Aa

TP.HCM: Nghịch lý biệt thự bỏ hoang vẫn neo giá “trên trời“

Thứ Hai, 18/09/2017 - 06:31

TP.HCM hiện có hàng chục dự án biệt thự xây dựng phần thô với giá cả chục tỷ đồng/căn, nhưng không người ở dù đã có chủ. Dù biệt thự để cỏ mọc um tùm, nhưng khi liên hệ hỏi mua, thì không có gia chủ nào chịu bán.

“Của mốc không phải...đồ thiu”

Khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (TP.HCM) được cho là “thành phố ma” của quận 2, bởi nơi đây là thủ phủ của những dự án biệt thự không người ở của nhiều chủ đầu tư. Trong đó, số lượng biệt thự nhiều nhất là khu biệt thự phố của Tập đoàn Hà Đô với hơn 300 căn, tiếp đến là hơn 50 căn biệt thự đơn lập mang tên Trung Tiến do Công ty Trung Tiến làm chủ đầu tư, được hoàn thiện và bán hết từ năm 2007…

Ngoài quận 2, khu Đông TP.HCM còn có dự án hơn 300 căn biệt thự song lập của Khang An tại quận 9 cũng trong tình cảnh nhà có chủ nhưng để không. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, cửa của những căn biệt thự tại dự án này đều bị bịt kín, cỏ mọc um tùm bao quanh. Những căn nào không được chủ xây bịt cửa lại, trở thành nơi cho dân lao động nghèo làm nghề phụ hồ sinh sống.

Những căn biệt thự phố tại dự án của Hà Đô bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Gia Huy.

Những căn biệt thự phố tại dự án của Hà Đô bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Gia Huy.

Ở Dự án Phước Kiển 1 (huyện Nhà Bè) do Tổng công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư cũng trong cảnh tương tự. Tại dự án này, dù chủ đầu tư bán hết đất xây nhà biệt thự cho khách, nhưng tới nay, người dân vẫn không về xây nhà sinh sống.

Tượng tự, tại quận 7 có Dự án khu biệt thự phố ngay đường Nguyễn Văn Linh của chủ đầu tư An Huy. Khu biệt thự đã bán gần 10 năm nay và cũng đã có chủ nhận, nhưng hệ thống giao thông nội bộ, điện nước chưa được chủ đầu tư xây dựng, nên cư dân không chuyển về sinh sống, nhường đất cho cỏ dại và những người nghiện ma túy.

Nhiều người nghĩ, các dự án biệt thự không người ở này sẽ có giá rẻ và chủ nhân sẽ mong bán lại để thu lại tiền vốn. Tuy nhiên, tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản lại khác hoàn toàn. Giá những căn biệt thự này đã liên tục tăng từ năm 2015 và hiện không chủ nhân nào có ý định bán.

Tại Sàn giao dịch Bất động sản Đông Sài Gòn trên đường Đồng Văn Cống, anh Trần Văn Dũng, Giám đốc sàn giao dịch này lắc đầu khi phóng viên (trong vai người có nhu cầu) ngỏ ý hỏi mua một căn biệt thự tại dự án của Hà Đô.

Anh Dũng cho biết, hiện có tiền cũng không mua được ở khu đó, bởi chủ nhân không muốn bán dù để cho cỏ mọc.

“Giá bán vào thời điểm 2009 là 19 triệu đồng/m2, hiện nay lên tới 46 triệu đồng/m2 nhưng không còn ai bán. Người hỏi mua nhiều mà người muốn bán không có”, anh Dũng nói.

Tương tự, giá căn biệt thự bỏ hoang trong khu Khang An lúc đầu là hơn 5 tỷ đồng/căn, giờ là hơn 10 tỷ đồng/căn. Ngay tại khu biệt thự phố Thái Sơn 1 của huyện Nhà Bè, giá lúc đầu chỉ hơn 400 triệu đồng/1 nền đất biệt thự hơn 130 m2, giờ đã lên tới 7 tỷ đồng…

Giá đất, giá nhà tăng là vậy, nhưng khi phóng viên gọi tới một vài số điện thoại đề chào bán nhà biệt thự tại khu Hà Đô, Khang An…, tất cả chủ nhân biệt thự được gọi đều nói “để ở chứ không bán”.

