Tại phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đã kiến nghị UBND TP cần có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước như: Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, kêu gọi xã hội hóa trong chống ngập, thu phí các nhà cao tầng để có kinh phí dự trù chống ngập và đặc biệt cần quan tâm giải pháp căn cơ, lâu dài là xây dựng thành phố theo hướng đô thị sông nước…
Đại biểu Trần Quang Thắng cho biết, tình trạng ngập nước do triều cường đã trở thành nỗi lo, ám ảnh của lãnh đạo và người dân TP.HCM. Mặc dù nhiều năm nay, thành phố đã có những giải pháp để “chữa bệnh” ngập, song thực tế vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Chẳng hạn như tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, mỗi khi trời mưa lớn đã tăng cường máy bơm, Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp tạm thời.
“Chúng ta có dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng với với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn. Hiện tiến độ xây dựng các cống ngăn triều cường như Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối... đã thi công đạt khối lượng lớn, tuy nhiên một số khu vực khác còn vướng giải phóng mặt bằng. Vì vậy, người dân mong muốn chính quyền thành phố thông tin cụ thể về tiến độ thực hiện dự án này”, đại biểu Trần Quang Thắng nói.
Theo đại biểu Trần Quang Thắng, nguyên nhân gây ngập trên địa bàn còn do việc xây nhà cao tầng gây ngập, vì vậy thành phố có thể thu phí chống ngập những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng để dự phòng giải quyết vấn đề ngập nước.
Trả lời thắc mắc của các đại biểu, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, dự án chống ngập nước có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, là dự án được người dân và chính quyền TP.HCM rất quan tâm. Sau 4 năm triển khai, dự án đã hoàn thành khối lượng 85 %. Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn một số chính sách khác đang chờ các quận, huyện giải quyết. Đến cuối tháng 7, hai van chính ở cống Phú Xuân đã được lắp đặt; cuối tháng 8 tới, van ở cống Mương Chuối và cuối tháng 10, toàn hệ thống các van chống ngập sẽ cơ bản được lắp đặt hoàn thiện, đi vào vận hành.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tốc độ đô thị hóa của thành phố đã vượt quá tầm kiểm soát, tần suất và vũ lượng mưa tăng, đỉnh triều ngày càng cao, lún nền diễn ra nghiêm trọng... trong khi hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp mở rộng nên việc giải quyết tình trạng ngập còn chậm. Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn chưa như mong muốn, song nhìn nhận khách quan tình trạng ngập nước đã giảm, không nặng như khoảng 7 năm trước. Một số khu vực trước đây ngập rất nặng nhưng hiện đã hết ngập.
Sắp tới, để các giải quyết tình trạng ngập nước, ông Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ ưu tiên ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng và các công trình cấp bách; huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, các hồ điều tiết.
Đặc biệt, TP.HCM đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. TP.HCM đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước, cụ thể như dành một khu vực trong khu đô thị Thủ Thiêm quy hoạch là châu thổ Nam bộ, cho ngập tự nhiên để giảm ngập trong trung tâm thành phố.
"TP.HCM đang hướng đến đô thị sông nước và khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong vùng trung tâm hoàn thành, TP.HCM sẽ là đô thị sông nước, vừa sạch xanh lại vừa có cả hồ cảnh quan. Mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, chúng ta đều hướng tới đến xây dựng đô thị sông nước với các vùng ven sông, kênh rạch, sẽ dành một phần đất cho ngập tự nhiên. Trong vùng này sẽ xây dựng đô thị sông nước, các hệ sinh thái, thảm thực vật sông nước để phát triển du lịch…”, ông Võ Văn Hoan nói.