Có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án giao thông, chống ngập trên đìa bàn TP.HCM bị chậm trễ. Trong đó, ngoài nguồn vốn, năng lực nhà thầu thi công, thì giải phóng mặt bằng chính là yếu tố quan trọng khiến hàng loạt dự án ngổn ngang, chưa biết được khi nào sẽ “về đích”.
Đơn cử, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), đang phải lùi tiến độ về đích do một số quận, huyện chưa kịp bàn giao mặt bằng như thời điểm cam kết.
Theo đó, hợp đồng ký kết giữa UBND TP và Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư) hồi tháng 6/2016, dự án chống ngập có tổng kinh phí dự kiến gần 10.000 tỷ đồng, sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công (6/2019).
Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo TP sau đó yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng.
Chủ đầu tư và các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30/4/2018. Tuy nhiên do các quận, huyện không bàn giao mặt bằng như cam kết và sau đó là hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục giải ngân khiến dự án trễ hẹn.
Tính đến tháng 9, dự án hoàn thiện 77% khối lượng, giá trị giải ngân chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 71,74 tỉ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cho biết việc giải phóng mặt bằng đã hoàn tất tại địa bàn quận 4, quận 7, quận 8. Hiện, dự án còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng tại huyện Nhà Bè và Bình Chánh.
Tương tự là dự án xây dựng cầu Nam Lý tại đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), dù được khởi công đã lâu, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang, chưa ngày hoàn thành.
Được biết, dự án xây dựng cầu Nam Lý có tổng chiều dài cầu là 448,9 m, tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng, được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt theo Quyết định số 755/QĐ-SGTVT ngày 9/9/2008; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 3955/QĐ-SGTVT ngày 28/12/2011, giao Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư.
Ngày 8/10/2016, chủ đầu tư bắt đầu khởi công và tiến hành xây dựng dự án và dự kiến thời hạn thi công là 1 năm 6 tháng. Nhưng đến nay, thời gian dự kiến hoàn thành đã trễ gần 1 năm, cầu vẫn còn dở dang vì chờ giải phóng mặt bằng.
Theo chủ đầu tư, diện tích giải tỏa của dự án là 1,54 ha, trong đó trên địa bàn quận 2 là 0,43ha; quận 9 là 1,11ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng 67 hộ. Hiện nay, phía địa bàn quận 2 còn 15 hộ bị ảnh hưởng, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành trong năm 2014 và đã bàn giao cho nhà thầu thi công.
Tuy nhiên, tại địa bàn quận 9, số hộ bị ảnh hưởng là 52 hộ, trong đó phường Phước Bình có 11 hộ dân và 1 đơn vị bị giải tỏa một phần; phía phường Phước Long B có 37 hộ, trong đó 13 hộ bị giải tỏa trắng, 1 đơn vị và 2 công ty.
Người dân bức xúc vì thời gian xây cầu kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân trong khu vực cũng như đây là tuyến đường quan trọng nối giữa quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức.
Tương tự, dự án mở rộng 2,4km đường Lương Định Của tại quận 2 đã thi công được gần 5 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể, theo thiết kế, tuyến đường được mở rộng lên 30m cho 6 làn xe, từ đoạn giao với đường Trần Não đến đường Mai Chí Thọ. Công trình kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông theo sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu phía Đông Thành phố, tăng năng lực kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tháng 4/2015, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 khởi công thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của với kinh phí hơn 800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay, mặt đường vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, máy móc, việc thi công cầm chừng.
Cùng cảnh ngộ, với 4 tuyến đường vành đai được quy hoạch tại TP, hiện chỉ đường vành đai 2 gần khép kín nhưng những đoạn chưa khép kín cũng đặc biệt khó khăn do GPMB. Trong nhiều đoạn của tuyến vành đai 2, dự án từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) có chiều dài chỉ 2,75km nhưng việc thi công bị đứt đoạn do mặt bằng chưa liên thông. Nhiều khu vực máy móc đã có sẵn nhưng vẫn đang phải "nằm chờ".
Một trong những dự án trọng điểm khác là tại ngã tư An Sương (giáp quận 12 và huyện Hóc Môn), theo kế hoạch sẽ hoàn thành toàn bộ 2 nhánh hầm nối giữa đường Trường Chinh và Quốc lộ 22 từ năm 2018.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đưa vào khai thác nhánh N1 (hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22), còn hướng ngược lại chưa hoàn thành bởi chậm trong giải phóng mặt bằng. Nút giao An Sương có áp lực giao thông lớn và điểm đen tai nạn tại TP nhiều năm. Đây là điểm kết nối nhiều trục đường lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 và đường Trường Chinh, chưa kể còn có Bến xe An Sương, dẫn đến nên tình hình giao thông luôn căng thẳng. Vì vậy, việc dự án chậm tiến độ khiến tai nạn vẫn rình rập, kẹt xe vẫn ngổn ngang tại khu vực này.
Để giải quyết tình hình khó khăn chung hiện nay, mới đây UBND TP kiến nghị cho phép thực hiện cơ chế UBND TP ủy quyền cho UBND quận, huyện phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất với các dự án nhóm C (quy mô nhỏ). Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Đồng thời, UBND TP sẽ kiến nghị các bộ - ngành liên quan cho phép áp dụng hệ số bình quân của khu vực hoặc mức tỉ lệ phần trăm so với đơn giá đất ở, đối với dự án có vị trí, khu vực không đủ thông tin thị trường. Kiến nghị cho phép UBND quận, huyện cân đối mặt bằng giá bồi thường để đề xuất đối với dự án có vị trí, khu vực lân cận hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự với dự án đã được duyệt, giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng.