Đây là cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Theo yêu cầu của thành phố, các địa phương và các sở, ngành sẽ tập trung vào các công trình trọng điểm như: Rạch Xuyên Tâm, kênh 19/5, Tham Lương - Bến Cát… có phương án giải phóng mặt bằng, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án nạo vét, cải tạo kênh rạch, khơi thông dòng chảy trên địa bàn.
UBND các quận, huyện được yêu cầu tuyên truyền, vận động các hộ dân lưu chứa và giao rác cho đơn vị thu gom đúng thời gian quy định; nhân rộng các mô hình, giải pháp hiệu quả có tính chung cho các địa phương thực hiện; có giải pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa; tăng cường phát huy, duy trì các mô hình, giải pháp đã thực hiện có hiệu quả; ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh rạch; không để tái lấn chiếm và gây ô nhiễm hành lang sông, kênh rạch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng tại địa phương.
Các hộ dân nhà mặt tiền đường, các hộ dân cho thuê mặt bằng kinh doanh ở mặt tiền đường phải có thiết bị lưu chứa rác phát sinh, không xả rác ra đường, miệng cống, hố ga thoát nước; giữ gìn vệ sinh lề đường, vỉa hè trước nhà. Các hộ dân cho thuê nhà trọ, khu lưu trú cần có cam kết giữ gìn vệ sinh, lưu chứa và giao rác cho đơn vị thu gom đúng quy định.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND quận huyện xử lý các công trình, nhà ở xây dựng lấn chiếm cửa xả, hố ga thoát nước và hệ thống sông kênh rạch trên địa bàn thành phố; kịp thời xử lý các điểm ngập cục bộ và ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án chống ngập của thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá kết quả môi trường hàng năm đối với các Sở, ngành và UBND quận, huyện.