UBND TP. Huế cho biết năm 2021 có 7 dự án trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn gồm: Tiếp tục thực hiện Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố (do Chính phủ Nhật Bản tài trợ); Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế; Dự án chỉnh trang khu dân cư kết hợp khai thác di tích Hổ Quyền - Voi Ré.
Các dự án chỉnh trang đô thị như: Chỉnh trang 2 bờ sông Hương; Dự án chỉnh trang các tuyến đường trung tâm Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo...; Chỉnh trang công viên, điện chiếu sáng, các khu vực trung tâm; tuyến đường dọc sông Hương (đoạn từ Cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa); nâng cấp mở rộng đường Hà Nội, TP Huế; Dự án di dời nghĩa địa khu vực Ngự Bình – Núi Bân; các dự án do KOICA tài trợ.
Ngoài những dự án trên, một số dự án khác cũng được TP. Huế đẩy mạnh triển khai sau khi điều chỉnh mở rộng, sáp nhập 13 địa phương khác vào TP. Huế. Mới đây, UBND TP. Huế đã quyết định đầu tư hơn 17 tỷ đồng dự án điện chiếu sáng các tuyến đường liên phường, xã nhiều địa phương vừa sáp nhập vào TP. Huế khi mở rộng. Cụ thể dự án điện chiếu sáng các tuyến đường liên phường, xã thuộc TP. Huế mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 13,8 tỷ đồng triển khai tại xã Thủy Bằng, phường Hương Hồ, phường Phú Thượng, xã Phú Mậu, xã Phú Dương, xã Phú Thanh, xã Hương Phong; dự án điện chiếu sáng xã Hải Dương có tổng mức đầu tư dự kiến gần 3,5 tỷ đồng (cùng do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư).
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, việc sáp nhập thêm 13 xã, phường là cơ hội để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực. Vì vậy, quy mô, cơ cấu kinh tế, phát triển ngành, các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều thay đổi. Trước mắt, thành phố quan tâm đến hạ tầng thiết yếu tại 13 xã, phường mới. Trong đó, tập trung đầu tư những tuyến đường liên vùng liên xã nhằm kết nối hạ tầng từ khu vực trung tâm thành phố đến các xã, phường, tạo bộ mặt cho đô thị Huế trong tương lai cũng như tập trung đầu tư hướng đến đảm bảo đủ các tiêu chí tạo động lực đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chờ đợi những “đêm hoàng cung”
TP. Huế đã và đang đầu tư nâng cấp các tuyến đường xung quanh Đại nội Huế gồm: 23/8, đường Đoàn Thị Điểm, đường Lê Huân, đường Đặng Thái Thân. Cùng với đó sẽ hình thành phố đi bộ khu vực xung quanh Hoàng thành Huế với chủ đề “Đêm Hoàng Cung” giúp du khách khám phá sâu về giá trị văn hóa đêm.
Ngoài ra tuyến đi bộ, đạp xe trải nghiệm xung quanh Hộ Thành Hào, Thượng Thành, đường Chương Dương, các dịch vụ tiện ích tại các tuyến đường đi bộ, công viên dọc hai bờ sông Hương, thưởng ngoạn hệ thống đường thủy nội, ngoại thành cũng sẽ góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm, không gian trải nghiệm tạ thành phố cố đô. Lãnh đạo TP. Huế khẳng định, phát triển kinh tế về đêm là hoạt động mang tính điểm nhấn du lịch, góp phần đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của TP. Huế, đồng thời xây dựng Huế trở thành đô thị di sản quốc gia theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường” trên tinh thần Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị. Hoạt động này nhằm khai thác, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; tạo ra các điểm nhấn cho hoạt động du lịch nhằm đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế trọng điểm theo các định hướng, phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch của tỉnh và thành phố, đưa TP. Huế chuyển mình vươn lên một cách mạnh mẽ…
UBND TP. Huế cũng cho biết sau khi hoàn thiện hạ tầng khu vực xung quanh Đại nội, để gắn kết các tour tuyến du lịch và hình thành chợ đêm Huế, hoàn thành chỉnh trang, thảm nhựa một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo đoạn mặt tiền chợ Đông Ba, Đinh Tiên Hoàng, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trãi. Đồng thời triển khai đề án xây dựng chợ đêm Đông Ba, bố trí sắp xếp lại nhà đỗ xe, xã hội hoá công tác xây dựng nhà trưng bày sản phẩm đặc sản - hàng lưu niệm và xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng, thoát nước.
Một trong những dự án quan trọng là điểm nhấn trong công tác chỉnh trang đô thị Huế và không gian hai bờ sông Hương là dự án xây dựng bờ kè và tuyến đường dạo bộ đoạn từ cầu Dã Viên lên chùa Thiên Mụ. Đây là dự án nhằm hoàn chỉnh không gian, cảnh quan của tuyến đường đi bộ, xe đạp nói riêng và cảnh quan hai bên bờ sông Hương nói chung. Hiện, các hạng mục, công trình cơ bản hoàn thành, phục vụ nhu cầu vui chơi, dạo bộ của người dân.
Đáng chú ý từ 1/7/2021, TP. Huế được mở rộng từ 70,67km2 lên 265,99km2, với quy mô dân số tăng gần 2 lần, đây là cơ hội lớn để bảo tồn các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đời sống nhân dân. Việc mở rộng quy mô đất đai, dân số, những tài nguyên khoáng sản, đặc điểm địa lý và các giá trị di sản cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện UBND TP. Huế lập kế hoạch đầu tư các dự lắp đặt các cụm đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn năm 2021; hệ thống thu thoát khí và lớp phủ cuối cùng ô số 9 thuộc bãi chôn lấp rác số 2 Thủy Phương; Trường THCS Đặng Văn Ngữ - hạng mục khối nhà 3 tầng các phòng chức năng; chỉnh trang công viên Trường An…
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế việc mở rộng TP. Huế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển nhưng cũng đối mặt không ít thách thức, khó khăn. Thời gian tới, TP. Huế tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch Covid-19, tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quy hoạch, nhất là ở 13 xã phường vừa sáp nhập, đồng thời tăng cường quản lý đất đai môi trường, đổi mới tư duy, năng lực. Với mục đích hoàn thiện hạ tầng giao thông, tiếp tục tạo diện mạo khang trang, hiện đại, văn minh, thông minh cho Huế - đô thị trung tâm - đô thị động lực, thúc đẩy toàn tỉnh phát triển toàn diện và mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có...