TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023

Hà Thương
Hà Thương
Thứ Hai, 01/01/2024 - 00:00

Năm 2023 "sóng gió" của thị trường bất động sản đã khép lại. Mặc dù những khó khăn vẫn còn hiện hữu khi dòng vốn chưa được cải thiện, "nút thắt" về pháp lý vẫn cần thời gian để tháo gỡ, nhưng cơ bản thị trường đã bước qua giai đoạn "bĩ cực" nhất.

Bước sang năm 2024, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cùng sự vận động nội tại mạnh mẽ của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ ghi nhận những chuyển biến tốt hơn.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 1.

2023 là một năm nỗ lực của tất cả các bên để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó, Chính phủ đã thể hiện mạnh mẽ vai trò "nhạc trưởng" trong công tác điều hành hỗ trợ thị trường.

Từ những ngày đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Và ngay sau Hội nghị, hàng loạt chính sách tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản đã được ban hành.

Đơn cử như Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định 08/NĐ-CP về giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu; Nghị định 10/NĐ-CP có nội dung liên quan đến cấp sổ đỏ cho condotel hay Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Đặc biệt, hồi đầu tháng 4/2023, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của bốn ngân hàng thương mại nhà nước dành cho chủ đầu tư và cá nhân vay mua nhà tại dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 2.

Ngày 17/2, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Đi cùng với các nghị quyết, nghị định là hàng loạt các công điện. Thậm chí có thời điểm chưa đầy một tuần, Chính phủ đã ban hành 2 công điện có liên quan trực tiếp đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10 và Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10.

Gần như chưa bao giờ thị trường bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm tháo gỡ khó khăn từ phía Chính phủ như năm 2023. Điều này chứng tỏ, Chính phủ thực sự cam kết mạnh mẽ và quyết liệt hành động trong việc đồng hành, giải cứu thị trường bất động sản.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 3.

Sau hơn 22 ngày làm việc (từ 23/10 đến 29/11/2023), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 luật và 9 nghị quyết. Trong đó có hai luật quan trọng trực tiếp tác động đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cả hai luật này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã có nhiều quy định tích cực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các chủ thể trên thị trường, hạn chế được tình trạng chồng chéo pháp lý với các luật liên quan vốn vẫn tồn tại trong suốt thời gian dài vừa qua.

Cụ thể, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã khẳng định danh nghĩa pháp lý chung cư mini và cho phép cấp sổ hồng đối với loại hình căn hộ này; không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi nhiều hơn cho chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội…

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 4.
TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 5.

Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn)

Với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các quy định mới đã nới hơn một số điều kiện cho người Việt Nam tại nước ngoài có nhu cầu kinh doanh bất động sản, nhưng cũng siết chặt ở một số vấn đề như: Đặt cọc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; điều kiện đưa vào kinh doanh nhà ở, công trình hình thành trong tương lai; hoạt động phân lô bán nền ở đô thị loại II, loại III hay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng...

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối diện với rất nhiều khó khăn, việc thông qua Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng, cần thiết để vừa tạo động lực khôi phục niềm tin trên thị trường, vừa tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 6.

Trong bối cảnh tất cả các bên đều ngóng chờ việc hoàn thiện sửa đổi Luật Đất đai như "nắng hạn chờ mưa", thì tại phiên họp sáng 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đồng tình, Quốc hội nhất trí chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6. Thay vào đó, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp gần nhất năm 2024.

Nguyên nhân là qua lấy ý kiến, các đại biểu cho rằng cách thiết kế chính sách trong dự thảo Luật chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với Luật, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 7.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Bởi đây là bộ luật quan trọng đóng vai trò định hướng sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, luật chỉ nên thông qua khi đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, giải quyết đúng và trúng những vấn đề mà xã hội và thị trường cần. Do đó, hoãn lại việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là điều cần thiết.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng nhìn nhận, Luật Đất đai là bộ luật quan trọng, nếu thông qua mà các điều kiện cụ thể trong luật không những không giải quyết được các vấn đề đặt ra mà còn phát sinh thêm nhiều vấn đề mới, thì thà "chậm mà chắc".

"Sửa đổi Luật Đất đai không thể chậm trễ nhưng cũng không thể vội vàng. Đặc biệt, đây là một đạo luật quan trọng thì cần phải hết sức cẩn trọng. Chất lượng luật vẫn cần đặt lên hàng đầu, thay vì thông qua sớm hơn vài tháng. Làm vội mà nội dung không phù hợp thì 10 năm sau mới sửa được. Hậu quả khi đó là vô cùng nặng nề", ông Hiệp nhấn mạnh.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 8.

Phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội được xem là một trong những chính sách trọng tâm của Chính phủ trong năm 2023. Những khó khăn kéo dài từ nửa cuối năm 2022 đã khiến thị trường bất động sản phải tự điều chỉnh để phát triển cân bằng trở lại. Do đó, các phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội là hướng đi buộc phải ưu tiên trong năm vừa qua.

