Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc TP. HCM (đơn vị tư vấn trực tiếp thực hiện việc kiểm kê, đánh giá biệt thự), danh sách nhà biệt thự từ các nguồn được tập hợp lại khoảng 1.300 nhà. Cho đến nay, sau khi gần một nửa trong số 1.300 căn đã biến mất thì công tác kiểm kê, phân loại vẫn đang được trung tâm tiến hành. Mặt khác, hình thức sở hữu không phải là nội dung chủ yếu của nguyên tắc kiểm kê, nên chưa có số liệu về hình thức sở hữu đối với danh sách biệt thự cũ.
Những con số đáng báo động về tình trạng biệt thự cổ biến mất một cách nhanh chóng đang tỉ lệ nghịch với thời gian hướng dẫn, quy định việc phân loại, sửa chữa biệt thự cổ ra đời. Trả lời Reatimes.vn, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM cho biết: "Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP. HCM (theo Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 29/5/2013 của UBND Thành phố - PV) có nội dung nghiên cứu về kiến trúc biệt thự và khu vực cần bảo vệ không gian kiến trúc biệt thự. Hiện tại, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố (cơ quan Thường trực Hội đồng phân loại biệt thự - PV) đang hoàn thiện bản dự thảo Quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ để trình UBND Thành phố xem xét ban hành."
Trao đổi với những cơ quan chức năng quản lý đối với những công trình kiến trúc cổ, tất cả đều có chung câu trả lời: chờ!? Chờ quy trình, chờ tiêu chí phân loại, chờ quy định cụ thể để có thể dựa vào đó tiến hành cấp phép cho trùng tu hay tháo dỡ, sửa chữa mới… Tuy nhiên, chờ bao lâu thì không có câu trả lời cụ thể.
Quá trình rà soát, đánh giá, phân loại biệt thự cổ đang được tiến hành và chưa có hồi kết có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn biệt thự dù đã xuống cấp vẫn chưa xin được giấy phép sửa chữa. Nhắc lại câu chuyện biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh sửa chữa trái phép, đến khi bị đình chỉ thi công mới biết công trình này chưa được Hội đồng phân loại biệt thự đánh giá, phân loại để đưa vào danh sách biệt thự thuộc nhóm cần trình UBND Thành phố phê duyệt.
Sau 6 tháng bị đình chỉ thi công, đến nay, UBND Thành phố đã có văn bản số 6141/UBND-ĐT ngày 29/10/2016 chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng: công trình 237 Nơ Trang Long có thể cải tạo, sửa chữa theo hướng giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, độ cao, số tầng. Mặc dù có văn bản chấp thuận cho phép sửa chữa, nhưng biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long vẫn đang nằm trong diện chờ phân loại.
Trước đó, vào tháng 7/2016, Viện Nghiên cứu phát triển (Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự) đã trình Ủy ban nhân dân Thành phố dự thảo Tiêu chí đánh giá và phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (tại Tờ trình số 519/TTr-VNCPT-HĐPLBT) để phê duyệt, ban hành. Theo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Văn Khoa, Hội đồng Phân loại biệt thự sẽ họp, thẩm định hồ sơ và phân loại đối với các biệt thự cũ (trước năm 1975) khác trên địa bàn Thành phố ngay sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi người dân mòn mỏi chờ, sau 6 tháng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Phát triển chỉ mới tới khâu trình dự thảo tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ, còn UBND TP.HCM đang trong quá trình xem xét dự thảo này. Trái bóng mang tên “biệt thự cổ” đang được "đá qua đá lại" ở các sở, ngành liên quan trong khi người dân, chủ sở hữu công trình biệt thự cổ chỉ biết "dài cổ" chờ.
Để cấp phép sửa chữa, trùng tu biệt thự cổ là quá trình phối hợp giữa Viện Nghiên cứu phát triển thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc để xác định công trình kiến trúc đó đang ở mức nào: biệt thự cần được bảo tồn, giữ lại sửa chữa, phá dỡ xây mới... Sau đó Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề ra chỉ tiêu về kiến trúc, quy hoạch để Sở Xây dựng nắm tình hình và cung cấp giấy tờ liên quan. Kỹ sư Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép Xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM |
- Luật Nhà ở 2014 (Điều 79) và Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính Phủ (Điều 34) có quy định một số nội dung về quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử bao gồm cả nhà biệt thự cũ không phân biệt hình thức sở hữu, như: phân loại biệt thự (nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3); lập Hội đồng cấp tỉnh để xác định tiêu chí và lập danh sách biệt thự thuộc nhóm 1, nhóm 2 trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; các nguyên tắc quản lý, sử dụng, bảo trì, cải tạo nhà biệt thự. - Biệt thự thuộc quyền sở hữu của tư nhân nếu muốn sửa chữa cải tại thì phải tuân theo các quy định pháp luật hiện hành, như: Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 (Điều 87, 88), Nghị định 99/2015 (Điều 34)... Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. HCM |