Sáng 9/8, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, làm việc với Sở Xây dựng về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn.
Không bế tắc với các vấn đề phức tạp
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, UBND TP.HCM đã vào cuộc tích cực, ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy, với nhiều giải pháp bổ sung và khả thi.
Song, ông nhắc nhở UBND TP cùng chính quyền các cấp, các ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị 23, trong đó mỗi lĩnh vực cần xây dựng công cụ chính sách đi kèm để triển khai. Chẳng hạn, đối với việc giám sát, kiểm tra thì phải có đề án tổ chức lại lực lượng; có kinh phí tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép.
Đồng chí Bí thư Thành ủy hoan nghênh UBND TPHCM đã chuẩn bị cho việc triển khai ngay một số công việc sau khi thành phố tổ chức hội thảo về cây xanh, chiếu sáng, bờ kè… Ông cũng lưu ý đến việc chú trọng đầu tư, thực hiện các dự án này theo hình thức hợp tác công tư.
Ví dụ, về việc đầu tư các dự án kè bờ sông thì Nhà nước ban hành thiết kế, tiêu chuẩn nhưng phải cơ chế để các chủ đất, người dân có đất tham gia làm từng phần và kết nối ra bờ sông, kênh rạch. Cùng đó là việc quy hoạch đối với phần đất bên trong, nhằm làm tăng giá trị kinh tế, phát triển đô thị ở khu vực.
Về hoạt động của Sở Xây dựng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở Xây dựng phải nâng tầm hoạt động, xứng đáng với đô thị hơn 10 triệu dân, với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Trong đó, các trưởng phòng thuộc sở phải tự nâng tầm để đủ “vốn liếng” trong giao lưu, hợp tác quốc tế.
“Không có ngành xây dựng thì không có đô thị”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và phân tích, khi đến một đô thị thì điều đầu tiêp ập vào mắt gần như là các tòa nhà, các công trình lớn.
Do đó, ngành xây dựng thành phố phải cùng với các ngành quy hoạch, giao thông, đất đai nâng tầm tham mưu, để TP.HCM có giải pháp và không bị bế tắc trong phát triển đô thị. Trong quản lý chuyên ngành, Sở Xây dựng phải xác định những công việc còn vướng mắc, khó khăn thì cần tập trung tìm giải pháp, đề xuất giải pháp bổ sung để chủ động tìm lối ra cho thành phố.
Đặc biệt, trong bối cảnh TP.HCM thực hiện đề án đô thị thông minh thì cần có sự chủ động, để không bị bất ngờ và “giật mình” với các tình huống phát sinh. Trong trách nhiệm của mình, ngành xây dựng cần phải dự báo, cảnh báo và tham mưu về các vấn đề lớn của ngành, cùng đó là các giải pháp đồng bộ giải quyết các vấn đề này.
Đơn cử, vấn đề chống ngập đã được bàn thảo với các giải pháp giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập. Những giải pháp này phải được thông tin đầy đủ, rõ ràng với người dân thành phố, kèm khẳng định là thành phố không bế tắc trong giải quyết vấn đề này.
“Một thành phố lớn như thế này, phải xác định trạng thái không bế tắc”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh và cho rằng, khi gặp khó khăn cần bàn thảo, xin ý kiến của cấp trên, tham khảo ý kiến chuyên gia và tìm mọi biện pháp, với tinh thần xử lý, giải quyết vấn đề của người dân, của thành phố bằng trách nhiệm và bằng các giải pháp khoa học.
Tránh tình trạng tòa nhà sau vươn cao hơn tòa nhà trước
Cũng liên quan đến vấn đề chống ngập, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải thay đổi phương pháp đánh giá kết quả chống ngập. Cụ thể, hàng năm phải lấy ý kiến người dân tại những nơi đã “xóa, giảm ngập” để xem họ đánh giá kết quả ra sao.
Theo đó, việc các cơ quan chức năng đánh giá “chống ngập” cũng chỉ là một phần của kết quả. Việc lấy ý kiến của người dân sẽ phản ánh đúng thực chất của kết quả chống ngập.
Về việc thực hiện dự án chống ngập trị giá khoảng 9.900 tỷ đồng, ông yêu cầu ráo riết tháo gỡ vướng mắc mặt bằng (chỉ còn tại huyện Nhà Bè) để thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào khai thác, giải quyết ngập cho thành phố. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân giao UBND TP.HCM làm việc các đơn vị liên quan, xác định rõ thời điểm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng ở điểm vướng mắc này.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề cập một số nhiệm vụ quản lý khác của Sở Xây dựng và yêu cầu phải có chương trình nâng cấp số nhà bán kiên cố (đang chiếm tỷ lệ 60%) trên địa bàn thành phố. Đây là vấn đề lớn, nên song song với việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho 1 triệu người dân thành phố tăng thêm mỗi năm, Sở Xây dựng phải có giải pháp nâng cấp, từng bước kéo giảm tỷ lệ nhà bán kiên cố, nâng cao tỷ lệ nhà kiên cố hiện nay (đang chiếm 38%).
Thông qua đó, thành phố sẽ tái cơ cấu lại nhà bán kiên cố thành các nhà cao hơn, to hơn, từ đó có thể tạo thêm quỹ đất phục vụ các ngành dịch vụ. Cùng đó là giải pháp quy hoạch, thực hiện các công trình bổ sung số lượng cây xanh đang còn thấp, đảm bảo chiếu sáng văn minh, mỹ thuật hơn. “Nếu ngay sau các cuộc hội thảo, thành phố bắt tay thực hiện hiệu quả thì bộ mặt TP.HCM sau 1 năm nữa sẽ thay đổi”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở Xây dựng xác định thời điểm hoàn tất việc đầu tư kè bờ sông, liệu trong vòng 15 năm tới có hoàn tất hay kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Cho rằng các tòa nhà cao tầng do tư nhân đề xuất, đầu tư tạo thành “điểm nhấn” cho TP.HCM, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề về việc có định hướng, quản lý đảm bảo sự hài hòa, đồng bộ.
