Aa

TP.HCM: 9 mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng tăng dân số

Thứ Ba, 17/09/2019 - 13:45

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP hiện đang có 9 mô hình giải quyết bài toán nhu cầu về nhà ở trước tình trạng tăng dân số 1 triệu người sau 5 năm.

Nhu cầu về nhà ở gia tăng

Theo báo cáo của HoREA, hiện tại, Thành phố đang có 8.993.082 người theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2019. So với năm 2009, dân số thành phố đã tăng 1,8 triệu người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Số liệu của ngành Công an cho thấy, dân số thành phố có khoảng 13 triệu người, bao gồm cả người cư trú ngắn hạn. Bên cạnh đó, thành phố còn có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú.

Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động, người nhập cư. Trong đó, có gần 300.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân ngoại tỉnh khoảng 190.000 người, chiếm 69% tổng số lao động. Số lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 195.000 người, chiếm tỷ lệ 71%. Riêng Công ty Giày Pouyuen có hơn 100.000 công nhân. Có hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng. Hàng năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới.

Ảnh minh họa.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, người có thu nhập cao, người có thu nhập khá và người nước ngoài có khả năng tự giải quyết nhu cầu nhà ở của mình. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP.HCM là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Dẫn số liệu về nhu cầu của nhóm có khả năng tiếp cận nhà ở thấp, ông Châu cho hay, hiện có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần ¼ tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư. 

Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn), hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ.

Mô hình phát triển nhà ở

Theo vị lãnh đạo của HoREA, hiện nay, TP.HCM đang có 9 mô hình phát triển nhà ở được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng gia tăng dân số.

Thứ nhất là mô hình phát triển các dự án nhà ở trong các khu đô thị vệ tinh. Đây là mô hình mà hơn 30 năm qua, TP.HCM đã định hướng phát triển như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Him Lam, Khu đô thị mới Dragon City… Đây là mô hình tối ưu, hình thành các khu đô thị vệ tinh của thành phố có đầy đủ các chức năng đô thị, phát triển thương mại, dịch vụ, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện phát triển hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn, hình thành các khu nhà ở thương mại cao cấp dành cho người có thu nhập cao; nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập trung bình…

Thứ hai là mô hình phát triển các dự án Khu dân cư quy mô lớn (mỗi dự án nên có diện tích khoảng trên dưới 50ha trở lên) tại các quận ven và huyện ngoại thành. Ông Châu cho rằng, đây cũng là mô hình tối ưu, hình thành các khu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ…

Thứ ba là mô hình chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ. Những mô hình thành công nổi bật là Dự án chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; rạch Bến Nghé; kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa; kênh Tân Hóa - Lò Gốm; Dự án Khu dân cư Xóm Cải, phường 8, quận 5…

Thứ tư là mô hình phát triển các dự án, khu nhà ở quy mô vừa và nhỏ. Mô hình này có mặt tích cực là đã góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho các tầng lớp nhân dân thành phố trong giai đoạn nền kinh tế còn rất khó khăn, thu nhập của đa số người dân còn rất thấp trong những năm trước đây. Song mô hình này lạ dẫn đến tình trạng phát triển đô thị theo kiểu lan tỏa "vết dầu loang", thấp tầng, hệ thống cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa không đồng bộ… Mô hình này không còn phù hợp, mà chỉ nên cho tiếp tục phát triển tại một số khu vực hạn chế và cũng chỉ có tính chất quá độ.

Thứ năm là hình nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội. HoREA cho rằng, hiện nay, nguồn căn hộ nhà ở xã hội vẫn rất thiếu so với nhu cầu rất lớn của xã hội.

Thứ sáu là mô hình hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở, cho thuê nhà ở. Hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở chiếm đến 61,7% tổng diện tích sàn xây dựng năm 2018. Kết quả này đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và cải thiện điều kiện sinh sống của các tầng lớp nhân dân thành phố.

Thứ bảy là mô hình phát triển các điểm dân cư nông thôn.

Thứ tám là mô hình văn phòng - lưu trú (Officetel), căn hộ dịch vụ (Serviced Apartment), căn hộ du lịch (Condotel), cửa hàng - lưu trú (Shophouse).

Thứ chín là mô hình phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top