Mở đầu năm 2023, TPBank đã mang tin vui đến cho các cổ đông, củng cố niềm tin của khách hàng khi là một trong những ngân hàng có đà tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Để đạt được kết quả này, TPBank đã chủ động trong các kế hoạch kinh doanh 2022, thực hiện kiểm soát chặt chẽ doanh thu - chi phí để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và diễn biến thị trường. Thêm vào đó, nhờ kiểm soát tốt chất lượng nợ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tím ghi nhận giảm tới 36,61% so với cùng kỳ, chỉ còn khoảng 1.800 tỷ đồng vào năm 2022.
Sau khi công bố kết quả kinh doanh khả quan, TPBank tiếp tục thông tin về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt ngay trong quý I. Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, với tỷ lệ tán thành đạt 77,69%.
Theo kế hoạch, TPBank sẽ thực hiện trả cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu. Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt của TPBank được thông tin đồng thời với các diễn biến tích cực của cổ phiếu TPB trên thị trường khi thị giá tăng hơn 14% và thanh khoản bình quân đạt 176 tỷ đồng/phiên.
Trước đó theo báo cáo tài chính đã được 28 ngân hàng công bố, tính đến cuối năm 2022, các ngân hàng đã huy động được tổng cộng hơn 8,3 triệu tỷ từ tiền gửi khách hàng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 16/28 ngân hàng ghi nhận có số dư tiền gửi khách hàng tăng trên 10%. Ấn tượng hơn cả là TPBank với tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm qua lên tới xấp xỉ 40%, vượt xa các vị trí tiếp theo là VPBank với 25%, ABBank và MSB với 24%, LienVietPostBank với 20%, HDBank với 17,74%...
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, ngân hàng tím đã có những tính toán, dự báo chính xác, quản trị rủi ro thanh khoản tốt, chủ động chuyển đổi cơ cấu vốn huy động, tăng huy động thị trường 1, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường 2. Nhờ vậy mà huy động vốn trên thị trường 1 tăng tốt, thanh khoản luôn đảm bảo. Tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) trên thị trường 1 của TPBank ở mức khoảng 85%, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 93%. Đây cũng là mức tốt nhất đảm bảo ngân hàng tạo ra lợi nhuận mà vẫn kiểm soát được rủi ro một cách chặt chẽ, đảm bảo tốt thanh khoản khi thị trường liên ngân hàng biến động.
Đi sâu phân tích tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm qua của TPBank, bên cạnh 80% tiền gửi có kỳ hạn là lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) mới khi số lượng khách hàng lựa chọn “Bank tím” làm ngân hàng giao dịch chính tăng cao. Trong 11 tháng đầu năm 2022, số lượng tài khoản khách hàng của nhà băng này đã tăng tới 38%.
Không khó để thấy, đây là thành quả của chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi sản phẩm, hoạt động, TPBank đã trở thành ngân hàng thân thiết của hàng triệu người Việt Nam với tuyên ngôn “vì chúng tôi hiểu bạn” một cách thực chất thay vì chỉ tiếp cận một cách đơn thuần.
TPBank đã tiến hành đồng bộ tiếp cận khách hàng đa kênh và đa lực lượng. Gần 30 điểm giao dịch mới đi vào hoạt động trong năm đã nâng tổng số lượng chi nhánh/phòng giao dịch TPBank trên toàn quốc lên hơn 120 điểm. Cùng với đó là hệ thống LiveBank+ 24/7, nền tảng công nghệ eKYC và hệ sinh thái kết nối không ngừng được nâng cấp đem đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị và thông minh nhất. Rào cản thời gian cũng bị xóa nhòa khi khách hàng có thể giao dịch mọi lúc với hệ thống “ngân hàng không ngủ” của TPBank.
Trước những biến thiên của thị trường, ngân hàng luôn sẵn sàng “kề vai sát cánh”, đồng hành, chia sẻ với người dân và doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm qua, hơn 51.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của TPBank đã được hỗ trợ giảm lãi vay với tổng số tiền lên tới hơn 615 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, gần 355 tỷ đồng là số tiền phí bao gồm phí bảo lãnh, phí thanh toán quốc tế, phí trả nợ trước hạn… mà nhà băng này đã miễn giảm cho gần 1.400 khách hàng trong năm qua.
Việc lựa chọn TPBank để trao gửi niềm tin tài chính của khách hàng cũng minh chứng rõ nét cho sự vững mạnh và uy tín của ngân hàng, thành quả xứng đáng cho những nỗ lực vì khách hàng đã được tạo dựng trong nhiều năm qua.
Tiên phong thực hiện áp dụng theo chuẩn Basel III, ILAAP, IFRS, kết thúc năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) của TPBank tiếp tục ở mức an toàn cao 12,6%, vượt xa mức tiêu chuẩn là 8%. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số này của ngân hàng màu tím vượt 12%.
Cùng Techcombank, ACB, Sacombank…, TPBank cũng tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1% vào cuối năm qua. Cùng với đó, tỷ lệ bao nợ xấu của TPBank luôn ở mức trên 135% trong nhiều năm qua và thuộc top các ngân hàng có tỷ lệ cao. TPBank cũng được đánh giá là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả khi ROE hai năm gần nhất lần lượt là 22,61% (2021) và 21,5% (2022), thuộc top cao trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Không phụ lòng tin của hàng triệu khách hàng, vào những ngày cuối năm 2022, tên tuổi của TPBank ghi dấu ấn trên trường quốc tế khi vượt 143 bậc so với năm 2021 để vươn lên vị trí thứ 61 trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương do tạp chí The Asian Banker công bố.
Những con số trên ngày càng củng cố niềm tin của khách hàng vào thương hiệu TPBank. Đó cũng chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho đà tăng trưởng 30% của ngân hàng tím trong năm qua.