Báo cáo nghiên cứu giá thuê mặt bằng bán lẻ trên thế giới mới công bố của Cushman & Wakefield cho biết, giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi, TP Hồ Chí Minh đạt 390 USD (gần 10 triệu VNĐ) mỗi feet vuông một năm.
Giá thuê tại đây đã tăng lần lượt 17% so với cùng kỳ và tăng 40% so với trước dịch bệnh. Con số này đã đưa đường Đồng Khởi lọt top 13 trong số những mặt bằng bán lẻ đắt nhất thế giới.
Bên cạnh đó, tuyến phố Tràng Tiền, Hà Nội cũng lọt top 17 những mặt bằng bán lẻ đắt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giá thuê tại đây đã tăng lần lượt 20% so với cùng kỳ và tăng 50% so với trước dịch bệnh.
Hiện tại, đại lộ số 5 ở New York, Mỹ vẫn giữ vị trí là nơi có mặt bằng bán lẻ đắt nhất thế giới, mặc dù giá thuê không ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, giữ ở mức 2.000 USD (khoảng 46 triệu VNĐ) mỗi feet vuông một năm. Đứng ở vị trí số hai là đại lộ Via Montenapoleone của Milan với mức giá 1.766 USD (khoảng 43 triệu VNĐ) mỗi feet vuông một năm. Phố Tsim Sha Tsui của Hong Kong tụt xuống vị trí thứ 3 với mức giá 1.493 USD (khoảng 36 triệu VNĐ) mỗi feet vuông một năm.
Nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng là tuyến phố Anna Nagar 2nd Avenue và Pondy Bazaar ở Chennai. Đây là 2 tuyến phố có giá mặt bằng bán lẻ phải chăng nhất trong khu vực với giá thuê lần lượt là 22 USD/feet vuông/năm và 24 USD/feet vuông/năm (tương đương khoảng 500.000 VNĐ và 600.000 VNĐ).
Trong báo cáo, Cushman & Wakefield cho biết, doanh số ngành bán lẻ ở châu Á - Thái Bình Dương đang tăng trưởng tích cực dù đã chậm hơn. Trong năm tới, dù còn nhiều thách thức nhưng ngành bán lẻ sẽ tiếp tục hoạt động tốt.
Tiến sĩ Dominic Brown, Giám đốc Nghiên cứu thị trường quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương nhận định, các điểm đến bán lẻ truyền thông hàng đầu của châu Á Thái Bình Dương tiếp tục có giá thuê cao, chiếm 4 trong số 10 địa điểm đắt đỏ nhất trên toàn cầu. Khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng giá thuê trung bình 5,3% so với cùng kỳ năm trước, kết hợp với triển vọng kinh tế tương đối mạnh mẽ vào năm 2024. Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi liên tục của thị trường mặt bằng bán lẻ.
“Bán lẻ vẫn tiếp tục con đường phục hồi bất chấp làn sóng thách thức mới sau đại dịch khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế chu kỳ làm phát hiện tại”, ông Dominic Brown kết luận.
Riêng tại Việt Nam, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng kinh doanh tại Việt Nam.
Việc chuyển dần từ mô hình kênh bán hàng truyền thống (như các cửa hàng hộ gia đình nhỏ lẻ) sang kênh bán hàng hiện đại, tập trung như siêu thị, trung tâm thương mại hay E-commerce sẽ dần là xu hướng mới. Do đó, nhìn vào lượng cửa hàng cá nhân nhỏ lẻ hiện tại và sức mua ở các siêu thị và trung tâm thương mại ở các đô thị lớn và thị trường ở các tỉnh, chúng ta có thể ước lượng tiềm năng cho thị trường bán lẻ còn rất lớn.
“Tôi tin rằng các nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh của mình. Tuy nhiên các nhà bán lẻ trong nước nên nhìn nhận điểm mạnh điểm yếu của mình một cách nghiêm túc để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhất cho thị trường tiêu dùng Việt Nam. Nhà bán lẻ trong nước có điểm mạnh là am hiểu nền văn hóa vùng miền cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn nhà bán lẻ nước ngoài, chính vì vậy nên tập trung phát huy ưu điểm này để đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất”, bà Trang nhấn mạnh.