng vẫn rất hài hòa và “quyến rũ”. Đối với kiến trúc nhà ở tại đô thị này thì cũng dễ dàng nhận thấy dáng dấp của mái nhà truyền thống, những thủ pháp kiến trúc xanh nhằm tối ưu hóa khí động học, tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên như nắng, gió hay xử lý bức xạ nhiệt để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu khí thải độc hại trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân. Những công trình tiện ích khác trong không gian sinh hoạt cộng đồng cũng không ngoài mục tiêu mang đến một không gian sinh thái tốt cho sức khỏe, vun bồi giá trị tinh thần, giá trị nhân văn truyền thống cho cộng đồng.
Hiện tại, dự án đã được thiết kế về hệ thống giao thông, mật độ xây dựng và giải pháp cho các mẫu nhà. Công trình đã xong cơ sở hạ tầng, phần còn lại là những căn nhà đang được xây dựng theo một quy chuẩn – hệ thống đánh giá Công trình Xanh Lotus, tiện ích của công trình cũng đi theo hệ thống đánh giá này.
PV: Theo bà, điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay có phù hợp với xu hướng phát triển Công trình Xanh?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Về điều kiện chủ quan, tất nhiên xu hướng này có thể gặp khó khăn ở Việt Nam bởi dù sao, thu nhập và trình độ dân trí của một nước đang phát triển như Việt Nam không phải cao. Để cải thiện thực tế này, là cả một hành trình với sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn xã hội chứ không phải trong ngày một ngày hai.
Về điều kiện khách quan, đất nước nào cũng có những khó khăn. Ví dụ như Singapore không có nước ngọt nhưng người ta vẫn làm được Công trình Xanh. Tuy nhiên về động lực và nền tảng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển được Công trình Xanh bởi nước ta là một nước nông nghiệp, tình yêu thiên nhiên đã gắn chặt với mỗi người dân từ thuở sơ khai, mà giải pháp phát triển Công trình Xanh chính là đem công trình nhà ở gần gũi với thiên nhiên hơn, tận dụng đươc những lợi thế của thiên nhiên để phát triển Công trình Xanh. Vấn đề là cần lan tỏa động lực đó một cách rộng rãi, từ các cấp chính quyền, người dân và cho tới doanh nghiệp.
PV: Trong Hội thảo khởi động, “Chương trình Phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam”, Phúc Khang được xướng tên là một trong 7 doanh nghiệp tiên phong ký cam kết tham gia chương trình phát triển Công trình Xanh. Bà có thể chia sẻ lý do công ty tham gia chương trình? Phúc Khang sẽ thực hiện cam kết này theo lộ trình nào?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Chiến lược của chúng tôi là chiến lược phát triển bền vững, trong phát triển bền vững là phát triển có trách nhiệm. Phúc Khang muốn thể hiện trách nhiệm của mình thông qua các sản phẩm cụ thể.
Các sản phẩm của Phúc Khang chú trọng đến sức khỏe, chỉ số hạnh phúc thông qua các giá trị mà Công trình Xanh mang lại, thông qua thiết kế, vận hành, xây dựng, tạo ra hệ giá trị mới mà cộng đồng cũng đang được hưởng thụ, là đối tượng nói lên tiếng nói về nhu cầu thiết thực của người dân. Tôi thấy rằng, Phúc Khang đã, đang và sẽ tiếp tục làm những Công trình Xanh, đó là chiến lược tất yếu của chúng tôi trong thời gian tới.
Tất cả các công trình mà chúng tôi đang làm đã đi theo tiêu chí xanh, trong thời gian sắp tới, với chiến lược quy hoạch, những công trình của chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đi theo xu hướng xanh. Ví dụ, một năm chúng tôi sẽ có ít nhất 2000 căn hộ theo tiêu chuẩn xanh, đó sẽ là mục tiêu mà chúng tôi muốn hướng tới, cung cấp giải pháp xanh cho 2000 gia đình. Hoặc đối với những đô thị thấp tầng, mỗi năm Phúc Khang cũng phát triển 1 đô thị thấp tầng, những thiết kế thi công, vận hành theo hướng xanh tiết kiệm năng lượng và thông minh cũng là hướng đi mà Phúc Khang hướng tới.
PV: Theo bà, cần cơ chế nào cho sự phát triển đồng bộ của Công trình Xanh tại Việt Nam?
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Để hiện thực hóa giấc mơ về một đất nước được xanh hóa bởi hầu hết Công trình Xanh, chúng ta cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể, phải tạo dựng “ý thức xanh” cho nhiều thế hệ công dân, trang bị “tư duy xanh” cho mọi tầng lớp và quan trọng hơn cả chính là chúng ta phải cùng “hành động”.
Ngày nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho những sản phẩm xanh và sạch, xu hướng thị trường và phát triển thương hiệu cũng đã đưa các chủ đầu tư tiếp cận nhiều hơn đến phát triển Công trình Xanh là một tín hiệu đáng mừng cho xu hướng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tiến trình phát triển nhanh và mạnh hơn, chúng tôi cũng xin kiến nghị với các sở, ban ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, các đối tác liên ngành về các biện pháp hỗ trợ phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam, cụ thể:
Cần ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư Công trình Xanh, xây dựng chính sách ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư tham gia phát triển Công trình Xanh. Cụ thể: ưu đãi về thuế, các thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, ưu đãi về đơn giá thiết kế và xây dựng Công trình Xanh
Cần sự hợp lực liên ngành như xây dựng, giáo dục, truyền thông phát động nhiều phong trào sống xanh, tổ chức hội thảo để cùng chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng thực tiễn trong phát triển Công trình Xanh.
Các chủ đầu tư cần mạnh dạn tham gia phát triển Công trình Xanh bởi đây cũng là một trong những cách nâng cao uy tín và thương hiệu trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng ngày một cao hơn và thiết thực hơn. Có thể bước đầu sẽ khó khăn, nhưng cứ đi ắt sẽ có đường, bởi hiếm có một công việc nào mới sinh ra đã thuận lợi.
Cần sự thấu hiểu và đồng hành của các đơn vị truyền thông và cơ quan báo đài nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công trình xanh, bảo vệ môi trường và chú trọng phát triển cho thế hệ tương lai.
Với vai trò là hội viên, Phúc Khang cam kết toàn tâm toàn lực bằng cả tâm tri để kiến tạo nên nhiều Công trình Xanh trong triết lý kinh doanh của mình. Hàng năm, kiên định phát triển các công trình BĐS theo hướng xanh bền vững, cam kết đồng hành cùng VNREA trong việc lan tỏa chương trình phát triển Công trình Xanh, thực hiện sứ mệnh tiên phong vì một phong cách sống tốt và lành mạnh cho cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng phát triển các Công trình Xanh theo đúng chuẩn Lotus.
Xin trân trọng cảm ơn bà!