Aa

TP. Hồ Chí Minh: Giải tỏa nhà ở, chung cư không "xé rào" khó thành công

Thứ Ba, 15/11/2016 - 01:30

Nhiều ý kiến cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần cơ chế để tự mình tháo gỡ khó khăn trong việc giải tỏa khoảng 20.000 hộ dân sống ven kênh rạch thay vì chờ tiền.

TPHCM: Sẽ giải tỏa gần 20.000 nhà ven kênh rạch.

TP. Hồ Chí Minh sẽ giải tỏa gần 20.000 nhà ven kênh rạch.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết một trong 4 mục tiêu quan trọng mà TP. Hồ Chí Minh cần làm ngay là phải giải tỏa khoảng 20.000 hộ dân sống ven kênh rạch với tổng số tiền dự tính cho chương trình này khoảng 26.500 tỷ đồng.

Nếu chờ vào ngân sách kèm theo quy định hiện tại về đền bù giải phóng mặt bằng thì TP. Hồ Chí Minh chắc chắn không thể hoàn thành chương trình này. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng TP. Hồ Chí Minh cần cơ chế để tự mình tháo gỡ khó khăn thay vì chờ tiền.

Trao đổi với Reatimes về việc cần cơ chế để tự mình tạo lập dòng tiền, TS. Phạm Phú Quốc - TGĐ Công ty Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu có cơ chế phù hợp, TP. Hồ Chí Minh sẽ tự tạo ra nguồn tiền lớn từ nguồn lực sẵn có để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như cải tạo, di dời các hộ dân sống ven kênh rạch”.

Giải pháp được ông Quốc đưa ra như bán 50% vốn tại các Công ty TNHH MTV sau định giá và xin Trung ương giữ lại số tiền này để tái đầu tư; Sử dụng nguồn lực đất đai thông qua đấu giá; Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình, trái phiếu ngoại tệ tự do hoán đổi và kinh doanh những loại trái phiếu thị trường mở; Thành lập các Tập đoàn kinh tế lớn thực sự mạnh để tham gia vào các công trình trọng điểm thay vì phải thuê nước ngoài như hiện nay.

Thực tế cho thấy các hộ dân sống ven kênh rạch hầu hết là hộ nghèo. Ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch UBND Quận 4 cho biết: “Trước đây việc giải phóng mặt bằng vẫn làm được do Quận “ép” nhà đầu tư phải bán cho dân một cái giá rẻ nhưng hiện nay quy định về đền bù khép lại như chỉ đền bù tài sản trên đất vì đất ở của người dân ven kênh rạch đa số là nhảy dù nhưng họ đã ở 15 - 20 năm rồi. Nhiều hộ có từ 5 -10 nhân khẩu cư trú trên diện tích chỉ khoảng 15 - 20 m2. Còn đối với chung cư cũ cần tháo dỡ thì có đến 60% có diện tích nhỏ từ 20 m2”.

Theo ông Quân, hầu hết các hộ dân đang sinh sống ven kênh rạch và ở chung cư cũ trong diện giải tỏa đền là những hộ nghèo, sẽ rất khó thu thêm phần dôi dư đối với căn hộ có diện tích khoảng 20m2. Theo tìm hiểu của Reatimes thì hầu hết các khu tái định cư đều ở các quận xa trung tâm, kết nối hạ tầng không đồng bộ, ngoài căn hộ để ở còn trường học, bệnh viện, chợ đều ở cách xa. Đại bộ phận người dân sống ven kênh rạch đều không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định nên họ phải “bám” vào trăm thứ nghề ở Trung tâm thành phố.

Theo quy định mới, nhà ven kênh rạch hiện nay chỉ được bồi thường khoảng 40% cho kiến trúc trên đất, còn 30% giá trị đất đã bị cắt đi. Trong khi đó, tại Quận 4 thì 40% nhà trên kênh rạch có diện tích từ 10 - 20 m2/căn. Như vậy, mỗi căn nhà nếu di dời sẽ được bồi thường trên 100 triệu đồng, số tiền này không thể mua bất kỳ một căn hộ nào tại TP. Hồ Chí Minh (kể cả căn hộ tái định cư 30 m2). Vì thế, UBND Quận 4 đề xuất vẫn “đền bù như cũ”, nghĩa là có thêm 30% giá trị đất thì khả năng di dời sẽ nhanh hơn. 

Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc giải tỏa và xử lý ô nhiễm tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hiện Kênh Đôi - Kênh Tẻ, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé cũng đang được cải tạo. Nhiều chuyên gia đề xuất TP. Hồ Chí Minh nên quy định mức “góp” với các doanh nghiệp BĐS khi dự án của các doanh nghiệp này được hưởng lợi nếu thành phố mở đường rộng hơn hay cải tạo kênh rạch.

Đơn cử như sau khi thành phố cải tạo tuyến đường kênh Tân Hóa thì giá đất sau khi đi kênh ngầm ở khu vực lân cận đã tăng từ 10 triệu đồng lên khoảng 40 triệu đồng/m2. Có đến gần 20 dự án nhà chung cư được “ăn theo” dự án cải tạo kênh này với khoảng gần 3.000 căn hộ. Tuy nhiên, tất cả các dự án này đều được hưởng lợi từ hạ tầng, xem như của “trời cho”. Bên cạnh hệ quả của việc cải tạo kênh Tân Hóa thì kéo theo hậu quả kẹt xe ở các đoạn đường gần khu vực này do lượng chung cư dày đặc mang lại.

Trên thực tế, nhiều dự án trước đó đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh chóng như Vinhome Tân Cảng của chủ đầu tư VinGroup là một ví dụ. Điều này càng khó thêm cho các quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh khi giải phóng mặt bằng chỉ bằng nguồn vốn từ ngân sách. Vì thế, thay vì bán nhà tái định cư theo mức giá ban hành, đối với những hộ nghèo cần có chính sách hỗ trợ riêng. Chính sách này hoàn toàn có thể làm được khi chi phí do chủ đầu tư chịu trách nhiệm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top