Ngân sách từ đất "hụt hơi"
Báo cáo Tình hình thị trường bất động sản năm 2018 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, so với cùng kỳ 2017, số thu ngân sách từ đất trong toàn bộ năm 2018 của thành phố đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2017, thu ngân sách từ đất đạt 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 17.905 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nguồn thu về đất.
Đến năm 2018, tổng thu ngân sách nội địa TP.HCM đạt 268.780 tỷ đồng, trong đó, ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chiếm 61,3% tổng nguồn thu về đất.
Như vậy, so với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm tới 22,5%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay, số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30/11/2018 lên tới 3.013 tỷ đồng; tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm 2,43% - từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018.
"Có thể thấy, trong khi Hà Nội thu ngân sách nội địa được 226.795 tỷ đồng, đạt 103,9%, thu vượt khoảng 6.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao thì TP.HCM đã phải rất nỗ lực mới hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.
Và điều cần đặc biệt quan tâm là nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án bất động sản đã có dấu hiệu chững lại và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019", ông Châu nhấn mạnh.
Nguyên nhân nào khiến thất thu ngân sách?
Tại một hội thảo diễn ra hồi tháng 12/2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá: "Hiện nay, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất đai nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực, thất thu ngân sách trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn".
Theo ông Phớc, sự bất cập về chính sách là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất thu ngân sách. Ví dụ về sự bất cập này, ông Phớc cho hay: "Theo quy định hiện hành, có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng quy định lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào, do đó, các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau."
Và sự chênh lệch đến hàng chục lần giá trị giữa các phương pháp này đã tạo lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Đáng lưu ý khi trong tổng số 3.974 tỷ đồng sai phạm, có hơn 403 tỷ đồng do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, khoảng 90 tỷ đồng tiền sử dụng đất bổ sung đối với tầng kỹ thuật do chủ đầu tư sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Chưa kể các chủ đầu tư nợ đọng tiền sử dụng đất, thuê đất hơn 1.462 tỷ đồng; 489 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền sử dụng đất; 1.480 tỷ đồng tiền sử dụng đất của một số dự án phải nộp bổ sung do tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định...
Thanh tra Chính phủ cho biết, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đã tạo sơ hở, gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa.
Hay như ví dụ về sự chênh lệch trong các phương pháp định giá đất mà Tổng kiểm toán Nhà nước đã nêu, việc không bắt buộc dùng chung một phương pháp cụ thể đã dẫn tới tình trạng chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù… đã tác động thay đổi giá đất định giá, làm thất thu ngân sách.
Do đó, ông Hồ Đức Phớc cho rằng việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, đặc biệt là hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất để tránh sự lợi dụng và bịt lỗ hổng nhằm chống thất thoát ngân sách.
Còn tại bản dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2019, trong các giải pháp thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN giai đoạn 2019 - 2021, Bộ tài chính đã nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách trên cơ sở hoàn thiện thể chế, đặc biệt là trong quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, củng cố hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận tiện, bình đẳng, minh bạch.