Gọi tên đầu tiên tất nhiên là Vietcombank
Quý I/2019, Vietcombank đã báo lợi nhuận trước thuế 5.878 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đà lợi nhuận kỷ lục hơn 18.000 tỷ đồng của năm 2018. Năm 2019, Vietcombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng, tức mỗi quý sẽ đều đặn "sản sinh" ra khoản lãi 5.000 tỷ.
Ngoài mục tiêu lợi nhuận cao, năm nay Vietcombank còn dự kiến phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận giữ lại - đảm bảo điều kiện phát hành không phụ thuộc thị trường chứng khoán - đưa nguồn vốn tăng them hơn 14.800 tỷ đồng lên trên 51.900 tỷ.
Phần lớn nguồn vốn phát hành trong kế hoạch sử dụng sẽ được tài trợ cho vốn vay ngân hàng, giãn thêm áp lực vốn so với các nhà băng khác trong khi đã có CAR mức cao và được công nhận chuẩn Basel II - có nghĩa Vietcombank sẽ có lợi thế kép cho tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, Vietcombank là ngân hàng tỷ lệ nợ xấu thấp, tất toán xong nợ trái phiếu VAMC, bao dự phòng nợ xấu cao nhất trong hệ thống tới 170%. Hoạt động an toàn, chất lượng tài sản tốt, vị trí quán quân lợi nhuận top đầu bán niên và mục tiêu lợi nhuận tỷ USD ở năm nay không thực sự quá xa so với tầm với Vietcombank.
Những ngân hàng nào tiếp theo?
Nếu Vietcombank nổi trội với các chỉ tiêu và cả nền tảng, quản trị trong khối ngân hàng có vốn quốc doanh, thì ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank, ACB, HDBank hay MBBank... đang là những tên tuổi sáng giá về lợi nhuận cùng mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm cũng như cả năm.
Trong đó, Techcombank có chiến lược hút tiền gửi không kỳ hạn giá rẻ CASA từ việc kích thích khách hàng sử dụng các dịch vụ miễn phí và kết hợp phục vụ khách hàng gắn với các tập đoàn tư nhân gần như độc quyền của họ là Vingroup, Masan.
Ngân hàng này đã ghi nhận chuỗi tăng trưởng doanh thu trong 14 quý liên tiếp với 4.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.600 tỷ đồng quý I, đang có đà để đột phá tốt hơn, đảm bảo mục tiêu 11.750 tỷ đồng đặt ra cho cả năm.
Hậu thuẫn cho việc hiện thực hóa con số trên, ngoài bảng cân đối tài sản tăng trưởng mạnh và chi phí huy động giảm, Techcombank còn có "cửa lớn" đến từ khoản đóng góp của tư vấn phát hành và tự doanh trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là phần bù đắp sụt giảm dư nợ cho vay khách hàng lớn, trực tiếp đóng vào doanh thu, lợi nhuận hợp nhất tích cực cho Techcombank.
Ở góc độ hệ sinh thái ngân hàng, HDBank đang chiếm ưu thế về data và chuỗi phục vụ đặc quyền cho hơn 20 triệu khách hàng trực tiếp, bao gồm ở HDSaison và Vietjet. Con số này lớn gấp đôi nếu cộng thêm data của nhóm năng lượng, bán lẻ.
Số liệu mới nhất cho thấy, HDBank có tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành, chất lượng tài sản tốt với phương pháp cho vay các khoản hướng đến đối tượng thuộc hệ sinh thái có thu nhập ổn định và tin cậy cao, danh mục vay hơn 90% có đảm bảo.
Cùng với cho vay hiệu quả, thu nhập ngoài lãi của HDBank trong năm 2018 đạt mức tăng trưởng tới 123% so với năm trước đó, và dự kiến khoản này trong năm nay sẽ còn bật mạnh hơn khi công ty con HD Saison được cung cấp dịch vụ kinh doanh ngoại hối như lộ trình.
HDBank - HDSaison và Viejet cũng đã tung sản phẩm cho vay trả góp mua vé máy bay, hứa hẹn khoản CASA mới mỗi ngày chảy qua HDBank - thêm 1 lợi thế cho ngân hàng phát triển SME và dịch vụ. Chứng khoán HSC dự phóng, HDBank có cơ sở để tiếp tục giữ vị trí đầu bảng tăng trưởng lợi nhuận kép xét trên toàn hệ thống, như đã làm được ở 5 năm giai đoạn 2013-2018.
Trong quý I vừa qua, HDBank đã ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 2.466 tỷ đồng cùng lợi nhuận trước thuế 1.101 tỷ đồng, cho thấy ngân hang tiếp tục đạt hiệu quả hoạt động cao, với tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) đạt 20,4%, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đạt 1,7%, thuộc top dẫn đầu toàn ngành.
Với các ngân hàng còn lại trong nhóm sinh lời tốt của năm 2018 và quý I/2019, như ACB, MBBank…cũng đang được kỳ vọng rất nhiều vào kết quả quý 2 chuẩn bị công bố. Bởi lẽ các nhà băng này đều có nhiều dư địa để tăng trưởng, trong đó đáng kể là đã hoàn thành Basel II sớm hơn kế hoạch, nguồn vốn dồi dào, riêng MB còn tất toán hết nợ xấu ở VAMC từ năm trước và ACB thì xử lý xong hết những tồn đọng của 6 công ty liên quan bầu Kiên - vốn kéo lùi đà tăng trưởng của nhà băng này các năm trước.
Trong quý đầu năm nay, ACB đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng còn MB là hơn 2.400 tỷ. Dự kiến cả năm ACB sẽ thu về hơn 7.200 tỷ đồng lợi nhuận trong khi MB tham vọng gần 9.900 tỷ.
Dẫu những cái tên về lợi nhuận top đầu có thể đoán định được, song theo giới phân tích, ngoài hoạt động nền tảng đã thể hiện thời gian qua thì yếu tố đầu tư công nghệ và hệ sinh thái đang ngày càng tỏ rõ lợi thế cạnh tranh, cuộc đua tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng có thể cho kết quả càng về cuối càng bất ngờ.