Mong ngày được lên bờ
Di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch là 1 trong 5 kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị, thuộc 7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, đã gần hết năm 2020, hàng nghìn hộ dân sống tại nơi đây vẫn đang thấp thỏm mong chờ ngày được di dời.
Tìm đến khu vực kênh Đôi (quận 8), phóng viên không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân chen chúc sống trong những căn nhà tạm bợ được xây dựng trên con kênh đen ngòm, bên dưới toàn là rác, kèm theo một mùi xú uế đặc trưng.
Thấy có người hỏi thăm, ông Bùi Thành Nhơn, một người dân có nhà nằm trên kênh đoạn kênh này cho biết, sống ở đây không khác gì sống cạnh bãi rác chất đống và trải dài hai bên dòng kênh, hàng ngày phải đóng chặt cửa để hạn chế mùi hôi thối. Những hôm trời mưa lớn thì rác thải ngập ngụa quanh nhà, mùi hôi nồng nặc.
Khi được hỏi có biết việc Thành phố có kế hoạch di dời những hộ dân ở đây đi nơi khác không, ông Nhơn nhớ lại, khoảng năm 2016 - 2017 thì có nghe thông tin giải tỏa nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị. Lúc đó, người dân ở khu vực này đã rất mừng vì sắp được “đổi đời”, được lên bờ.
“Tại thời điểm đó cũng có nhà đầu tư đến khảo sát, chính quyền địa phương cũng đã phát phiếu điều tra, yêu cầu người dân khai báo về nhân khẩu, rồi kiểm tra các giấy tờ này kia... Tuy nhiên, từ đó đến nay không thấy đả động gì nữa”, ông Nhơn kể lại và than thở, chẳng ai muốn sống trong ô nhiễm, hàng trăm hộ dân ở đây vẫn luôn ngóng chờ có tiền đền bù là đi nơi khác sống.
Rời khỏi nhà ông Nhơn, chúng tôi tiếp tục ghé vào khu vực kênh Tàu Hủ (đoạn chảy qua quận 8), tình cảnh của những hộ dân sống ở đây cũng tệ không kém. Họ cũng đã nghe nói đến chương trình giải tỏa, di dời nhà ở ven, trên kênh rạch và cơ quan chức năng đã đến khảo sát, đo đạc, nhưng sau đó cũng “một đi không trở lại”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tài, nhà ở hẻm 1072 đường Phạm Thế Hiển, quận 8 cho biết, căn nhà của ông đã xây dựng trên con kênh này được hơn 50 năm, diện tích khoảng 40m2. Khi nghe đến việc di dời, giải tỏa của Thành phố, ông chưa kịp mừng thì lại lo lắng vì nhà này là xây dựng trái phép, nên không biết chương trình giải tỏa, đền bù và tái định cư sẽ như thế nào.
“Những năm trước đây địa phương cho làm giấy tờ nhà, nhưng lúc đó khó khăn và cũng không có tiền làm, đến khi Nhà nước có chủ trương giải tỏa thì lại không làm được. Chúng tôi mong muốn Nhà nước làm sớm để người dân đi nơi khác sinh sống, chứ hiện nay cứ thấp thỏm lo lắng”, ông Tài nói.
Thực tế, trường hợp của 2 gia đình trên chỉ là số ít trong rất nhiều hộ sống trong xóm nhà tạm bợ, lụp xụp ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM. Số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trên địa bàn có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8, quận Bình Thạnh, quận 7 và quận 4.
Giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch bằng việc thực hiện 65 dự án, trong đó có 59 dự án sử dụng ngân sách.
Sau đó, Thành phố đã điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025. Tuy nhiên, nhiệm kỳ qua chỉ thực hiện di dời được 2.479 căn, đạt 12,4% kế hoạch. Như vậy, còn khoảng 17.569 căn hộ trên và ven kênh rạch chưa được di dời, tái bố trí như kế hoạch đã đề ra.
Cần thêm nguồn đầu tư xã hội hóa
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân khiến tiến độ di dời chậm trễ thì nhiều, nhưng tập trung vào 3 vướng mắc chính, đó là nguồn vốn ngân sách của Thành phố dành cho chương trình này chưa tương xứng với nhu cầu; trình tự thực hiện thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách rất phức tạp, kéo dài nhiều giai đoạn; sự phối hợp thiếu đồng bộ của các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc xác định ranh thực hiện dự án.
“Hầu hết các tuyến sông, kênh, rạch tại Thành phố có diện tích nhỏ, không thực hiện được việc mở rộng biên độ chỉnh trang, hoặc không có giá trị thương mại nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Thành phố cũng không có nhiều quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT”, ông Bình nhấn mạnh.
Chia sẻ kế hoạch di dời trong giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ phấn đầu di dời 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung vào các dự án, địa bàn trọng điểm như quận Bình Thạnh (rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh), các quận 4, 7 và 8 (kênh Đôi) và quận Bình Tân. Đồng thời, Thành phố sẽ tăng quỹ đất để thu hút nhà đầu tư bằng việc khai thác 20% quỹ đất dọc hành lang sông, kênh, rạch để làm công trình dịch vụ thương mại hoặc công viên chuyên đề…
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp cho hay, khi tham gia bất kỳ dự án phát triển hạ tầng nào thì doanh nghiệp cũng mong muốn có lợi nhuận, bên cạnh những đóng góp khác cho xã hội. Theo đó, chính quyền Thành phố phải làm sao cho doanh nghiệp thấy được cái lợi khi đầu tư vào những dự án này.
Nói như ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T Group, trong quy hoạch phát triển quỹ đất hai bên bờ sông, kênh rạch, lãnh đạo Thành phố cần cho phép các chủ đầu tư tăng mật độ xây dựng để tạo nguồn kinh phí cải tạo của từng dự án.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần sự minh bạch, công bằng trong chính sách kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng tại Thành phố. Cơ hội phải chia đều cho tất cả mọi doanh nghiệp, trong đó Thành phố cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước nếu đủ điều kiện tham gia. Bởi hiện nay, có không ít nhà đầu tư nhảy vào dự án theo lối mòn, tư duy cũ là “tay không bắt giặc”.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã phải rút khỏi dự án do ưu đãi nhận được không như mong đợi, trong khi chi phí và thời gian bỏ ra quá lớn, không đảm bảo được nguồn vốn, lợi nhuận…, đó là chưa kể những vấn đề liên quan tới pháp lý và thực thi giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nếu chính quyền Thành phố muốn kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa từ các thành phần tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài thì phải có cơ chế đảm bảo tính an toàn cả vòng đời dự án.