Aa

TP. HCM sẽ hỗ trợ tối đa 10 tỷ đối với mỗi dự án cải tạo chung cư cũ

Thứ Năm, 24/07/2025 - 21:38

Theo đề xuất, thành phố sẽ hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài tòa nhà bao gồm giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, xử lý chất thải… với mức tối đa 10 tỷ đồng/dự án.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra sáng 24/7, UBND thành phố đã trình tờ trình quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ dành cho các chủ đầu tư tham gia dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

Theo đề xuất, thành phố sẽ hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài tòa nhà bao gồm giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, xử lý chất thải… với mức tối đa 10 tỷ đồng/dự án.

Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ 50% kinh phí phục vụ công tác di dời, cưỡng chế các hộ dân theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Một chung cư cũ tại TP. HCM

Một chung cư cũ tại TP. HCM

Việc giải ngân sẽ thực hiện sau khi chủ đầu tư hoàn tất phần việc được duyệt, như hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hoặc di dời người dân theo tiến độ.

Đối với các dự án triển khai theo nhiều giai đoạn, việc hỗ trợ sẽ được xem xét theo từng hạng mục đã được nghiệm thu.

Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ ngân sách chi thường xuyên. Sở Xây dựng TP. HCM là đơn vị đầu mối kiểm tra, tổng hợp và trình cấp thẩm quyền xem xét bố trí vốn.

Chính sách này áp dụng đối với các dự án đủ điều kiện theo Luật Nhà ở và Nghị định 98, bao gồm chung cư xuống cấp, công trình nguy hiểm cần phá dỡ khẩn cấp, hoặc thuộc kế hoạch cải tạo đã được Nhà nước phê duyệt.

TP. HCM kỳ vọng chính sách sẽ tạo cú hích về tài chính cho các nhà đầu tư, tháo gỡ nút thắt vốn và đẩy nhanh tiến độ cải tạo hàng trăm chung cư cũ, trong đó nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chậm được thay thế do thiếu nguồn lực.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn TP. HCM hiện có 474 chung cư với 573 lô được xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trong số này, 16 chung cư được xếp loại cấp D (nguy hiểm), 116 cấp C (tiềm ẩn nguy hiểm), 332 cấp B (không còn đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường), và 12 công trình đã bị tháo dỡ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đến nay, 5 trong số 16 chung cư cấp D đã được tháo dỡ hoàn toàn, 6 công trình khác cũng đã hoàn tất việc phá dỡ.

Theo đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, trong 5 năm tới, TP. HCM sẽ tập trung chuẩn bị cải tạo 467 chung cư được xây dựng trước năm 1975, cùng với một số công trình xuống cấp xây trong giai đoạn 1975-1994.

Các chung cư cấp B và C xây trước 1975 cũng sẽ được nâng cấp trong giai đoạn này. Riêng với 16 chung cư cấp D, thành phố dự kiến xây mới 7 công trình đã hoàn tất di dời, tháo dỡ; 9 chung cư còn lại (chưa hoặc đang di dời) sẽ được xử lý theo hướng sửa chữa hoặc xây lại.

Đến năm 2035, TP. HCM đặt mục tiêu hoàn tất việc cải tạo, xây mới toàn bộ các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, cũng như những công trình hư hỏng nặng, thuộc cấp D hoặc đã hết niên hạn sử dụng được xây trong giai đoạn 1975-1994.

Với việc sáp nhập địa giới với hai địa phương lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM chính thức trở thành thành phố có dân số đông nhất Việt Nam, với khoảng 14 triệu người và diện tích 6.772,59km2. Đây chỉ là sự mở rộng đơn thuần về quy mô, mà còn là bước đi chiến lược để hình thành một “siêu đô thị” đa trung tâm, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top