Lý do là vì chưa có “thuốc” để trị dứt điểm những vướng mắc cố hữu.
8 tháng, giải ngân đạt 47,6% kế hoạch
Năm 2020, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng vốn hơn 42.139 tỷ đồng. Thành phố ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án ODA, dự án sử dụng vốn đối ứng ODA, vốn góp ngân sách tham gia dự án PPP, công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm, công trình trọng điểm, hạ tầng xã hội, dự án thuộc Đề án Đô thị thông minh, giáo dục, y tế…
Theo UBND TP.HCM, tình hình giải ngân đầu tư công tới đầu tháng 8/2020 có chuyển biến tích cực, cao hơn cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá trị vốn giải ngân đạt 20.059 tỷ đồng, bằng 47,6% tổng kế hoạch vốn đã giao (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 23%). Nếu tính cả khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng (1.470 tỷ đồng), thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,1% so với kế hoạch đã giao.
Chuyển biến trong công tác giải ngân đến từ những giải pháp quyết liệt của chính quyền Thành phố. Công tác bố trí kế hoạch vốn phù hợp với những quy định mới về đầu tư công; phù hợp với nguyên tắc, định hướng đã được HĐND TP.HCM thông qua, giúp giảm thiểu vướng mắc ở khâu thủ tục hành chính.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị đầu tư được cải thiện, khi các dự án từ nguồn ngân sách Thành phố đảm bảo chủ trương đầu tư, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và đầy đủ thủ tục. Đặc biệt, trong công tác điều hành, UBND TP.HCM thường xuyên bám sát, “thúc” các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Ông Võ Đức Thanh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP.HCM cho biết, thời gian qua, Ban chú trọng vận hành bộ máy ban quản lý dự án chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án. Thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát, thúc đẩy tiến độ, kịp thời chấn chỉnh sai sót và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhà thầu, đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân của Ban đã đạt trên 50%.
“Chúng tôi xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể hằng quý, hằng tháng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án, cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ đơn vị. Cùng với đó, quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp với các sở chuyên ngành cũng đã được xây dựng hoàn chỉnh, giúp việc triển khai các dự án thuận lợi hơn”, ông Thanh chia sẻ.
Nhận diện lực cản
Có thể nhận thấy quyết tâm cao từ chính quyền TP.HCM trong việc thúc đẩy dòng vốn đầu tư công để kích hoạt, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, những lực cản cố hữu từ công tác giải phóng mặt bằng và trình tự thủ tục giải ngân vẫn khiến địa phương này “phập phồng” nỗi lo giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm 2020.
Theo báo cáo mới nhất, từ đầu năm tới nay, TP.HCM đã bố trí vốn để thực hiện 74 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập với tổng vốn 4.181 tỷ đồng (chiếm 12% tổng kế hoạch vốn ngân sách Thành phố). Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các đơn vị chủ đầu tư thực hiện còn chậm, kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn. Chỉ khi mặt bằng được bàn giao đầy đủ, thì các dự án mới có thể tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục xây lắp trong những tháng cuối năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giải phóng mặt bằng đang là điểm nghẽn khó gỡ nhất của TP.HCM. Tình trạng vốn, chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp “nằm chờ” mặt bằng thi công trở thành nỗi ám ảnh lớn, khiến nhiều dự án “vỡ trận”.
Năm 2020, TP.HCM được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 42.139 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Thành phố 33.940,764 tỷ đồng (gồm 10.487 tỷ đồng vốn ODA vay lại và 23.453 tỷ đồng vốn ngân sách tập trung); vốn ngân sách Trung ương 8.198 tỷ đồng (gồm 3.153 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 5.044 tỷ đồng vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương).
Chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông, đã có tới vài chục dự án chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng. Trong đó, một số dự án nổi cộm có thể kể đến là cầu Kênh Lộ (huyện Nhà Bè) kẹt mặt bằng từ năm 2012; cầu Năm Lý, cầu Tăng Long (quận 9) đình trệ 1,5 - 2 năm; đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) hơn 1 năm chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu…
Giải pháp đột phá cho khâu giải phóng mặt bằng là Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 9/3/2020 của Chính phủ cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Dẫu vậy, sau nhiều tháng, “cây đũa thần” này chưa thể phát huy hiệu quả, do chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Bên cạnh khó khăn về giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân vốn ODA vay lại còn vướng mắc về thủ tục. Trong đó, khó khăn lớn nhất chủ yếu ở Dự án Xây dựng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Kế hoạch vốn ODA vay lại được giao của Dự án là 9.946 tỷ đồng (chiếm gần 30% tổng kế hoạch vốn của TP.HCM), nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được 41%. UBND TP.HCM đang phối hợp với các bộ, ngành xem xét để thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương bằng đồng Yên, làm cơ sở giải ngân vốn cho Dự án.
Đối với các dự án khởi công mới trong năm nay, sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục như lựa chọn nhà thầu, tư vấn lập, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, lập phê duyệt kế hoạch đấu thầu và tổ chức đấu thầu (thông thường, thời gian thực hiện là 6 - 8 tháng, tùy quy mô, tính chất của gói thầu). Chỉ khi khâu lựa chọn nhà thầu hoàn tất, chủ đầu tư tiến hành ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện dự án, thì mới có cơ sở tạm ứng hợp đồng, giải ngân vốn đầu tư công.
Mặt khác, tỷ lệ giải ngân của các dự án khởi công mới thường đạt cao điểm vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, TP.HCM đang bước vào mua mưa, điều kiện thi công các gói thầu xây lắp bị ảnh hưởng, nên tỷ lệ giải ngân ở các dự án xây lắp khởi công mới không thể tránh khỏi tình trạng bấp bênh.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP.HCM đề ra 4 nhóm giải pháp. Trong đó, đáng chú ý, Thành phố sẽ phân nhóm các dự án gặp vướng mắc nhằm nhanh chóng tháo gỡ thủ tục về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, vốn… Bên cạnh đó, sẽ gắn trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư và đánh giá thi đua không hoàn thành nhiệm vụ, nếu đến hết năm mà tỷ lệ giải ngân đầu tư công không đạt trên 90%.