TP. Cần Thơ: Tầm nhìn về một thành phố thông minh, đáng sống và khát vọng vươn mình từ nội lực

TP. Cần Thơ: Tầm nhìn về một thành phố thông minh, đáng sống và khát vọng vươn mình từ nội lực

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Ba, 19/11/2024 - 06:02

TP. Cần Thơ, "hạt nhân" của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang tận dụng nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn 2030. Những yếu tố này không chỉ tạo ra sự bứt phá về kinh tế, hạ tầng mà còn có tác động đáng kể lên thị trường bất động sản.

Một trong những động lực chính là việc đầu tư vào hạ tầng giao thông. Nhiều dự án lớn đã và sẽ được triển khai như đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Cần Thơ 2, và hệ thống giao thông liên vùng kết nối các tỉnh miền Tây. Những dự án này không chỉ giảm tải giao thông hiện tại mà còn cải thiện khả năng kết nối của TP. Cần Thơ với TP.HCM và các khu vực trọng điểm khác. Việc nâng cấp hạ tầng giao thông giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển công nghiệp, thương mại và bất động sản.

Theo quy hoạch, TP. Cần Thơ cũng chú trọng phát triển các khu công nghiệp mới và mở rộng quy mô logistics để đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc quy hoạch các khu công nghiệp tập trung, cùng với sự thúc đẩy của các chính sách ưu đãi, đã tạo ra cơ hội lớn để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chính quyền thành phố cũng liên tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thị trường bất động sản TP. Cần Thơ dự báo sẽ sôi động hơn nhờ vào sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và các khu đô thị mới. Sự chú trọng của thành phố trong việc kiểm soát đầu cơ và thực hiện đấu giá đất công khai, minh bạch cũng giúp giảm thiểu tình trạng bong bóng bất động sản và tạo ra thị trường lành mạnh, bền vững. 

Để hiểu rõ thêm về những động lực phát triển của TP. Cần Thơ liên quan đến phát triển đô thị và thị trường bất động sản, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.

TP. Cần Thơ: Tầm nhìn về một thành phố thông minh, đáng sống và khát vọng vươn mình từ nội lực- Ảnh 1.

Dự án chung cư cao cấp Cara River Park tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. (Ảnh: Hữu Lễ)

PV: Quy hoạch thành phố Cần Thơ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có những điểm nhấn trọng tâm nào liên quan đến phát triển đô thị, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Theo quan điểm phát triển tại Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 02 tháng 12 năm 2023 (Quyết định số 1519/QĐ-TTg), Thành phố tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển hệ thống đô thị.

Về quy mô, cấu trúc hệ thống đô thị, TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Mô hình phát triển đô thị định hướng như sau:

Các đơn vị hành chính thuộc 05 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt là vùng tập trung các chức năng đô thị, dân cư mật độ cao. Định hướng phát triển huyện Phong Điền thành thị xã Phong Điền, là đô thị sinh thái đặc thù. Ưu tiên nguồn lực thực hiện quy hoạch phân khu và phát triển các khu đô thị mới dọc theo các trục đường chính của thành phố; phát triển đô thị mới, dịch vụ chất lượng cao dọc sông Hậu sau khi di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ cũ.

Các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được thành lập theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính và hệ thống các đơn vị hành chính đô thị cấp phường, thị trấn thuộc cấp huyện (tại Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh); chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tăng cường các loại sinh kế phi nông nghiệp cho người dân cũng như phát triển các cấu trúc đô thị sinh thái đặc thù. Trong đó, đến năm 2030, khu vực thị trấn thuộc huyện phấn đấu đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Khu vực nông thôn (xã) đạt tiêu chuẩn loại đô thị sẽ được phân loại thành đơn vị hành chính đô thị theo quy định pháp luật hiện hành. Trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển xã Trung An đạt tiêu chuẩn đô thị loại V khi đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định.

Về tính chất đô thị, TP. Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào 3 chiến lược chính: (1) Các kết nối và nút hạ tầng liên vùng về đường sắt, hàng không, đường thủy và đường bộ cao tốc; (2) Bố cục các vùng chức năng tập trung, cung cấp các dịch vụ cho toàn vùng; (3) Phát triển đô thị theo hướng tiên phong cho những mô hình phát triển đô thị đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Thành phố định hướng là đô thị sinh thái sông nước cao cấp nhất dọc sông Hậu, lấy sông Hậu là mặt tiền chính cho toàn thành phố, phát triển bản sắc của từng quận, huyện thành đô thị bên các sông nhánh; trở thành đô thị hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Thành phố chú trọng phát triển trục hạ tầng đa phương thức dọc theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đường sắt trên cao phục vụ cảnh quan, du lịch dọc sông Hậu; phát triển đô thị gắn với nhà ga đường sắt, sân bay.