Cụ thể, đầu tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Mục tiêu Đề án đặt ra là phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Chính phủ yêu cầu các địa phương phải xác định rõ diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của địa phương.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 9.

Phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội được xem là một trong những chính sách trọng tâm của thị trường bất động sản trong năm 2023. (Ảnh minh họa: IT)

Bên cạnh Đề án, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của bốn ngân hàng thương mại nhà nước dành cho chủ đầu tư và cá nhân vay mua nhà tại dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng được triển khai với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng

Theo số liệu được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, đến nay đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền giải ngân chỉ đạt khoảng 143,3 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với kỳ vọng đặt ra ban đầu.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ theo dõi, bám sát tình hình triển khai gói tín dụng này để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bài bản, có lộ trình rõ ràng. Kỳ vọng trong thời gian tới, chính sách sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được cải thiện, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đại bộ phận người dân hiện nay. Đặc biệt là giúp điều hướng thị trường phát triển cân bằng, lành mạnh, bền vững khi bước vào chu kỳ mới.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 10.

Với vai trò đồng hành cùng thị trường bất động sản, trong năm 2023, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc phản biện chính sách nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, Hiệp hội đã chủ động tổ chức các hội nghị làm việc với các doanh nghiệp hội viên và tổng hợp ý kiến từ phía các doanh nghiệp, có văn bản gửi trực tiếp đến những cơ quan soạn thảo, các bộ ngành Trung ương và địa phương, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội để kiến nghị, góp ý về các cơ chế chính sách, các dự thảo sửa đổi luật, sửa đổi thông tư. Đơn cử như: Kiến nghị đẩy nhanh công tác lập trình, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM; đóng góp ý kiến đối với dự thảo mới nhất Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở; góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030, định hướng năm 2045…

Đồng thời, lãnh đạo Hiệp hội cũng chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc, trực thuộc Hiệp hội tổ chức hội thảo, diễn đàn và tham gia tổ chức như: Hội đồng thẩm định và tổ soạn thảo dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Hội nghị Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Hội nghị Tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023…

Trực tiếp đồng chí Chủ tịch Hiệp hội - TS. Nguyễn Văn Khôi và các đồng chí Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng thường xuyên tham gia các hội nghị do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội chủ trì về góp ý sửa đổi luật, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 11.
TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 12.

Với vai trò đồng hành cùng thị trường và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, trong năm 2023, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc phản biện chính sách. (Ảnh: Reatimes)

Những hoạt động và kết quả mà Hiệp hội đạt được trong năm 2023 đã được cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá cao. Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết, những kiến nghị, đề xuất của VNREA về sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có chất lượng rất tốt, một số kiến nghị đã được ghi nhận và đưa vào luật.

Vì vậy, tại Công văn số 5462/BXD-QLN gửi Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ngày 5/12, Bộ Xây dựng đã gửi lời cảm ơn tới Hiệp hội vì những đóng góp của Hiệp hội đối với ngành xây dựng trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, có nhiều ý kiến đóng góp trong thời gian tới.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 13.

Một trong những khó khăn dai dẳng đeo bám các doanh nghiệp bất động sản trong suốt năm qua là vấn đề về dòng vốn tín dụng. Không ít doanh nghiệp bất động sản đã phải cắt bớt nhân sự, dừng nhiều hoạt động, thậm chí là bán tháo tài sản để có tiền trang trải.

Hiểu được điều này, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; nới lỏng chính sách có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.

Theo đó, chỉ trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành. Mức giảm từ 0,5 - 1,5 điểm phần trăm vào các tháng 3, 4, 5 và 6; đưa lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 4,5% và lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% xuống 3%.

Song song với việc điều chỉnh lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Có thể nói, dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã được điều chỉnh cho phù hợp cả về room tín dụng và mức lãi suất nhằm hỗ trợ nhu cầu vay vốn của người mua nhà và doanh nghiệp đầu tư phát triển.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 14.

Ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Một trong những điểm quan trọng của Nghị định 08 là cho phép doanh nghiệp phát hành dùng tài sản khác để thanh toán nợ trái phiếu; được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm; hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Với những điểm mới này, Nghị định 08 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để xử lý một số điểm nghẽn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua; tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 15.

Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định 08 còn góp phần "xoa dịu" áp lực nợ trái phiếu đến hạn cho các chủ đầu tư trong ngắn hạn. VnDirect ước tính, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Trong đó, bất động sản là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107,7 nghìn tỷ đồng, tăng 76,2%. 

Trước áp lực đáo hạn lớn như vậy, nếu không có những quy định của Nghị định 08, có lẽ không ít doanh nghiệp sẽ còn loay hoay trong việc tìm hướng giải quyết cho các khoản nợ đến hạn. Theo giới chuyên gia, Nghị định 08 không chỉ làm giảm áp lực nợ trái phiếu đến hạn, tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu mà điều quan trọng hơn hết là giúp khôi phục niềm tin nhà đầu tư trên thị trường này. Đây là yếu tố quan trọng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp "đi lên từ vấp ngã".

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 16.

