TP.HCM: Tháo rào cản, gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển

TP.HCM: Tháo rào cản, gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Bảy, 21/01/2023 - 06:10

Thị trường bất động sản TP.HCM đang đón nhiều tín hiệu sáng nhờ các chỉ số phục hồi kinh tế và quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn cho các dự án, thực hiện cơ chế chính sách mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp...

VƯỢT QUA THÁCH THỨC

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản TP.HCM đang có những chuyển biến ngày càng minh bạch hơn. Tuy nhiên, vẫn có sự “lệch pha” cung - cầu, thiếu an toàn, ổn định do có sự chồng chéo giữa các quy định pháp lý, thủ tục… Những vướng mắc đó khiến nguồn cung thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu… kéo giá nhà, đất, căn hộ tăng cao.

Đặc biệt, do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro; phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng)…

Theo số liệu từ các doanh nghiệp, trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 100 dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, bị “đắp chiếu” kéo dài đã nhiều năm, rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản lại có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản.

“Các đại diện doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM rất lo lắng và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật để tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường, xử lý tình trạng khan hiếm nguồn hàng, mất cân đối cung - cầu dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây.

Doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Một số đơn vị đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất - kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn...).

Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Một số khác phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) hoặc phải giảm lương, tác động đến vấn đề an sinh xã hội và cuộc sống người lao động”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang có những chuyển biến ngày càng minh bạch hơn. Ảnh minh họa.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, năm 2022, trước bối cảnh phải chịu những tác động từ khó khăn của kinh tế thế giới, TP.HCM đã nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, do đó kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện. TP.HCM đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đánh giá thành phố đã, đang và sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn đạt thấp, nhất là giải ngân vốn đầu tư công; công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đều chậm. Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng còn nhiều vướng mắc.

Chân dung ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành uỷ TP.HCM

Bên cạnh đó, những vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, cung ứng xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, thị trường xuất khẩu đang đối diện nhiều khó khăn. Công tác xây dựng chính quyền đô thị, chất lượng hoạt động công vụ chưa cao, thiếu sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan của thành phố.

Trước bối cảnh đó, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhận định, nhiệm vụ năm 2023 sẽ rất nặng nề, vì vậy thành phố phải thích ứng linh hoạt, chủ động quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành với những giải pháp sáng tạo, năng động để huy động các nguồn lực mạnh hơn nữa.

Đặc biệt, năm 2023, TP.HCM triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sẵn sàng tổ chức thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép.

XEM XÉT, THÁO GỠ NGAY CÁC VƯỚNG MẮC VỀ ĐẤT ĐAI, QUY HOẠCH

Liên quan đến các vấn đề đất đai, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay có 18 vấn đề khó khăn, vướng mắc, trong đó thành phố xác định có một số vấn đề đang là điểm nghẽn lớn nhất cần phải được xem xét, tháo gỡ ngay.

Điển hình như tiến độ công tác lập quy hoạch TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP, dù đây là một nội dung hết sức quan trọng. Một trong những nguyên nhân do đây là loại hình quy hoạch mới, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm còn rất hạn chế.

Về phân cấp, ủy quyền phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, đối với từng trường hợp cụ thể, Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị cho UBND TP.HCM thực hiện thí điểm tổ chức thẩm định, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, sau đó cập nhật vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đồ án.

Một điểm nghẽn khác là thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phụ thuộc vào các quy định pháp luật khác như pháp luật về đầu tư, về đấu thầu, pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công…; trong khi các quy định này chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ kéo dài.

TP.HCM kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề về đất đai và các dự án trọng điểm

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị cho địa phương xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn, trình HĐND thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất mà không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất.

Thành phố cũng kiến nghị được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn. Đồng thời tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP.HCM.

UBND TP.HCM không phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm; cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng "quyền thuê đất" đóng tiền hằng năm; văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án BT là căn cứ để giao đất, cho thuê đất.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển được quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay đối với các dự án về cảng biển, kể cả dự án lấn biển…

Về các dự án trọng điểm, UBND TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, thành phố đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm gỡ vướng cho các dự án lớn.

Thứ nhất, đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, với gần 19,5 nghìn tỷ đồng cho TP.HCM (ngoài nguồn vốn hơn 142 nghìn tỷ đồng đã giao).

Thứ hai, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), UBND thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan hỗ trợ trong việc hoàn tất thủ tục, trình phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Thứ ba, về dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan hỗ trợ thành phố hoàn tất thủ tục, trình phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Bộ Tài chính hướng dẫn và thực hiện gia hạn khoản vay 1, 2 đã ký đến 2030 và thu xếp khoản vay 3 cho gói thầu CS2B hoàn thành sớm trong năm 2023.

Thứ tư, với dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất quốc phòng cho thành phố thực hiện dự án.

Thứ năm, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, sớm thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong tháng 12.

Thứ sáu, với dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1) và lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án (sử dụng vốn ODA từ ADB).

"BÌNH OXY" CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Về hỗ trợ doanh nghiệp, UBND TP.HCM kiến nghị cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thanh toán kỳ hạn ngắn; Chính phủ sớm thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như một số nước đang làm; đề nghị Chính phủ xem, giải quyết việc phong tỏa tài sản của các đơn vị liên quan đến một số vụ việc và chỉ đạo đẩy nhanh công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp...

Đồng thời cho phép TP.HCM thí điểm áp dụng "Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) trước ngày 1/1/2021. Cùng với đó, cho phép TP.HCM thí điểm gia hạn sử dụng đất với một số trường hợp, cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất  khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Năm 2023 được coi là then chốt để giải quyết những vướng mắc, chồng chéo về pháp lý cho các dự án bất động sản. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, thành phố kiến nghị xem xét, cho chủ trương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và bất động sản, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Năm 2023 được coi là then chốt để giải quyết những vướng mắc, chồng chéo về pháp lý và quản lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển lành mạnh và bền vững, góp phần tích cực vào ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tăng nguồn cung và tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho đối tượng thu nhập trung bình và thấp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top