Anh Lê Mạnh Tùng, một chủ nhân căn biệt thự tại khu Hà Đô cho biết, trước đây anh mua căn biệt thự trên với mục đích để ở, nhưng sau khi bàn giao nhà thô thì thị trường bất động sản đi xuống, giá nhà tụt dốc từ cả tỷ đồng/căn biệt thự. Đồng thời, hạ tầng giao thông khi đó rất xấu, người dân mua nhà tại khu Thạnh Mỹ Lợi gặp khó khăn trong việc vào khu đô thị này sinh sống, nên hầu như ai cũng chấp nhận bỏ hoang nhà.

“Tuy nhiên, giờ khu vực đó hạ tầng giao thông đã ổn định hơn, giá đất đã bắt cao dần lên. Chỉ từ cuối năm 2016, giá đất vẫn là 31 triệu đồng/m2, tới thời điểm này đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/m2. Giá biệt thự cũng tăng cao, nên dù có kẹt tiền thì cũng khó có ai chịu bán, bởi dự kiến năm 2018, giá đất và giá nhà khu vực này còn tăng cao hơn nhiều lần”, anh Tùng cho biết.

Tín hiệu tích cực

Về câu chuyện xuất hiện những dự án bạc tỷ bỏ hoang này, ông Nguyễn Duy Trinh, Giám đốc Công ty Bất động sản Gia Phú cho rằng, đó là do các doanh nghiệp ngành địa ốc “cầm đèn chạy trước ô tô” khi chỉ nghe quy hoạch hạ tầng giao thông là ôm đất làm dự án. Tuy nhiên, việc đón đầu hạ tầng này đã bị hụt khi dự án bất động sản triển khai xong, nhưng dự án giao thông vẫn chưa thấy.

“Khi Khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi hình thành, khu vực này chỉ có duy nhất đường Đồng Văn Cống kết nối vào, trong khi đường Mai Trí Thọ, khu thủ Thiêm chưa thực hiện xây dựng. Đặc biệt, đường Đồng Văn Cống lại là tuyến đường dành cho xe tải lớn lưu thông vào khu vực cảng Cát Lái, nên đường xuống cấp nghiêm trọng.

Do nguyên nhân này, mà Khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi vẫn không có người dân về sinh sống. Ngay cả Khu đô Thị Khang An, hay Khu biệt thự Nam Rạch Chiếc cũng chung cảnh dự án cô lập bởi hạ tầng giao thông đi chậm hơn dự án bất động sản”, ông Trinh nói.

Một lý do nữa dẫn tới có nhiều dự án biệt thự bạc tỷ bỏ hoang, là do thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Chẳng hạn, tại dự án Thái Sơn 1, dù được mở bán từ năm 2003, nhưng tới nay, chủ đầu tư và chính quyền huyện Nhà Bè - nơi dự án triển khai, vẫn chưa cấp điện, nước, giấy tờ xây dựng cho người dân, dù người dân đã đóng đủ tiền mua nhà, mua đất.

Một lý do nữa là do quy định cốt nền thay đổi liên tục. Chẳng hạn, Dự án Khang An và Dự án Nam Rạch Chiếc (quận 9), năm 2005, thời điểm các dự án này hình thành, quy định cốt nền khác, tới năm 2010, quy định cốt nền dự án lại thay đổi. Như vậy, dự án sau nằm cao hơn dự án trước, nên khi trời mưa, những dự án luốn trong cảnh bị ngập nước, khiến khách hàng không muốn về sinh sống.

Ngoài ra, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land cho rằng, việc “thà để thối” chứ không bán rẻ trong dân tạo ra hiện tượng biệt thự bỏ hoang nhiều năm tại TP.HCM. Nguyên nhân sâu xa là những dự án này đều được phát triển trong thời kỳ thị trường bất động sản sốt nóng (2002 -2009), khi đó người dân đua nhau đầu cơ đất nền, nhà biệt thự. Khi thị trường đi xuống, giới đầu cơ không thể thoát hàng ra, nhưng giờ giá nhà lên, họ cố gắng ôm để kiếm lời.

Tuy nhiên, quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, đã xuất hiện tín hiệu tích cực tại các dự án biệt thự bỏ hoang này khi bắt đầu xuất hiện người dân hoàn thiện nhà và chuyển về sinh sống.           

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top