Tối ngày 12/9/2023, tòa chung cư mini trên phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Ngay sau vụ cháy một ngày, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố, bắt tạm giam bị can Nghiêm Quang Minh, chủ tòa chung cư xảy ra hỏa hoạn về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Sau sự việc đáng buồn này, bên cạnh sự sẻ chia mất mát với những người bị nạn thì bài học đắt giá về tính an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành, sử dụng loại hình chung cư mini nói riêng và câu chuyện quản lý nhà ở nói chung cũng được đặt ra.

Rất nhiều ý kiến cho rằng nên cấm tuyệt đối loại hình chung cư mini, tuy nhiên cũng có quan điểm đề xuất nên "luật hóa" loại hình nhà ở này, đồng thời có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 17.
TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 18.

Tối ngày 12/9/2023, tòa chung cư mini trên phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. (Ảnh: Vietnamnet)

Sau một thời gian "làm nóng" dư luận và được cơ quan nhà nước quan tâm xem xét thì Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua cuối tháng 11 đã chính thức khẳng định danh nghĩa pháp lý cho chung cư mini và cho phép cấp sổ đỏ cho loại hình này. Tuy nhiên, Luật mới quy định, cá nhân muốn xây chung cư mini để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Cùng với đó, việc đầu tư chung cư mini để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 19.

2023 là một năm cực kỳ khó khăn đối với thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp địa ốc đã phải chống chọi với không ít thách thức từ dòng vốn cho đến pháp lý. Thậm chí, giai đoạn này được đánh giá là khốc liệt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng vào những năm 2010 - 2013.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, mỗi tháng có đến 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 10 tháng qua cũng giảm 50,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc rời khỏi thị trường của các doanh nghiệp là minh chứng rõ nhất cho sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản trong năm 2023. Với những doanh nghiệp còn ở lại, đa số cũng rất chật vật để tái cấu trúc, thay đổi phương án kinh doanh. Thậm chí là dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, chuyển nhượng bớt dự án, cắt giảm nhân sự từ 70 - 80%.

Khép lại năm 2023, những khó khăn của thị trường vẫn còn đó, bởi dòng vốn chưa được cải thiện đáng kể và những "nút thắt" về pháp lý vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng, thị trường đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực để hồi phục vào nửa cuối năm 2024. Đặc biệt, dù các khó khăn vẫn còn, song niềm tin nhà đầu tư đã dần ổn định và được cải thiện. Nhu cầu mua ở thực và đầu tư bất động sản vẫn luôn thường trực, nhất là khi lãi suất đang có chiều hướng giảm mạnh.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 20.

Từ đầu năm 2023, bất động sản công nghiệp đã được dự báo tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản. Và trên thực tế, những gì diễn ra trong năm qua đã chứng minh rõ "sức sống" mạnh mẽ của phân khúc này.

Nhìn chung trong năm qua, bất động sản công nghiệp ghi nhận tăng ở mọi phương diện từ nguồn cầu đến nguồn cung, giá bán và cả tỷ lệ lấp đầy. Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.400ha, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng khu vực phía Bắc, sức cầu ghi nhận mạnh mẽ từ lĩnh vực điện tử khi trong nửa đầu 2023, sự mở rộng của nhiều nhà sản xuất điện tử lớn đã diễn ra tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh như Foxconn, Goertek hay Tập đoàn Amkor của Hàn Quốc…

Giới chuyên gia cho rằng, động lực giúp bất động sản công nghiệp "sống khoẻ" bất chấp những khó khăn của thị trường là nhờ dòng vốn FDI liên tục đổ mạnh. Tính đến 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng là mức tăng cao nhất giai đoạn 2018 - 2023, theo Tổng Cục Thống kê.

TOP 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2023- Ảnh 21.

Nếu bất động sản công nghiệp "lội ngược dòng" thị trường để có một bức tranh tươi sáng thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lại trở thành "hố đen" khi liên tục trượt dài trên đường đua hồi phục.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý III/2023, cả nước có khoảng 16 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chào bán, cung cấp ra thị trường khoảng 970 sản phẩm, tăng gấp đôi so với quý trước, nhưng chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh nguồn cung chậm cải thiện thì sức cầu của thị trường đối với phân khúc này cũng đang ở mức thấp, dẫn đến tỷ lệ hấp thụ chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm 2022 khi đạt 23%, tương đương với 225 giao dịch.

Với lượng hàng tồn kho, chủ yếu là các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá cao nên khó thanh khoản. Phần lớn hàng tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "bất động" suốt thời gian qua.

Đánh giá về chuyển biến của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2023, Bộ Xây dựng cho rằng, đây là phân khúc được kỳ vọng lớn nhưng thất vọng cũng lớn. Trong tháng 7 và 8/2023, lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng được mở bán mới rất hạn chế. Khi nhu cầu mua và lượng đặt cọc thấp, nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này đã tác động làm nguồn cung mới của phân khúc liên tục giảm trong năm 2023./.

***Sự kiện do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam bình chọn, dựa trên khảo sát của độc giả

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top