Cuối năm 2013, UBND TP.HCM đã ban hành danh mục các loại cây cấm trồng trên đường phố, khu đô thị trong thành phố. Trong đó 28 cây bao gồm: bã đậu; bàng; bồ kết; các loại cây ăn quả; cao su; cô ca cảnh; da (sung); dừa; đủng đỉnh; gáo trắng; gáo tròn; gòn; keo lá tràm; keo lai; keo tai tượng; lọ nồi (đại phong tử); lòng mức; lòng mức lông; mã tiền; me keo; mò cua (sữa); sọ khỉ (xà cừ); thông thiên; trôm hôi; trứng cá; trúc đào; xiro.
Đặc biệt trong đó có cây điệp phèo heo, có đặc tín rễ ăn ngang, lồi trên mặt đất (gây hư vỉa hè, mặt đường có thể ảnh hưởng đến giao thông) cành cây nhánh giòn, dễ gãy.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Reatimes, trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) đang được phủ xanh bằng rất nhiều hàng cây điệp phèo heo. Sự việc khiến cho nhiều cư dân tại đây lo lắng bởi số cây này đang phát triển rất nhanh, có nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân khi mùa mưa gió đang cận kề.
Anh Hoàng Anh, cư dân sống tại Phú Mỹ Hưng cho biết, trước đây nhiều cây xanh ở đây còn nhỏ, những năm gần đây đã phát triển mạnh, nhưng khi nghe tin một số cây thuộc danh mục cấm trồng gây nguy hiểm, gia đình anh cũng rất lo lắng.
"Tôi và gia đình đã chuyển về đây nhiều năm. Trước đây khi nghe thông tin việc thành phố đưa ra danh sách cây cấm trồng trong khu đô thị tôi cũng khá lo lắng. Bởi trong khu Phú Mỹ Hưng tôi thấy trồng khá nhiều cây diệp phèo heo, cây này lớn nhanh, phủ xanh cũng rất rộng. Nhưng mùa mưa gió thế này nếu những cây có đặc điểm dễ gãy đổ như vậy sẽ gây nguy hiểm cho cư dân. Chủ đầu tư nên chặt bỏ để làm giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc cho người dân chúng tôi", anh Hoàng Anh chia sẻ.
Chung quan điểm với anh Hoàng Anh, chị Nguyễn Ngọc cho rằng, việc phủ xanh khu đô thị là cần thiết, nhưng chủ đầu tư cũng nên tính đến việc an toàn cho người dân nhất là khi chuyện gãy đổ cây làm chết người không phải là hiếm.
"Trước đây, một trận mưa to kèm giông lốc lớn làm gãy đổ hàng loạt các cây tại Phú Mỹ Hưng. Rất may mắn lúc đó không có thiệt hại về người. Những năm sau này thì thỉnh thoảng cũng có tình trạng cây bị gãy đổ được cư dân phản ánh nên chúng tôi rất lo lắng mỗi khi có mùa mưa gió kéo về", chị Ngọc chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng là thời điểm mùa mưa năm 2013, cơn mưa to kèm theo gió mạnh vào buổi chiều tối khiến TP.HCM xảy ra nhiều sự cố. Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất nội đô là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tuy không có thương vong về người song cây đổ ngổn ngang ở nhiều nơi. Ghi nhận, hậu quả của trận giông lốc trên khiến hàng trăm cây bị bật gốc, chủ yếu ở khu Mỹ Viên, Mỹ Cảnh, hồ Bán nguyệt... khu Mỹ Thái II ngã đè gãy trụ đèn chiếu sáng. Theo nhân viên cây xanh Phú Mỹ Hưng, các cây bị bật gốc chủ yếu là điệp và xà cừ bởi đây là hai loại cây có tán rộng. Những cây trên đều thuộc diện cấm trồng được UBND TP.HCM đưa vào danh mục sau đó.
Theo một số chuyên gia, cây điệp phèo heo (tên khoa học Enterolobium cyclocarpum) là một loài thực vật thuộc họ Đậu. Loài cây này có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ. Cây này khi phát triển rất lớn, có kích thước vừa đến độ cao 25–35 m, với một thân cây có đường kính lên đến 3,5 m.
Tuy là cây dễ sống, phát triển rất nhanh, sớm cho bóng mát thế nhưng, về cơ lý tính, cành điệp phèo heo xốp dễ gãy, rễ lồi, ăn ngang và mau bung rễ, dễ bật gốc. Vì thế, việc ban hành danh mục cấm trồng loại cây trên trong các khu đô thị, thành phố là hợp lý, giảm bớt nguy hiểm cho người dân và người tham gia giao thông.
Cuối năm 2013, UBND TP.HCM đã ban hành danh mục 28 cây cấm trồng trên đường phố. Việc ban hành danh mục các loại cây cấm trồng này là hết sức cần thiết, nhằm ngăn ngừa tình trạng bị ngộ độc do cây cảnh và tai nạn với người dân khi tham gia lưu thông trên đường giao thông, khu đô thị. UBND TP.HCM yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được phép trồng mới các cây thuộc danh mục cây cấm trồng trên. Các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh đô thị có trách nhiệm lập kế hoạch thay thế dần những cây hiện có trên đường phố thuộc danh mục cây cấm trồng. Danh mục có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2013 và thay thế danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 11/10/2013 của UBND TP.HCM. |