Cụ thể, việc đầu tư các tòa nhà cao tầng cần có sự tích hợp với các công trình xây dựng cao tầng với các công trình cầu, đường tạo thành điểm nhấn cho bộ mặt đô thị cho TP.HCM. Việc này cũng tránh được tình trạng tòa nhà sau đòi xây dựng cao hơn tòa nhà trước, từ đó tạo được một bức tranh chung, hài hòa cho thành phố.
“Đá qua, đá lại” cưỡng chế nhà trái phép
Trước đó, thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết, dự kiến đến cuối năm 2019, thành phố sẽ xóa 23/37 điểm ngập (đạt hơn 62% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020). Từ nay đến cuối năm 2020, thành phố tiếp tục thực hiện các công trình và phấn đấu xóa 37/37 điểm ngập còn lại đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2019, thanh tra Sở Xây dựng phát hiện 1.640 vi phạm xây dựng (tăng gần 450 trường hợp so với cùng kỳ, tỷ lệ tăng gần 38%).
Trong đó, công trình xây dựng sai phép là 619 trường hợp, tập trung nhiều ở quận 9 (121 trường hợp), quận Thủ Đức (75 trường hợp), quận Bình Tân (63 trường hợp). Số công trình không phép là 616 trường hợp (tăng 219 trường hợp so với cùng kỳ, tỷ lệ tăng hơn 55%), tập trung nhiều ở quận 9 (144 trường hợp), quận Bình Tân (104 trường hợp), quận 12 (89 trường hợp). Số còn lại (405 trường hợp), chủ yếu là công trình không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng, vi phạm điều kiện khởi công.
Trong số các vi phạm đã bị lập biên bản, thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND TP.HCM là gần 1.140 trường hợp. Tổng số tiền phạt là gần 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 482/925 quyết định chưa tổ chức thực hiện được.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Lý Thanh Long thông tin, trong thời gian qua, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND quận 9, quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh trong quản lý trật tự xây dựng trên các địa bàn này. Tuy nhiên, hiện nay, việc tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng sai phép (do Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản, xử phạt) có tình trạng “đẩy qua, đẩy lại” giữa Sở Xây dựng và các địa phương.
Sở dĩ có tình trạng này, theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình, thông tư của Bộ Xây dựng yêu cầu đơn vị ra quyết định xử phạt thì phê duyệt phương án tháo dỡ, cưỡng chế. Vì vậy, khi Sở Xây dựng chuyển các quyết định cưỡng chế để địa phương thực hiện thì địa phương, như quận Bình Tân, e ngại bị kiện và không dám tổ chức cưỡng chế.
Vì vậy, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP có hướng dẫn, giao các địa phương xây dựng phương án tháo dỡ, thực hiện các quyết định của Chủ tịch UBND TP và Chánh Thanh tra Sở Xây dựng về việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình sai phép.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đồng tình với đề xuất này và cho rằng, các địa phương tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, UBND TP.HCM sẽ xem xét, có hướng dẫn cụ thể về đề xuất trên.
Ngoài ra, ôngVõ Văn Hoan yêu cầu Sở Xây dựng sơ kết, đánh giá lại quy chế phối hợp của Sở Xây dựng với UBND quận 9, quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh về quản lý trật tự xây dựng, từ đó có đề xuất để UBND TPHCM thông qua quy chế chung, áp dụng đồng loạt ở 24 quận - huyện.
Liên quan đến việc đấu giá hơn 3.700 căn hộ tái định nằm trong chương trình 12.500 hộ tái định cư Thủ Thiêm (quận 2) bất thành, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, nhận xét việc tổ chức đấu giá một “gói số lượng căn hộ nhiều” với giá trị lớn như thế sẽ rất khó thành công.
Vì vậy, nếu lần đấu giá sắp tới vẫn tiếp tục không đạt được kết quả thì Sở Xây dựng cần nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, chẳng hạn như việc đề xuất bán nhà cho cán bộ, công chức. Cùng với đó là việc chia nhỏ số lượng căn hộ để thực hiện đấu giá.
Chọn điểm nóng vi phạm xây dựng để kiểm tra, thanh tra
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục cụ thể hóa các đầu việc theo kế hoạch của UBND TP.HCM, để triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy. Chẳng hạn, liên quan đến pháp lý, Sở Xây dựng phải xây dựng đề án, trên cơ sở đó, UBND TP.HCM có văn bản thông qua, làm cơ sở áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn. Từ nay đến tháng 11/2019, Sở Xây dựng phải hoàn tất các kế hoạch này.
Sở Xây dựng cần lựa chọn 1 - 2 vụ việc điển hình về vi phạm trật tự xây dựng để tổ chức kiểm tra, thanh tra làm rõ. Đồng thời, Sở Xây dựng yêu cầu các quận - huyện chọn 1 - 2 điểm nóng trên địa bàn để kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả.
Trong thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ tập trung 4 hội thảo lớn như về chiếu sáng, cây xanh, xây dựng hệ thống kè bờ và giải pháp phát triển nhà ở cho 1 triệu dân sau mỗi 5 năm. Sau khi hội thảo kết thúc, TP.HCM sẽ chọn 1 - 2 công việc để lựa chọn dự án triển khai đầu tư. Ngoài ra, từ kết quả của các buổi hội thảo, UBND TP.HCM sẽ hoàn thiện thành đề án làm tài liệu phục vụ Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.