Ngày 4/9, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình gửi Thành ủy và UBND TP.HCM kết quả thực hiện Chỉ thị số 23/2019 của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm, TP.HCM có 504 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Bình quân 1,9 vụ/ngày, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái (8,5 vụ/ngày). Cụ thể, số trường hợp xây dựng không phép là 293 vụ, còn lại 211 vụ xây dựng sai phép.
Những địa phương có số vụ vi phạm giảm mạnh như: Quận 2 (từ 111 vụ 6 tháng năm 2019 sang 8 tháng đầu năm 2020 chỉ còn 27 vụ), quận 9 (244 vụ còn 81 vụ), quận 12 (175 vụ còn 45 vụ), Bình Tân (164 vụ còn 28 vụ), Thủ Đức (262 vụ còn 61 vụ).
Một số quận ít xảy ra vi phạm trong 8 tháng đầu năm 2020, như: Quận 4 (6 vụ), quận 5 (7 vụ), quận 6 (5 vụ), Tân Phú (7 vụ), Phú Nhuận (3 vụ).
“Việc nhiều công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua có nguyên nhân là sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị địa phương”, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định.
Để việc quản lý trật tự xây dựng hiệu quả, đầu tháng 8 năm nay UBND Thành phố đã có tờ trình lần thứ 4 gửi Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án thí điểm lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND các quận huyện.
Với Đề án này, các đội quản lý trật tự xây dựng sẽ được tái lập như trước đây. Các tổ công tác do một Phó Chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ trưởng, tổ phó là Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng. Thành viên tổ chịu sự phân công, chỉ đạo của tổ trưởng trong quản lý trật tự xây dựng.
Theo đó, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố sẽ được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật Nhà nước, công trình quốc phòng, an ninh). Mọi vi phạm sẽ được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh.
Trước đó, tháng 7/2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký Chỉ thị 23 yêu cầu các địa phương xử nghiêm vi phạm trật tự xây dựng. Bí thư các quận huyện để xảy ra vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, còn chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố. Cơ quan chức năng được yêu cầu xử lý nghiêm những người xây dựng, môi giới bán các công trình vi phạm có quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mỗi năm tại TP.HCM có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý.
Nếu như năm 2017 có 2.856 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày) thì đến năm 2018 có 2.419 công trình (6,6 vụ vi phạm/ngày). 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Các công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.