Đó là thông tin mà ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết tại cuộc họp Đánh giá kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và các giải pháp những tháng cuối năm của TP.HCM.
Tại cuộc họp, cho biết về tiến độ thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, ông Dũng thông tin, hiện nay khối lượng thi công dự án đã đạt 75%, nhà đầu tư và đơn vị thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Dũng, mặt bằng thi công còn hai trong số sáu quận vướng mắc. Hai địa phương vướng mặt bằng là huyện Bình Chánh và Nhà Bè, còn hơn 10 hộ dân chưa di dời. Các địa phương cũng đang vận động dân. Theo cam kết của nhà đầu tư, nếu mặt bằng giao sớm thì công trình sẽ hoàn thiện vào giữa tháng 6/2020. Riêng việc vận hành có thể sớm hơn, vào khoảng đầu năm 2020.
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng cho dự án này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết: Số bà con còn ở lại là để chờ chính sách, chứ không phải không chịu đi. Cái khó là bà con ở trên kênh, rạch, chính sách bồi thường không nhiều, chủ yếu trông vào tiền hỗ trợ và nhiều trường hợp không đủ điều kiện tái định cư.
Cũng theo ông Hoan TP đã chỉ đạo phải tổ chức tái định cư cho dân dù họ không đủ tiêu chuẩn. Phải có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho dân nhằm tạo điều kiện cho bà con có chỗ ở mới.
Tại cuộc họp báo cáo về kinh tế TP trong 6 tháng đầu năm cho biết, trong sáu tháng đầu năm, kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm GRDP ước đạt 611.000 tỷ đồng, tăng gần 7,9% tương đương cùng kỳ. Tăng trưởng khá, thu ngân sách cũng đạt được kết quả khả quan.
Cụ thể, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 193.000 tỷ đồng (đạt hơn 48% dự toán), tăng 7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách của TP.HCM cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của bốn TP trực thuộc trung ương gộp lại.
Tổng số dự toán thu ngân sách năm 2019 của Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỷ đồng, trong khi tổng dự toán thu ngân sách của TP.HCM gần 400.000 tỷ đồng.
Cũng theo bà Trang, từ đầu năm, TP đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm huy động, nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, đến nay số thu từ khu vực kinh tế chỉ tăng gần 8,5% so với cùng kỳ và vẫn không đạt được dự toán được giao.
Đây là mức tăng thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Nguyên nhân là do một số DN trọng điểm nộp thuế thấp, thậm chí không nộp, chủ yếu các DN kinh doanh bất động sản. Một số ngành kinh tế trọng điểm như chứng khoán, vận tải có số thu giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành giảm hơn 41%.