Theo đó, UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh những khu vực quy hoạch còn vướng mắc, không khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tại khu vực, thuộc các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao đề xuất việc bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp cấp phép xây dựng có thời hạn vào dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2015 của UBND TP.HCM quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Để tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong khu vực có chức năng quy hoạch là đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới, TP.HCM sẽ điều chỉnh Quyết định số 27/2014 về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố.
Để giải quyết tình trạng này, ngoại trừ huyện Bình Chánh chưa trình đề xuất; 23 quận, huyện còn lại đã được UBND TP.HCM chấp nhận đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Hiện tại, các quận, huyện nói trên đang rà soát và thực hiện điều chỉnh.
Nhờ quyết định trên của thành phố, từ đầu năm 2017, hàng loạt dự án “treo” trên địa bàn TP.HCM đã được “hóa kiếp”, quyền lợi của người dân cũng đã được trả lại đúng nghĩa.
Trước đó, không ít người dân thành phố “dính” quy hoạch “treo” đều rơi vào tình cảnh có đất nhưng cũng không biết phải làm gì vì không được chuyển nhượng, mua bán, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở các khu quy hoạch “treo” dường như ít được nâng cấp, cải tạo, cuộc sống bủa vây bởi quá nhiều khó khăn, thua thiệt, nhếch nhác dù đang sống ở một đô thị văn minh.
Mới đây ở các quận, huyện như Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, quận 8... hàng loạt dự án, tuyến đường, khu công viên cây xanh đã được điều chỉnh quy hoạch theo hướng phù hợp với hiện trạng thực tế.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, do không thể triển khai xây dựng, UBND Thành phố đã quyết định thu hồi 2 dự án quy hoạch khu công nghiệp là Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng thành điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, tại quận Bình Tân, hơn 20 tuyến đường đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận xóa quy hoạch vì không khả thi do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn./.