Aa

TP.HCM: Hàng trăm dự án vướng đất công, chỉ mới “giải cứu” 1 trường hợp

Chủ Nhật, 21/03/2021 - 19:25

TP.HCM còn hàng trăm dự án vướng đất công xen cài, nhưng chỉ mới có dự án Q7 Sài Gòn Riverside Complex của Tập đoàn Hưng Thịnh được “giải cứu”.

Cả thành phố chỉ có duy nhất 1 dự án được giải cứu

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, TP.HCM có gần 160 dự án nhà ở thương mại bị chậm thực hiện hoặc bị đình chỉ thi công do vướng các phần đất công thuộc Nhà nước quản lý như đất rạch, đường, bờ đất... nằm xen cài rải rác trong các dự án. Tỉ lệ đất công chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích của các dự án này. Cá biệt chỉ có dự án Trung tâm TMDV và căn hộ cao cấp Sunshine Apartment (tên thương mại là Đức Long Golden Land) tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư có gần 7.000m2 đất công, chiếm gần 70% diện tích dự án.

HoREA đã nhiều lần đề nghị tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay, cả thành phố chỉ mới 1 trường hợp được “giải cứu”. Đó là khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tên thương mại là Q7 Sài Gòn Riverside Complex) tọa lạc tại phường Phú Thuận, quận 7, do Công ty cổ phần Bất động sản Khải Thịnh, thành viên Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Dự án này được “giải cứu” trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP và hiện sắp đến giai đoạn bàn giao nhà.

Q7 Sài Gòn Riverside Complex là dự án hiếm hoi được "giải cứu" trước khi có Nghị định 148

HoREA cho rằng, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 19/12/2020 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đất Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, đã mở ra hướng xử lý đối với phần đất công xen kẹt trong các dự án đầu tư - nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc, đứng hình của hàng trăm dự án trên địa bàn TP.HCM. Mặc dù vậy, vấn đề khó nhất chính là việc xác định tiêu chí phần diện tích đất công (thuộc nhà nước quản lý) nằm xen kẽ trong dự án đầu tư đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP, tại cuộc họp để nghe báo cáo về giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đất Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư diễn ra ngày 6/3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình đã có nhiều chỉ đạo.

Theo đó, ông Bình thống nhất chủ trương giải quyết theo báo cáo và đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường tại công văn 1220/STNMT-QLĐ ngày 19/12/2020. Cụ thể, đối với phần diện tích đất hiện trạng là đường lối đi, kênh rạch (do Nhà nước quản lý) có hình dạng uốn lượn, bao quanh các thửa đất mà chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, không nằm trong danh mục giao thông thủy, hệ thống cấp nước, thoát nước, công trình thuỷ lợi của khu vực và không thể xây dựng công trình độc lập, không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập, thì thu hồi để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo quy hoạch và quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng quy định cụ thể, điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập (bao gồm các nội dung: về diện tích, hình dạng, quy hoạch, kết nối giao thông, điều kiện để được xây dựng công trình độc lập, điều kiện để phân chia trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng khu vực...), theo quy định tại Khoản 13, Điều 1, Nghị định số 148 của Chính phủ, đồng thời tham mưu trình UBND TP.HCM trong tháng 3/2021.

Cần làm rõ trường hợp nào phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng

Liên quan đến việc giải quyết khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng vừa chỉ đạo các sở ngành đẩy nhanh công tác rà soát, tham mưu và trình hồ sơ giải quyết từng nội dung cụ thể. Chỉ đạo nói này của Chủ tịch UBND TP.HCM trên cơ sở nội dung báo cáo của HoREA và đại diện các doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo UBND TP.HCM ngày 27/2 vừa qua. 

Dự án Đức Long Golden Land, tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, có gần 7.000 m2 đất công (chiếm gần 70% tổng diện tích dự án) liệu có thuộc trường hợp phải báo cáo Thủ tướng?

Trong đó, ông Phong phân công Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình  làm việc với các Sở, ngành liên quan và Hiệp hội Bất động sản để giải quyết cụ thể từng nội dung kiến nghị của HoREA tại văn bản số 11/2021/CV-HoREA và  văn bản số 12/2021/CV-HoREA ngày 26/02/2021; báo cáo cho Thường trực UBND TP giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố.

Các nội dung ngoài thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Lãnh đạo TP.HCM còn giao Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét giải quyết 61 hồ sơ dự án do Sở Xây dựng chuyển sang để tháo gỡ cho doanh nghiệp trước ngày 15/4/2021.   

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu theo quy trình làm việc trên, thì còn phải mất nhiều thời gian mới thực hiện được đầy đủ các kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị ngày 27/2/2021.

“Hiệp hội sẽ đề nghị UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tạo điều kiện để lãnh đạo Hiệp hội được tham gia chuẩn bị các nội dung theo kết luận  của Chủ tịch ỦBND TP”, ông Châu nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top