Tại buổi họp báo về tiến độ xử lý vụ việc tại Khu công nghệ cao ngày 6/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc UBND thành phố ban hành Quyết định 2666 (thu hồi 804ha) để thực hiện dự án là đúng thẩm quyền và phù hợp quy hoạch chung của thành phố.
Tuy nhiên, việc UBND thành phố mở rộng thu hồi đất tại các Quyết định 2717 (thu hồi 6,9ha) và 2193 (thu hồi 102ha) khi chưa được thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể khu công nghệ cao là chưa đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi và giao đất.
Nên ngay từ khi có báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ và thông báo số 370 của Văn phòng Chính phủ về kết luận, chỉ đạo liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại dự án khu công nghệ cao, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ngành và các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu để thực hiện nghiêm túc, dứt điểm ý kiến kết luận của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Đồng thời, thành lập ngay tổ công tác liên ngành do Chủ tịch UBND quận 9 làm tổ trưởng nhằm nghiên cứu, rà soát hồ sơ bồi thường, ghi nhận nguyện vọng của 49 trường hợp khiếu nại, tố cáo... từ đó đề xuất chính sách hỗ trợ theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất trong phần diện tích gần 41ha. Đến nay UBND TP.HCM đã thực thực hiện xong 4/8 nội dung.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định gần 41ha thành phố đang xem xét bồi thường (hơn 1.400 tỷ đồng đã được HĐND thành phố thông qua) là trong ranh nên không thể áp dụng như 4,3ha ở khu phố 1, phường Bình An ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với 49 trường hợp đang khiếu nại, thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế đặc thù theo hướng bán nền tái định cư cho các hộ dân này theo giá bán tại định cư để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Vị trí đất nền tái định cư là tại khu đất 4.000m2 mặt tiền đường Lê Văn Việt, một số nền đất thuộc khu nhà ở Khang Điền, thuộc phường Phước Long B và Khu tái định cư Long Bình thuộc Long Thạnh Mỹ.
Đề cập đến bản đồ quy hoạch, ông Hoan thông tin thành phố đã 3 lần tiếp xúc các hộ bị ảnh hưởng từ dự án này. Đa số người dân ủng hộ chính sách của thành phố đưa ra và họ mong muốn được giải quyết sớm, còn vài trường hợp yêu cầu làm rõ các vấn đề pháp lý.
"Pháp lý bây giờ là kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Đây chính là căn cứ để thành phố sửa sai", ông Hoan nói.
Còn việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, theo ông Hoan cho biết, nhìn chung là phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm, tuy nhiên việc này cũng khó vì nhiều cán bộ, công chức liên quan đến các sai sót đã về hưu, có người đã mất.
"Dĩ nhiên, vẫn phải xem xét nghiêm túc, làm rõ các tập thể, cá nhân có liên quan. Việc này các sở ngành làm rõ rồi UBND thành phố sẽ có kết luận", ông Hoan nói.
Về kế hoạch chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy cho biết, sau khi UBND thành phố có kế hoạch chi tiết, quận sẽ triển khai ngay trên tinh thần cố gắng hoàn thành trước Tết Âm lịch 2020.
Trước đó, tháng 8/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 370 thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan dự án khu công nghệ cao.
Cụ thể, diện tích đất gần 41ha nằm trong dự án khu công nghệ cao của TP.HCM đã được thu hồi theo quy hoạch, theo các dự án phục vụ khu công nghệ cao nên không xem xét giao lại cho các hộ dân bị thu hồi mà giải quyết bằng cách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật.
UBND TP.HCM thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 458 điều chỉnh bổ sung quy hoạch khu công nghệ cao (ngày 18/4/2007).
Đến ngày 30/8/2017, Thanh tra Chính phủ có kết luận thông báo kết quả kiểm tra, xem xét việc khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân liên quan đến thu hồi, sử dụng đất dự án khu công nghệ cao.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 989/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập khu công nghệ cao, trong đó, xác định quy mô tổng diện tích là 800ha tại quận 9.
Đến năm 2002, UBND TP.HCM báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi toàn bộ diện tích là 804ha, tăng 4ha và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Việc thu hồi diễn ra tại 5 phường quận 9 gồm: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, trên thực tế, thành phố lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú mặc dù trong quyết định 989/QĐ-TTg của Thủ tướng không đề cập đến, đồng thời không thu đất tại phường Phước Long B được xác định trong quyết định nói trên của Thủ tướng.