Các thương hiệu nước ngoài, nhân tố chính
Quý III năm 2016, thị trường BĐS TP.HCM đã nhìn thấy những sự thay đổi cả về nguồn cung và giá cả tại khu vực cho thuê các không gian, mặt bằng phục vụ mục đích bán lẻ.
Trong một vài tháng gần đây, hơn 100.000m2 không gian bán lẻ đã xuất hiện trên thị trường TP.HCM với việc mở cửa một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, Saigon Center do Takashimaya, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản góp vốn đầu tư và khai trương của Aeon Mall Bình Tân, dự án thứ 3 của tập đoàn AEON, Nhật Bản tại TP.HCM.
Mặc dù nguồn cung tăng như vậy nhưng giá thuê trung bình đã có sự tăng nhẹ lên mức 126 USD/m2/tháng đối với các không gian ở nội thành và 36 USD/m2/tháng ở ngoại thành.
Ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Saigon Center là nơi hội tụ của hơn 400 thương hiệu trong và ngoài nước, trong đó phần lớn diện tích do Takashimaya thuê. Còn Aeon Bình Tân, một trong những “ngôi nhà” thương mại lớn nhất TP.HCM, là nơi tập trung của rất nhiều siêu thị lớn, nhà hàng, cửa hàng thời trang, rạp chiếu phim và một loạt các cửa hàng bán lẻ khác.
Ông Geert Jan ten Hoonte, cố vấn bán lẻ của Kusto Management Vietnam, cho rằng hai trung tâm mới này sẽ mang vào thị trường một đẳng cấp mới, đẳng cấp cao hơn. “Điều này sẽ buộc các công ty phát triển và đầu tư BĐS đang có ý định đầu tư vào các dự án trung tâm mua sắm hay trung tâm thương mại sẽ phải nghĩ lại, xem xét lại những sản phẩm mà họ dự định mang đến khách hàng trên một số yếu tố như vị trí, chức năng hay mục đích sử dụng, đối tượng khách hàng…”, ông Geert nhận định.
Kẻ chạy đi, người chạy lại
Cũng trong quý III vừa qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự “ra đi” của nhà hàng phục vụ đồ ăn và cà phê NYDC, một trong những thương hiệu nổi tiếng của Singapore trong ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Thất bại của NYDC đã khẳng định phần nào sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các thương hiệu trong và ngoài nước khi hàng loạt chuỗi cà phê bản địa đang chiếm thị phần lớn.
Tuy nhiên, quý III cũng đã chào đón sự ra mắt của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế. Đình đám nhất phải kể đến dịp khai trương của “quý bà” thời trang nổi tiếng thế giới, Zara. Với ý định lấn chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam, nhãn hàng này đã thuê một không gian bán lẻ có diện tích lên tới 2.400 m2 tại Vincom Đồng Khởi để làm “căn cứ” vững chắc, từng bước tiến vào thị trường đầy tiềm năng này.
Saigon Center cũng đã “dụ dỗ” được nhiều thương hiệu quốc tế đến với TP.HCM như Dsquared2, Fred Perry, và Ted Baker.
Ngoài ra, một số cửa hàng ẩm thực, ăn uống truyền thống của Nhật Bản và các chuỗi bán lẻ của Trung Quốc cũng đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam trong 3 tháng vừa qua.
Sở hữu một nền dân số trẻ và có xu hướng ngày càng tăng cùng với tầng lớp trung lưu mới nổi,thị trường bán lẻ của Việt Nam được dự báo sẽ phát triển vô cùng năng động và hiện đại hơn trong những năm tới.
Bên cạnh đó, việc gia nhập ngày càng sâu hơn vào WTO cùng với việc tham gia đàm phán ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, sẽ thu hút một lượng lớn nguồn vốn FDI từ các thương hiệu bán lẻ quốc tế trong thời gian tới. Điều này sẽ mang đến cơ hội không chỉ cho ngành bán lẻ Việt Nam mà còn cho các công ty, các nhà đầu tư BĐS đang có ý định rót vốn vào các dự án phát triển trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại hay các không gian bán lẻ nói chung.