Aa

TP. Hồ Chí Minh: Quyết liệt với 4 mục tiêu cần làm ngay

Thứ Sáu, 07/10/2016 - 21:56

Sáng 7/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh” do Bộ Xây dựng phối hợp với TP. Hồ Chí Minh được tổ chức. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chủ trì hội thảo.

Hội thảo tập trung giải quyết 4 vấn đề chính của đô thị TP. Hồ Chí Minh bao gồm: Di dời và tổ chức lại đời sống cho người dân ven kênh rạch; Xây dựng mới các chung cư cũ; Chỉnh trang lại các khu dân cư cũ và thu hút đầu tư mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: “TP. Hồ Chí Minh đang cụ thể hóa và tập trung nguồn lực để thực hiện 4 mục tiêu trên. Các tham luận, đóng góp tại hội thảo sẽ là một trong những cơ sở để thành phố nghiên cứu, triển khai thực hiện làm sao đạt hiệu quả cao nhất”.

TS. Phạm Phú Quốc - TGĐ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh.

TS. Phạm Phú Quốc - TGĐ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh.

Tài chính cho đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, tham luận của TS. Phạm Phú Quốc - TGĐ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh đưa ra 5 nguồn lực huy động, đó là: Từ cân đối ngân sách Nhà nước, khai thác quỹ đất quỹ nhà, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước; Huy động các nguồn lực xã hội. Phát biểu tại Hội thảo TS. Phạm Phú Quốc cho rằng TP. Hồ Chí Minh không đợi ngân sách từ Trung ương rót xuống mà sẽ có ngay tiền từ cơ chế. Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh sẽ có khoảng gần 40.000 tỷ tiền mặt từ việc cổ phần hóa các DNNN. Hiện TP. Hồ Chí Minh có khoảng 60 Công ty TNHH MTV với vốn chủ sở hữu 45.000 tỷ đồng, định giá thì sẽ tăng gấp đôi. Ông Quốc cũng cho rằng tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu mới tăng thay vì tận thu.

Đối với thực trạng ngập lụt, ách tắc giao thông tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng quy hoạch đô thị tại TP. Hồ Chí Minh về mặt lý thuyết là tương đối hoàn chỉnh. TP. Hồ Chí Minh đã qua 3 lần quy hoạch: 1 lần quy hoạch tổng thể (năm 1993) và 2 lần điều chỉnh (năm 1998 và 2010). Thách thức lớn nhất đối với thành phố hiện nay là việc sử dụng đất đô thị ở nhiều khu vực kém hiệu quả dẫn đến ách tắc giao thông, ngập lụt thường xuyên. Viện dẫn cho nhận định trên PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa dẫn chứng: Năm 1993 dù mật độ sử dụng đất thấp nhưng đã kêu gọi được rất nhiều nguồn vốn đầu tư. Năm 1998 vẫn còn quỹ đất nhưng năm 2010 gần như đã sử dụng hết quỹ đất. Đầu cơ đất đai của các nhà đầu tư lớn (mua đất, chiếm dụng và để đấy) là khá phổ biến.

Thực tế về công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn đi sau một bước khi một số đồ án thực hiện sau khi người dân đã mua đất ở, khu dân cư đã được hình thành nên khó thực hiện công tác quy hoạch (vướng đền bù, giải phóng mặt bằng).

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa đề xuất quy hoạch phân khu thay vì quy hoạch theo ranh giới hành chính. Ông Hòa phân tích nếu quy hoạch dựa vào dân số, đất ở trên địa giới hành chính vô hình chung sẽ đưa dân vào những vùng địa giới hành chính đang bị ngập, thông qua con đường các dự án bất động sản thì số dân sẽ tăng lên. Hiện nay vướng 2 loại quy hoạch của Bộ Xây dựng và của Bộ TN&MT vì quy hoạch của hai Bộ này không trùng nhau. Đề xuất biến 2 quy hoạch này thành 1 để tránh những bất cập.

Trong khi đó, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị cho rằng đối với TP. Hồ Chí Minh dự án phát triển mới nhiều nhưng dự án chỉnh tranh đô thị không được triển khai. Phải kiên quyết làm trước đối với các dự án công nghiệp trên địa bàn dân cư, các dự án bất động sản trong khu vực ngập úng thì mới hạn chế được tình trạng ngập úng ngày càng gia tăng.

TS. Huỳnh Thế Du - GĐ Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright nêu nguyên nhân tình trạng kẹt xe, ngập úng tại TP. Hồ Chí Minh là do chúng ta đang “làm ngược” về giải pháp. Nếu như trên thế giới và các nước trong khu vực khi gặp vấn đề kẹt xe thì họ sẽ phải giãn dân và xây thêm đường nhưng TP. Hồ Chí Minh lại thêm dân và không xây đường. Mật độ cao tầng của TP. Hồ Chí Minh không lớn so với các thành phố khác trong khu vực cũng như trên thế giới, nhưng do mật độ dân cư đông cùng với việc chưa phát triển hành lang vận tải công cộng là nguyên nhân của tình trạng trên. Số liệu thống kê cho thấy giao thông tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay chỉ đảm bảo được 9,2% của lượng phương tiện lưu thông, trong khi đó các nước thấp nhất là 30% - 50%.

Để cải tạo và chỉnh trang đô thị, cụ thể là di dời người dân ven kênh rạch và cải tạo các chung cư cũ, ông Trần Hoàng Quân - chủ tịch UBND Quận 4 kiến nghị: “Quận 4 muốn thực hiện chương trình này phải có cơ chế đặc thù. Ví dụ như vấn đề cải tạo chung cư cũ, 40% căn hộ chung cư cũ tại Quận 4 có diện tích 15 - 17 - 20 m2. Việc đổi một căn hộ tái định cư tương ứng khoảng 45 m2 thì thành phố chỉ giải quyết được khoảng 30 m2, 15 m2 còn lại người dân phải bỏ tiền ra mua nên khó thu thêm tiền, đặc biệt với các hộ nghèo.” Ông Quân cho biết thêm là việc di dời người dân ven kênh rạch cũng khó khăn hơn khi quy định mới chỉ đền bù vật kiến trúc trên đất, trong khi đó quy định cũ ngoài đền bù kiến trúc trên đất còn có 30% giá trị đất. Trên 40% nhà ven kênh rạch có diện tích từ 10 - 20 m2, nhiều hộ có từ 5 - 10 nhân khẩu. Nếu tính theo tiền đền bù thì mỗi hộ được khoảng 100 triệu đến hơn 100 triệu, số tiền này không thể mua được bất kể căn hộ nào tại TP. Hồ Chí Minh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top