Aa

TP.HCM giảm vốn hàng ngàn tỷ đồng các dự án vướng giải phóng mặt bằng

Thứ Tư, 11/11/2020 - 11:00

TP.HCM đã quyết định cắt vốn những dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, và khối lượng thực hiện thực tế không đạt như kế hoạch đề ra.

Ngày 10/11, HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. 

Theo tờ trình được thông qua có 153 dự án và 1 chương trình đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 phải điều chỉnh vốn. Trong đó, giảm hơn 1.569 tỷ đồng cho 26 dự án và 245 tỷ đồng cho 1 chương trình do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, khối lượng thực hiện và quyết toán giảm so với kế hoạch.

Khi giảm vốn của các dự án chậm tiến độ, TP.HCM chuyển số vốn này sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để hoàn thành sớm.

Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè đã phê duyệt 20 năm đến nay dự án vẫn đang thi công dở dang do vướng mặt bằng. 
Ảnh: Minh Quân, Báo Lao động

Cụ thể, có 127 dự án được điều chuyển tăng vốn với số tiền là 1.185 tỷ đồng. Đây là các dự án có tiến độ thực hiện tốt, tỷ lệ giải ngân cao nhưng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 không còn đủ để thực hiện. UBND TP.HCM cho rằng cần phải điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 để tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành các dự án đưa vào sử dụng.

Vay thêm 2.378 tỷ đồng để hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước

Cũng trong ngày 10/11, HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình huy động vốn để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 2. Để có vốn làm dự án này, TP.HCM sẽ vay lại 10.813 triệu Yên Nhật (tương đương 2.378 tỷ đồng - tỷ giá tháng 10/2020 của Bộ Tài chính).

Thời gian vay là 30 năm, trong đó thời gian ân hạn là 10 năm và thời gian trả nợ gốc là 20 năm. UBND TP.HCM sẽ bố trí ngân sách thành phố hoặc các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ được Thủ tướng cho phép đầu tư năm 2005 và được triển khai từ năm 2010, dự kiến hoàn thành sau 4 năm. Sau đó được điều chỉnh đến năm 2022 để đưa vào khai thác toàn bộ các gói thầu. Công trình gồm 6 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 11.280 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là gần 9.830 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TPHCM là 1.450 tỷ đồng.

Giải trình thêm tại kỳ họp của HĐND TP.HCM ngày 10/11, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án được chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn là một hợp đồng vay từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Vì chia thành 4 đoạn nên phải chia làm 4 khoản vay. Dự án đã sử dụng hết 3 khoản vay, chỉ còn khoản vay cuối cùng để hoàn thành dự án.

Khi dự án hoàn thành không chỉ cải thiện môi trường ở trên kênh mà còn chống ngập cho cả khu vực. Đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thông qua việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top