Với định hướng phát triển đô thị thông minh, TP. Cần Thơ hướng tới phát triển đô thị số gắn với phát triển kinh tế số, tích hợp kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng cứng, nhất là hạ tầng giao thông.

Có thể khẳng định, Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, là tiền đề vững chắc để TP. Cần Thơ tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, thể hiện sự khát khao, mong muốn đưa TP. Cần Thơ phát triển vươn tầm cao mới, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế, tiềm năng.

Quy hoạch TP. Cần Thơ với tầm nhìn dài hạn cũng là nền tảng để tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, hướng tới trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh, đáng sống của Việt Nam.

Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, là tiền đề vững chắc để TP. Cần Thơ tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, thể hiện sự khát khao, mong muốn đưa TP. Cần Thơ phát triển vươn tầm cao mới, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển thích ứng trong tình hình mới...
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường
TP. Cần Thơ: Tầm nhìn về một thành phố thông minh, đáng sống và khát vọng vươn mình từ nội lực- Ảnh 2.

Cầu Vàm Cống có ý nghĩa quan trọng không chỉ với TP. Cần Thơ mà còn là tam giác phát triển giữa Cần Thơ - Đồng Tháp - An Giang, là một mắt xích quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhằm giúp giảm bớt thời gian và chi phí Logistics cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Hữu Lễ)

PV: Để hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch, xứng tầm là đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ đánh giá như thế nào về vai trò của việc thu hút đầu tư. Xin ông chia sẻ thêm về những chính sách thu hút, lựa chọn nhà đầu tư hiện nay của Thành phố và những kết quả nổi bật đã đạt được?

Ông Trần Việt Trường: Có thể nói thu hút đầu tư đã trở thành cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và trở thành nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn của Cần Thơ trong thời gian qua. Đến nay, hầu hết sự đổi mới về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh tế đều hướng tới mục tiêu thu hút các dự án đầu tư vào thành phố. Tuy nhiên, tất cả phải dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố, mang lại lợi ích cho nhân dân, tạo việc làm cho người lao động đồng thời nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình nhằm tích cực thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, các tập đoàn lớn với sự đầu tư trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường và đảm bảo doanh nghiệp xây dựng theo đúng quy hoạch.

Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư hiệu quả, Thành phố tiếp tục duy trì các thị trường đối tác truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan…; mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư từ các nước đối tác là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA. Ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật nano, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ… sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững.

Thành phố cũng tận dụng triệt để các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư. Tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu. Đồng thời là xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư, trong đó có mời gọi nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố.

Thành phố tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của Thành phố, qua đó mời gọi các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, Thành phố thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn và ổn định; duy trì việc cải thiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đầu tư để phát triển bền vững gắn với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư triển khai các dự án có hiệu quả cao.

Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính lớn, có kinh nghiệm như Tập đoàn Pavilion (Singapore), Tập đoàn CT Group, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico, Công ty TNHH Samsung Engineering (Hàn Quốc), Tập đoàn SK (Hàn Quốc), Công ty Cổ Phần Thanh Bình Phú Mỹ đang thực hiện nghiên cứu dự án, nộp hồ sơ đề xuất các dự án đầu tư trong các lĩnh vực đô thị, hạ tầng công nghiệp, logistics… tại TP. Cần Thơ.

Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và nhiều quy hoạch quan trọng khác như điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố, kế hoạch sử dụng đất thành phố giai đoạn 2021 - 2025... sẽ được phê duyệt trong thời gian tới, là những căn cứ hết sức quan trọng, hứa hẹn sẽ giúp Cần Thơ tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhiều nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong thời gian tới.

TP. Cần Thơ tương lai sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo Thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp để biến ý tưởng khả thi của các nhà đầu tư và các mục tiêu trong Quy hoạch sớm trở thành hiện thực.

TP. Cần Thơ: Tầm nhìn về một thành phố thông minh, đáng sống và khát vọng vươn mình từ nội lực- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường (bìa trái) dẫn đầu đoàn khảo sát tiến độ thi công dự án Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1)

PV: Đưa dự án khu công nghiệp VSIP về TP. Cần Thơ được xem là sự thành công chính sách thu hút đầu tư của Thành phố. Dự án này mở ra cơ hội phát triển như thế nào cho Cần Thơ trong giai đoạn tới, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Các khu công nghiệp của tập đoàn VSIP gắn liền với hình ảnh là khu công nghiệp có hạ tầng hiện đại, các dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao, mô hình quản lý chuyên nghiệp, xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có hàm lượng công nghệ cao.

