Trong lịch sử dựng nước và phát triển, mở rộng bờ cõi, Thừa Thiên Huế luôn giữ một vai trò và vị thế đặc biệt đối với dân tộc và đất nước Việt Nam.
Điểm lại những dấu mốc quan trọng
Với vị trí chiến lược đặc biệt của mình, ngày nay Thừa Thiên Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; là một trong những trung tâm lớn về văn hoá, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và là nơi có vị trí trọng điểm về quốc phòng - an ninh của cả nước.
Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, năm 1996, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Quốc hội xem xét việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, do chưa hội tụ đủ các điều kiện nên chưa được thông qua. Từ đó đến nay, Bộ Chính trị đã 4 lần ban hành các văn bản: Kết luận số 48, ngày 25/5/2009; Thông báo số 175, ngày 1/8/2014; Nghị quyết 26 ngày 3/11/2022; và đặc biệt, vào ngày 15/11/2019, tại trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nhấn mạnh đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Thừa Thiên Huế được biết đến là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế.
Ngày 13/9/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trong thời kỳ mới; góp phần hiện thực hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 28/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình số 495/TTr-CP ngày 20/9/2024 của Chính phủ về Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nội dung cơ bản của Đề án; tán thành sự cần thiết thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương với các lý do và cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Sau 15 năm thực hiện Kết luận 48 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tinh thần của Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống. Tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đưa đời sông nhân dân ngày càng đi lên, bộ mặt đô thị ngày càng phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Huế.
Thời cơ và vận hội mới
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài, từ những năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề án được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ.
Đến nay, mô hình đô thị Huế theo hướng di sản, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường đã hình thành, phát triển được các trung tâm về văn hóa du lịch; trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực; trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, môi trường, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh được giữ vững…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh: "Thừa Thiên Huế sẽ tạo động lực và sức mạnh mới để đóng góp vào sự phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia".
Với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén sẽ giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn phát triển, tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước…
Có thể nói, Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của các chuyên gia, các ban, bộ ngành Trung ương, đã làm rõ những căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và đề ra các phương án cụ thể sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể ĐVHC, các định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt; giúp TP. Huế trực thuộc Trung ương thiết lập bộ máy quản lý hành chính phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Và hôm nay, hành trình đã đến đích, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ mở ra cơ hội để Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ hơn. Khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ được tự chủ hơn về ngân sách tài chính, được thụ hưởng chính sách đặc thù hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của Việt Nam.
Xây dựng Huế trở thành một xứ sở đáng sống, xứ sở bình yên…
Huế là vùng đất địa linh nhân kiệt, có chiều sâu văn hoá, di sản, kết tinh nhiều giá trị của nền văn minh nhân loại, giàu bản sắc. Và, tất cả dường như đã hội tụ vào tính cách của người Huế. Con người Huế với những đặc trưng riêng biệt cũng là một "di sản" được đắp xây qua nhiều thế hệ. Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ giúp một cố đô di sản khẳng định vững chắc vị thế mà còn giúp vị thế của người dân Huế được nâng lên. Dù mô hình phát triển thành phố có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì việc cải thiện đời sống cho người dân vẫn là điều quan trọng nhất.
Xây dựng Huế trở thành một xứ sở bình yên, đáng sống, một quê hương hạnh phúc là ước vọng của lãnh đạo nhiều thế hệ và của cả các tầng lớp Nhân dân. Giờ đây, Huế đã khoác lên mình chiếc áo mới. Câu chuyện đặt ra là làm thế nào để chiếc áo ấy vừa vặn, đẹp đẽ. Để làm được điều đó không chỉ có sự nỗ lực từ phía các cấp chính quyền mà còn cần sự chung sức, chung lòng của người dân, từ đó một Huế xanh, bình yên, thông minh, hạnh phúc sẽ hiển hiện trong tương lai.