Aa

TP. Cần Thơ: Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Hai, 14/07/2025 - 14:14

Ngày 13/7, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam. Tại hội nghị, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã báo cáo về việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 và nhiều dự án khác trên địa bàn thành phố.

Theo đó, dự án nâng cấp, mở rộng 7km của Quốc lộ 91 qua TP. Cần Thơ có tổng vốn đầu tư hơn 7.237 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 1.302 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 5.556 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực tế chỉ là 2.400 tỷ đồng. Như vậy, chi phí bồi thường kết dư, tính thừa là 3.156 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch hơn 3.000 tỷ đồng này, theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, là do thời điểm lập khái toán ban đầu của dự án chưa chính xác.

TP. Cần Thơ: Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.

Như vậy, tổng mức đầu tư của dự án sẽ giảm 3.156 tỷ đồng, do đó lãnh đạo thành phố kiến nghị với Thủ tướng cho phép lập dự án mới như đầu tư các khu tái định cư. Vì thành phố hiện có nhiều dự án trọng điểm, ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân đủ điều kiện tái định cư, nhưng thành phố chưa đảm bảo các khu tái định cư đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, ông Trần Văn Lâu kiến nghị Chính phủ có thể cho phép thành phố lập các dự án mang tính động lực để phát triển TP. Cần Thơ.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Cần Thơ sẽ có văn bản chính thức kiến nghị Trung ương xem xét, xử lý.

Ngoài ra, đối với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ ngành và TP. Cần Thơ khẩn trương tiếp tục thực hiện và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2026.

Được biết, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng, từ vốn ODA Hungary và vốn đối ứng trong nước, quy mô bệnh viện 500 giường. Dự án khởi công tháng 10/2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.

TP. Cần Thơ: Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn- Ảnh 2.

Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ tạm dừng xây dựng do hợp đồng xây dựng và hiệp định vay vốn ODA từ Hungary đã hết hiệu lực năm 2022. (Ảnh: Hữu Lễ)

Tuy nhiên, sau khi thi công đạt hơn 80% khối lượng phần xây dựng (phần thô), từ năm 2022 dự án đã dừng thi công. Đến nay, dự án mới đạt hơn 21% giá trị hợp đồng tổng thầu EPC, trong đó phần xây dựng đạt 80%, còn hệ thống trang thiết bị y tế vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân dự án tạm dừng chủ yếu do hợp đồng xây dựng và hiệp định vay vốn ODA từ Hungary đã hết hiệu lực từ năm 2022.

Bên cạnh đó, liên danh nhà thầu Hungary liên tục đề xuất điều chỉnh trang thiết bị, vật liệu ngoài hợp đồng và không đảm bảo tỷ lệ 50% hàng hóa có xuất xứ từ Hungary, buộc dự án phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ và dẫn đến tạm dừng thi công đến nay.

TP. Cần Thơ: Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ và TP. Cần Thơ đã thống nhất phương án kết thúc dự án sử dụng vốn ODA, chuyển sang thực hiện dự án mới bằng nguồn ngân sách trong nước. Về nguồn ngân sách, ông Thắng cho biết có thể xử lý theo hai hướng, nếu cần gấp thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm nay, nếu không kịp thì đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. 

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, từ nay đến cuối năm 2025, các tỉnh cần phát huy đoàn kết, thống nhất trong nội bộ để cùng nhau bứt phá, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng hơn 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7. 

Đặc biệt, với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Thủ tướng chỉ đạo tiến hành thanh tra, Bộ Tài chính chủ trì bố trí vốn đầu tư công để khởi động lại dự án, giao Cần Thơ làm chủ đầu tư và phải hoàn thành trong năm 2026.

Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề ngày 12/11/2024, HĐND TP. Cần Thơ thông qua tờ trình xin ý kiến về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 của UBND thành phố, trong đó có dự án đường vành đai phía Tây với tổng mức đầu tư hơn 6.601 tỷ đồng, vượt gần 2.800 tỷ đồng so với công bố ban đầu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top