Aa

TP.HCM, chủ đầu tư địa ốc “than trời” vì nghẽn dự án

Thứ Sáu, 16/11/2018 - 07:02

Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM vừa có cuộc gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM để lên tiếng về những khó khăn khi một số chính sách, văn bản pháp quy khá lạc hậu, xa rời thực tế thị trường.

Ảnh: Gia Huy

Ảnh: Gia Huy

Khó đủ bề

Tại buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp bất động sản và chính quyền TP.HCM do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì diễn ra ngày 7/11 vừa qua, đã có nhiều ý kiến khá xác đáng được các doanh nghiệp đưa ra.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Công ty Novaland nêu ra hai dự án lớn mà Công ty đang gặp vướng mắc, đó là dự án Vườn Dừa (quận 9) và Bình Khánh (uận 2). Trước khi đầu tư, Công ty đã nhờ các công ty luật thẩm định rất kỹ và nhận thấy đủ điều kiện thực hiện. Dù vậy, gần đây các cơ quan chức năng thành phố lại tạm dừng dự án, gây thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh.

“Mỗi năm, chúng tôi phải trả lãi hơn 400 tỷ đồng, không hoàn thành cam kết với các cổ đông về kế hoạch bán hàng và lợi nhuận, phải tinh giản hơn 1.000 nhân viên và tiếp tục tinh giản do không đủ dự án để triển khai. Chúng tôi cũng gặp khó khăn trong khi làm việc với các tổ chức tín dụng vì các đối tác rất ngần ngại khi phần lớn các dự án của Novaland bị thanh kiểm tra quá nhiều”, ông Huy cho biết.

Được biết, không chỉ Novaland gặp khó vì vấn đề này mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác cũng khó khăn bởi từ năm 2017 tới nay, các dự án liên quan đến quỹ đất công mà các doanh nghiệp cổ phần hóa bán lại đều bị TP.HCM dừng triển khai, cấp phép để kiểm tra. Chính vì vậy mà dù nhiều doanh nghiệp thực hiện mua quỹ đất đúng luật nhưng cũng mắc kẹt.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh Corp đề nghị hoàn trả 50% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp theo Khoản (8.a) Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015; đồng thời kiến nghị UBND Thành phố tháo gỡ ách tắc về việc cấp sổ đỏ cho người nước ngoài mua nhà tại dự án, đây hiện là vướng mắc chung của các dự án nhà ở thương mại.

Các anh chị và doanh nghiệp cũng cần hiểu và chia sẻ với Thành phố vì có những điểm vướng, biết nhưng khó giải quyết - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Theo ông Trung, “Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở gây ra ách tắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. “Chỉ tiêu dân số" cũng là rào cản, gây khó cho các dự án chỉnh trang đô thị và làm giảm tính khả thi của dự án.

Trong khi đó, thủ tục hành chính vẫn còn gây khó cho doanh nghiệp như quy trình xác định, thẩm định giá đất còn nhiều điểm bất hợp lý; thời gian thực hiện thủ tục cấp "sổ hồng" căn hộ chung cư của dự án bị kéo dài gây thiệt hại quyền lợi của người mua nhà và gây căng thẳng không đáng có giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Còn đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long thì than thở, do vướng giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai các dự án. Cụ thể, năm 2004 Công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Dù đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và được UBND TP.HCM cấp "sổ đỏ”. Thế nhưng, cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn tồn tại một căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời, cản trở Công ty triển khai dự án.

Trong khi đó, dự án ngầm hóa đường điện 220kV đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè giậm chân tại chỗ 10 năm nay mặc dù đã được UBND Thành phố chấp thuận và Công ty đã giao 160 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất.

“Dự án Dragon City được triển khai trên cơ sở trúng đấu giá đã 14 năm nay, nhưng khi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng thì Sở Xây dựng đề nghị phải lập lại thủ tục chấp thuận đầu tư, việc làm này mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Thành phố chấp thuận bỏ qua thụ tục này”, đại diện Phú Long nói.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim thì bức xúc về những vướng mắc trong việc tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm tại dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ Gate Way (phường Thảo Điền, quận 2).

Đây cũng là tình hình chung của các dự án có diện tích chiếm đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng.

Vị đại diện công ty này đề nghị UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết cấp sổ đỏ cho Công ty và Công ty không phải thực hiện bổ sung nghĩa vụ tài chính để có căn cứ làm sổ hồng cho khách hàng.

Sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ

Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố nhận thấy rằng các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những vấn đề có thể xử lý ngay được, các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ xử lý ngay. Tuy nhiên, có những vướng mắc hiện nay không thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền Thành phố, thậm chí có những điểm nghẽn do có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp quy.

“Hiện nay, kỳ họp Quốc hội đang diễn ra nên tôi muốn lắng nghe ý kiến cụ thể của các doanh nghiệp. Nếu những vấn đề cần xử lý thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM thì Thành phố sẽ tập trung giải quyết, còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật thì chúng ta sẽ làm việc với các ngành, các bộ trung ương để tháo gỡ. Thậm chí, có thể đăng ký báo cáo trước HĐND Thành phố để HĐND báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tháo gỡ. Bởi nếu để tình trạng tắc nghẽn kéo dài thì các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển dài hạn”, ông Phong nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, có những dự án ông biết hiện nay đứng im lìm trong khi hàng ngày các doanh nghiệp phải trả tiền lãi vay ngân hàng. Điều này chính quyền Thành phố biết và rất chia sẻ. Có nhiều vấn đề khi doanh nghiệp phản ánh lên Sở chuyên ngành thì Sở cũng không giải quyết được vì vướng rất nhiều văn bản pháp luật. Có những vấn đề là điểm nghẽn, ví dụ như trong Luật Đất đai…, nhưng ngay bản thân Sở Tài nguyên - Môi trường cũng không dám “linh động” giải quyết vì sợ thanh tra “hỏi thăm sức khỏe”.

“Các anh chị và doanh nghiệp cũng cần hiểu và chia sẻ với Thành phố vì có những điểm vướng, biết nhưng khó giải quyết. Vì vậy, nhân kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sắp xếp cuộc họp với các doanh nghiệp để cùng nêu lên và tháo gỡ những vướng mắc, trong những lúc khó khăn mình chia sẻ với nhau mới là quý. Phương châm đồng hành thì rõ rồi, nhưng lúc khó khăn cần phải có sự hợp tác, thấu hiểu để cùng tháo gỡ”, ông Phong nói và cho biết thêm, từ tháng 3/2017, Chính phủ quyết định đình lại tất của các dự án liên quan đến nhà đất công, liên quan đến Quyết định 09 để sửa lại cho phù hợp.

Đến tháng 12/2017, Quyết định 167 ra đời thay thế cho Quyết định 09. Thông qua quyết định này, các bộ ngành đã có hướng dẫn và Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề nghị các sở ngành liên quan phải chủ động, khẩn trương chọn phương án giải quyết tốt nhất, không để doanh nghiệp chờ.

Một vấn đề nữa là việc các dự án triển khai theo hình thức BT đang tạm dừng lại cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp cũng như TP.HCM. Bởi hàng năm TP.HCM nộp về Trung ương là 82% tổng thu ngân sách, chỉ được giữ lại 18%.

Trong khi đó, những dự án đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản cao nhất cũng chỉ sử dụng được 35% của con số 18% giữ lại nói trên. Vì vậy, Thành phố trông chờ rất lớn vào chính sách đổi đất lấy hạ tầng để cải tạo, hoàn thiện các công trình công cộng lớn. Khi hình thức BT bị tạm dừng, rất nhiều dự án trọng điểm bị tắc đường triển khai.

“Hiện nay, GRDP của TP.HCM tăng thêm 1% thì cả nước tăng thêm 0,25% GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố chậm lại sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nước và thực tế đang chậm lại đáng kể. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước tăng 6,89% GDP, trong khi đó TP.HCM chỉ tăng 7,89% GRDP. Vì vậy, cần tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động của các doanh nghiệp, các ngành, thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển là góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, với những điểm nghẽn trên thị trường bất động sản, có những vấn đề thuộc về trách nhiệm của UBND Thành phố thì sẽ xử lý ngay, có những việc thuộc về Chính phủ thì Thành phố sẽ tập hợp lại để xin Chính phủ có buổi làm việc, còn những vấn đề thuộc về kiến nghị sửa đổi luật lệ thì sẽ tập hợp lại và báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố để Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, bám sát các kiến nghị và lộ trình giải quyết để sớm khơi thông đường hướng phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top