Aa

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đã khảo sát Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang và TP. Hải Phòng, chuẩn bị làm nhà ở cho công nhân

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 07/03/2024 - 16:51

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai khảo sát ở 4 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang và TP. Hải Phòng; dự kiến trong quý II/2024 sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh. Sau quá trình khảo sát sẽ triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết và thực hiện chuẩn bị đầu tư nhà ở cho công nhân.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV tổ chức sáng 7/3, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80. 

Đây là quy định mới liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi người lao động và trách nhiệm, vai trò tổ chức công đoàn, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiêp.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đã khảo sát Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang và TP. Hải Phòng, chuẩn bị làm nhà ở cho công nhân- Ảnh 1.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: Quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới. Ngay sau khi Luật được thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của luật đến các cán bộ công đoàn chủ chốt, người lao động nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong hoạt động công đoàn cho vấn đề nhà ở của công nhân.

Đồng thời đã chỉ đạo xây dựng quy trình đầu tư xây dựng nhà theo quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật đầu tư, trong đó bám sát các nội dung mới của luật và dự thảo Nghị định của Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ. Chỉ đạo rà soát các địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng Liên đoàn để tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân.

"Từ khi Luật thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai ở 4 tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Tiền Giang, dự kiến quý II sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh. Sau khảo sát, sẽ triển khai công tác lập kế hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, công tác đầu tư", ông Hiểu cho hay.

Ông Hiểu cũng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động đã tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất với Luật Nhà ở; tích cực tham gia với Bộ Xây dựng để hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có liên quan đến khoản 4 Điều 80 về nhà tạm trú cho công nhân và xây dựng quy định phù hợp với Luật Công đoàn, đảm bảo các nguồn lực để thực hiện quy định này.

Bên lề Hội nghị, ông Hiểu cho biết thêm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án xây dựng nhà ở theo giai đoạn đầu tư, hiện đang thực hiện ở các cơ quan cấp vụ. Dự kiến đến năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội; giai đoạn 2026 - 2030 sẽ xây dựng khoảng từ 10.000 - 15.000 căn nhà. Nội dung này sẽ được Đoàn Chủ tịch và Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho ý kiến vào cuối tháng 4 tới.

Trên thực tế, vẫn còn những ý kiến trái chiều về quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê.

Nhiều công nhân ở khu công nghiệp đang phải chịu cảnh 5 không: không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, y tế, không có điều kiện để sinh hoạt. Trong khi đó, việc làm nhà ở cho công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được triển khai từ năm 2017 theo đề án xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Một số ý kiến của ĐBQH trước đó cho hay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, không nhất thiết phải quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư, bởi Công đoàn không có chức năng kinh doanh.

Tham gia phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng cho hay, trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố là rất lớn. Theo Đề án xây dựng nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng được giao chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội đến năm 2030…

Trên tinh thần đó, TP. Hải Phòng đã chủ động gắn việc đầu tư nhà ở xã hội với việc phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời lựa chọn và bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội nhằm chủ động, linh hoạt phát triển nhà ở, trong đó ưu tiên khai thác tối đa quỹ đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị; tăng cường tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước về nhà ở xã hội…

Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/11/2023, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030, với mục tiêu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội thành phố theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng đặt kế hoạch xây dựng 15.400 căn nhà ở xã hội, trong đó phấn đấu 80% là sản phẩm hoàn thành và sản phẩm đưa ra thị trường. Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố tiếp tục xây dựng đạt và vượt chỉ tiêu 18.100 căn phát triển nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 4 dự án phát triển nhà ở xã hội có sản phẩm ra thị trường với tổng số 1.600 căn; 7 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 11.500 căn. Ngoài ra, 8 dự án chuẩn bị khởi công và 11 dự án đang hoàn thiện thủ tục để lựa chọn chủ đầu tư, dự kiến có sản phẩm trước năm 2030.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top