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được UBND TP. Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án vào ngày 25/10/2022, chính thức khởi động vào tháng 9/2023. VSIP Cần Thơ có vị trí nằm tại tuyến đường Quốc lộ 80, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, có vị trí chiến lược tại giao điểm các tuyến cao tốc quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án nằm ngay khu vực giáp ranh giữa An Giang và Cần Thơ, liền kề tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thuận tiện cho việc di chuyển đến các khu vực lân cận và liên vùng. Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 có quy mô 293,7ha với tổng vốn đầu tư khoảng 160 triệu USD.

Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, VSIP đang triển khai các thủ tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, dự kiến đến quý II/2025 có thể bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đây là khu công nghiệp đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phát triển và vận hành bởi tập đoàn VSIP.

Việc VSIP đầu tư khu công nghiệp tại Cần Thơ mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn và thiết thực với TP. Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long.

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ kế thừa mô hình quy hoạch hiện đại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, quản lý thông minh, thân thiện với môi trường, phát triển theo hướng bền vững. Sự phát triển của Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp tại VSIP Cần Thơ sẽ tạo nguồn thuế và cơ hội kinh doanh cho TP. Cần Thơ. Hệ sinh thái công nghiệp của VSIP đa dạng các ngành nghề, thuận lợi cho phát triển cộng sinh công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, từng bước sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ lớn mạnh hơn.

Cùng với đó, Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân địa phương và các tỉnh thành lân cận. Dự kiến khi hoàn thành 2 giai đoạn, với tổng diện tích 900ha, sẽ mang đến cơ hội việc làm cho khoảng 50.000 - 100.000 lao động. Người lao động tại địa phương, nhất là lao động trẻ, sẽ có việc làm ổn định, được đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, cải thiện thu nhập, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, người lao động của địa phương đang làm việc tại các tỉnh thành xa quê có cơ hội được quay về địa phương làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp, có điều kiện để chăm sóc, sống gần gũi người thân trong gia đình, có cơ hội tạo lập hệ sinh thái dịch vụ đi kèm khu công nghiệp bên cạnh nền nông nghiệp truyền thống; "ly nông bất ly hương" - đây cũng là kỳ vọng, mong muốn của lãnh đạo TP. Cần Thơ qua các thời kỳ. Thành phố cũng có các chính sách để hỗ trợ cơ hội việc làm cho người dân có đất bị thu hồi khi giải phóng mặt bằng như là đào tạo chuyển đổi nghề, ưu tiên tuyển dụng người dân địa phương làm việc tại khu công nghiệp.

Việc phát triển khu công nghiệp sẽ song hành với việc cải thiện hạ tầng xã hội, hỗ trợ ngành sản xuất công nghiệp, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa, được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố. Điều này giúp cải thiện khả năng tài chính và tăng cường đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng và xã hội như: trường học, bệnh viện, các dịch vụ công cộng và các tiện ích khác, góp phần tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân của TP. Cần Thơ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Như vậy, việc đầu tư của tập đoàn VSIP vào TP. Cần Thơ là sự kỳ vọng cho vùng đất Cần Thơ màu mỡ, giàu tiềm năng và nguồn lực đủ để các nhà đầu tư quan tâm và phát triển trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long.

TP. Cần Thơ: Tầm nhìn về một thành phố thông minh, đáng sống và khát vọng vươn mình từ nội lực- Ảnh 4.

TP. Cần Thơ có thêm 4 dự án được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.( Ảnh: Hữu Lễ)

PV: Với định hướng phát triển công nghiệp, Cần Thơ có dự báo như thế nào về nhu cầu nhà ở tại địa phương trong giai đoạn tới. Để đáp ứng nhu cầu này, Thành phố đang quy hoạch phát triển các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội ra sao? 

Ông Trần Việt Trường: Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh việc lập danh mục triển khai các khu công nghiệp mới, TP. Cần Thơ cũng xác định các vị trí quy hoạch phát triển nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới với các loại hình nhà ở phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội để đảm bảo nhu cầu an sinh - xã hội cho người dân trong khu vực cũng như người lao động trong khu công nghiệp. Cụ thể giai đoạn từ nay đến 2030, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư 23 dự án phát triển đô thị và 16 dự án khu đô thị tái định cư.

Qua đó, khi phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, TP. Cần Thơ đã có đề xuất về mặt nguyên tắc và tính toán quỹ đất dành cho việc xây dựng mới, trong đó bao gồm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, tái định cư. Đồng thời, theo pháp luật hiện hành về nhà ở, nhà ở xã hội được gắn với dự án đầu tư xây dựng nhà ở; do đó, vị trí và quy mô quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư được xác định cụ thể trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án theo quy định.

