Aa

Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc: 'Kiểm toán 60 dự án PPP giảm gần 300 năm thu phí'

Thứ Ba, 16/06/2020 - 06:20

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc khẳng định, mọi dự án đều phải công khai minh bạch, kể cả dự án PPP.

Liên quan đến việc Chính phủ vừa trình Quốc hội cắt giảm các cuộc thanh kiểm tra, kiểm toán trong năm 2020 mà phóng viên đề cập, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 15/6, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2020 KTNN đã giảm 35% số cuộc kiểm toán so với năm 2019. Khi dịch COVID xảy ra, KTNN đã giảm đầu mối, không thực hiện đối chiếu thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về băn khoăn liệu việc cắt giảm có tạo ra các sai phạm mà không được kịp thời phát hiện hay không, người đứng đầu KTNN khẳng định: "Chúng tôi phải chọn mẫu, chọn điểm trọng yếu để kiểm toán. Những vấn đề quan trọng, nhạy cảm thì vẫn tiến hành kiểm toán. Các đầu mối kiểm toán thì Tổng KTNN sẽ quyết định sau khi có ý kiến của Quốc hội. Giảm đầu mối không có nghĩa là giảm các cuộc kiểm toán, mà là giảm các đối tượng liên quan, các DN, các đơn vị trực thuộc".

Vẫn theo ông Hồ Đức Phớc, quan trọng nhất trong quá trình kiểm toán là bám sát vào hệ thống 40 chuẩn mực kiểm toán, từ đó có thể xác định và "bịt" được những "lỗ hổng" có khả năng gây ra thất thoát, kiến nghị hoàn thiện chính sách, siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính. KTNN cũng sẽ áp dụng quy trình lựa chọn trọng yếu và rủi ro trong quá trình kiểm toán.

Về kiểm toán các dự án PPP theo dự thảo Luật PPP, Tổng Kiểm toán cho rằng trách nhiệm của KTNN là phải kiểm toán các dự án PPP mà nhà nước có chủ trương đầu tư và sản phẩm đó bàn giao cho Nhà nước.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc. Ảnh: CTV.

"Có kiểm toán mới xác định được tính tuân thủ của pháp luật và giá trị công trình mà nhà đầu tư hoàn thành. Đó cũng là cơ sở xác định việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư, đảm bảo công khai minh bạch, để mọi người giám sát, đảm bảo không tạo ra gánh nặng cho DN, người dân, cũng không làm thiệt hại cho ngân sách", ông Hồ Đức Phớc nói.

Về nhận xét Nhà nước rất khó gọi doanh nghiệp tham gia làm PPP trong dự án cao tốc Bắc Nam mà một lý do là quy định về kiểm toán, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu làm đúng thì không việc gì e ngại.

"Mọi dự án đều phải công khai minh bạch. Thực tế vừa qua, kiểm toán 60 dự án PPP thì đã giảm gần 300 năm thu phí. Nếu không kiểm toán thì có thu hồi được các dự án đã thu vượt không, có giảm được thời gian thu phí không?", Tổng KTNN phân tích.

Dự án luật PPP dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này vẫn còn quan điểm khác nhau về việc Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án, hay chỉ kiểm toán phần vốn công.

Theo điều 86 dự thảo luật hiện nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán 3 nội dung trong giai đoạn nhà đầu tư thực hiện và vận hành dự án. Thứ nhất là kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP.

Thứ hai là kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT…. Thứ ba là kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.

Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm tra toàn bộ giá trị của dự án PPP khi chuyển giao cho nhà nước.

Tuy nhiên, tại văn bản góp ý dự thảo luật gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN cho rằng, quy định này chưa phù hợp với Hiến pháp và luật KTNN, vì dự thảo điều 86 "xác định nội dung (loại hình) kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước", trong khi Hiến pháp quy định "KTNN hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" và Luật KTNN giao quyền cho Tổng KTNN quyết định về loại hình (nội dung) kiểm toán theo yêu cầu của từng cuộc kiểm toán.

KTNN cũng cho rằng, quy định như dự thảo sẽ khiến cơ quan này phải tiến hành đến 4 cuộc kiểm toán trong 1 dự án PPP.

Quy định này cũng sẽ "không thể đánh giá được toàn diện quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là không đánh giá được việc chấp hành pháp luật của nhà nước, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, không xác định được giá trị thực tế của công trình, cũng như tính kinh tế, hiệu quả của dự án và làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP (tương ứng với chi phí thực tế), đồng thời làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án đầu tư.

Cũng theo KTNN, nếu chỉ thực hiện kiểm toán giá trị tài sản của dự án PPP tại thời điểm chuyển giao cho nhà nước (nhiều năm sau khi kết thúc quá trình đầu tư) sẽ khó khăn trong khắc phục các sai sót, vi phạm xảy ra trong quá trình đầu tư, làm hạn chế hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top