Aa

TP.HCM: Đẩy nhanh thu tiền sử dụng đất tại các dự án bất động sản

Thứ Bảy, 19/12/2020 - 06:30

Trên địa bàn TP.HCM có tới 60 dự án bao gồm 30.083 căn nhà và căn hộ officetel bị chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

TP.HCM là nơi diễn ra nhộn nhịp hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, hiện quá trình xác định, thẩm định giá đất để thực hiện thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đang gặp nhiều vướng mắc, cần sớm giải quyết.

Từ đó, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Mới đây, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua việc hủy bỏ danh mục 61 dự án thu hồi đất không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất, giao Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận hủyện tiếp tục rà soát các dự án không triển khai, chậm triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Điều này đặt ra vấn đề thu ngân sách thành phố từ tiền sử dụng đất tại 61 dự án nói trên bị ảnh hưởng, nhất là những dự án có quy mô trên 1ha, vị trí đắc địa như dự án chỉnh trang đô thị tại Lô L07 (Quận 3), dự án chỉnh trang đô thị Rạch Ụ Cây (Quận 8), dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (Quận 1)…

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trên địa bàn thành phố có tới 60 dự án thuộc 16 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản bao gồm 30.083 căn nhà và căn hộ officetel bị chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nguyên nhân là mặc dù chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo tiền sử dụng đất phải nộp hoặc chủ đầu tư đã đóng tiền sử dụng đất và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho một phần diện tích nhưng phần còn lại vẫn chưa được xem xét, tính toán, nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Một góc TP.HCM. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Bên cạnh đó, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc công trình dẫn tới phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung... Điều này không những ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, khách hàng mà còn làm chậm quá trình thu ngân sách từ tiền sử dụng đất.

Trước những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình tính và nộp tiền sử dụng đất tại các dự án bất động sản, vừa qua Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân TP.HCM kiến nghị việc cho phép chủ đầu tư có nhu cầu đối chiếu kết quả thẩm định giá đất của đơn vị tư vấn do cơ quan nhà nước ký hợp đồng thuê, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cả 2 kết quả thẩm định giá để xác định giá đất phù hợp; nghiên cứu, bổ sung quy định khái niệm về “khu đất, thửa đất có vị trí đắc địa” đồng thời có hướng dẫn đối với trường hợp xác định giá đất đối với các khu đất có vị trí đắc địa này để có cơ sở thực hiện cho phù hợp.

Đáng chú ý là vướng mắc trong việc xác định giá đất khi thay đổi quy hoạch kiến trúc trong trường hợp chỉ tiêu quy hoạch cũ không phân tách cụ thể hệ số đối với từng chức năng căn hộ, thương mại dịch vụ.

Ủy ban Nhân dân TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định về việc thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại dự án.

Ngoài ra, trong bối cảnh giao dịch bất động sản diễn ra thiếu minh bạch, khó thu thập và kiểm tra thông tin về giá giao dịch thực, Ủy ban Nhân dân TP.HCM kiến nghị việc bổ sung quy định về thu thập thông tin chào mua, chào bán trên thị trường để đề xuất mức giá cho phù hợp, phục vụ việc xác định thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ trong giao dịch nhà đất.

Những kiến nghị, đề xuất nói này đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra để Ủy ban Nhân dân TP.HCM thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn...

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, trên địa bàn đã cấp 11.774 Giấy chứng nhận lần đầu về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Ước tính tiền sử dụng đất thu được cả năm 2020 khoảng 11.190 tỷ đồng, vượt 11% dự toán, tương đương 10.000 tỷ đồng; tiền thuê đất, thuê mặt nước đạt 5.050 tỷ đồng, vượt 1%.

Trong số đó, ngân sách nhà nước sẽ thu được tiền sử dụng đất tại một số dự án bất động sản lớn của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (quận 7, thu 990 tỷ đồng), dự án Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (huyện Bình Chánh, thu 335 tỷ đồng), dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Parkland 53 (Quận 2, thu 472 tỷ đồng), dự án của Công ty cổ phần xây dựng và Phát triển Hoàng Anh (Quận 7, thu 619 tỷ đồng)…

Để đảm bảo nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2020 đạt kế hoạch đề ra, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hơp với Sở Tài chính, Cục thuế Thành phố xác định giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của 23 dự án (dự kiến thu về 5.181 tỷ đồng) và trình Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố đối với 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn thu…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top