PV: Đối với việc phát triển nhà ở và thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh, bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP, TP. Cần Thơ đã và đang thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản. Trong đó, tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản, quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng, dưới sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, trên tinh thần thượng tôn pháp luật của các cơ quan ban ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện việc ủy quyền cho UBND các quận, huyện quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư và tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Nhằm công khai minh bạch thông tin thị trường bất động sản, ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ, TP. Cần Thơ cũng chỉ đạo thực hiện công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng về các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và cập nhật danh sách các dự án phát triển nhà ở đã có thông báo Sở Xây dựng về nhà ở hình thành trong tương lai, đủ điều kiện huy động vốn để người dân có thông tin chính xác trước khi thực hiện giao dịch tại các dự án bất động sản.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh các chủ đầu tư để hoạt động đầu tư xây dựng diễn ra đúng tiến độ, đúng quy hoạch, hoạt động kinh doanh theo đúng pháp luật; đồng thời công khai thông tin về quy mô, tiến độ các dự án cũng như các quy định pháp luật về điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh cho người dân biết, góp phần minh bạch hóa thị trường bất động sản trên địa bàn.

Ngoài ra, TP. Cần Thơ còn tăng cường công tác quản lý kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản. Thành phố đã Sở Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thổi giá, vi phạm pháp luật về đất đai. Chủ động rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch. UBND các quận, huyện phải giám sát biến động giá bất động sản, kiểm soát giao dịch bất thường, và xử lý vi phạm, báo cáo Thành phố khi cần.

TP. Cần Thơ: Tầm nhìn về một thành phố thông minh, đáng sống và khát vọng vươn mình từ nội lực- Ảnh 5.

TP. Cần Thơ, “hạt nhân” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Hữu Lễ)

 PV: Trong dòng chảy phục hồi của thị trường bất động sản, xin ông cho biết diễn biến nguồn cung, giao dịch bất động sản của TP. Cần Thơ năm 2024?

Ông Trần Việt Trường: Từ đầu năm 2024 đến nay, TP. Cần Thơ có thêm 4 dự án được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, góp phần đưa vào thị trường một lượng nguồn cung mới về bất động sản đủ điều kiện giao dịch, bao gồm 824 căn hộ (176 căn chung cư nhà ở xã hội và 648 căn hộ thương mại).

Các dự án nhà ở hình thành tương lai đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán, các dự án đủ điều kiện huy động vốn được cập nhật thường xuyên và đăng tải thông tin công khai tại trang web Sở Xây dựng: www.soxaydung.cantho.gov.vn/Nhà ở - thị trường bất động sản.

Tổng lượng giao dịch quý III năm 2024 đạt 2.157 giao dịch, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng nghiêng về đất nền và nhà ở riêng lẻ, còn giao dịch căn hộ chung cư giảm mạnh.

So sánh với quý II năm 2024, lượng giao dịch bất động sản trong quý III năm 2024 có sự tăng trưởng, cụ thể: 2.157/1.788 giao dịch. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2023, lượng giao dịch của 9 tháng năm 2024 vẫn thấp hơn. Nguyên nhân có thể do sự điều chỉnh, thay đổi, bãi bỏ, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, phần nào ảnh hưởng đến lượng giao dịch chung của địa phương.

PV: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực và đang được khẩn trương áp dụng vào thực tiễn. Xin ông chia sẻ thêm về tình hình triển khai, phổ biến các quy định mới của luật và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các luật mới tại địa phương?

Ông Trần Việt Trường: UBND Thành phố đã chỉ đạo sở, ngành thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, rà soát, tham mưu UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, bất động sản thuộc thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với quy định của luật mới và các văn bản quy định chi tiết.

Riêng với Luật Đất đai, UBND thành phố đã kịp thời ban hành các quyết định nhằm cụ thể hóa Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết nhất là quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu tách thửa đối với từng loại đất; quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành, UBND quận, huyện triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao trong Luật. Nhất là các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện thủ tục của người sử dụng đất. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024 được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức khác nhau, thu hút được sự quan tâm của người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND quận, huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Quá trình triển khai thực hiện có một số vướng mắc như việc xác định "đất nông nghiệp trong khu dân cư" theo quy định tại theo khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai để hướng dẫn người sử dụng đất đăng ký nhu cầu sử dụng đất gửi đến UBND các phường làm cơ sở xác định chỉ tiêu cần chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình tham mưu lập Kế hoạch sử dụng đất hàng năm; quy định về tách thửa khi chuyển mục đích hoặc thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đối với các nội dung còn chưa rõ thì có văn bản hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo tính thống nhất khi triển khai thực hiện.

Đối với việc triển khai thi hành Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các văn bản có liên quan, UBND TP. Cần Thơ cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai. Theo đó, Sở Xây dựng tổ chức các lớp tập huấn triển khai phổ biến, tập huấn về luật mới cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện và đơn vị có liên quan. Nếu có vướng mắc trong quá trình triển khai, Sở Xây dựng tham mưu với UBND TP kiến nghị lên Bộ Xây dựng để được tháo gỡ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top