Dự án không hẹn ngày "về đích"
Năm 2004, hợp tác xã (HTX) Hà Quang đã trình UBND huyện Củ Chi xin thành lập dự án đầu tư xây dựng làng nghề cá cảnh - hoa lan - cây cảnh tại xã Trung An, huyện Củ Chi với quy mô 20 - 20 ha và nhanh chóng được huyện chấp thuận. Tổng vốn đầu tư là 20 tỷ đồng (vườn lan: 2 tỷ đồng, ao cá chép Nhật, cá hô: 800 triệu đồng, hồ cá dĩa: 500 triệu đồng, cây kiểng các loại: 3 tỷ đồng, còn lại là đền bù và làm hạ tầng: đường, điện, nước…)
Tuy nhiên tới nay, đã trải qua hơn 1 thập kỷ, và đã được mở rộng diện tích lên tới 143ha nhưng dự án Làng nghề cá cảnh - hoa lan - cây cảnh vẫn trong cảnh dang dở, hoang tàn. Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận những mảnh đất từng trồng lúa 3 vụ/năm giờ để cỏ mọc xanh um; những căn nhà gỗ xập xệ theo thời gian; những vườn lan xác xơ, trơ trụi…
Cũng chung số phận với dự án Làng nghề tại Củ Chi, dự án Công viên văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp) được triển khai từ năm 2001. Đến nay đã gần 17 năm, hoàn thành xong khâu đền bù giải tỏa nhưng dự án vẫn chỉ là bãi đất trống được quây bằng tường bao và cổng rào chứ không thấy bóng dáng cây xanh hay bất cứ hình thù nào cho thấy đây là một công viên.
Được biết, dự án có diện tích rộng hơn 37ha, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Công viên văn hóa Gò Vấp (thuộc UBND quận Gò Vấp), tổng mức đầu tư hạ tầng của dự án ban đầu khoảng 98 tỷ đồng. Đây là dự án có vị trí đẹp, nằm sát sông Vàm Thuật, được thành phố kỳ vọng sau khi hoàn thành trở thành nơi vui chơi, giải trí đẹp và lớn nhất nhì TP.HCM. Tuy nhiên hiện nay, thay vì phát triển theo các hạng mục thì cỏ lau phủ đầy dự án và tình trạng thanh niên tụ tập đánh nhau, tiêm chích ma túy, cướp tại đây diễn ra ngay cả ban ngày.
“Tôi thấy dù công viên được ban quản lý vây bằng tường bao, có cổng quản lý ra vào nhưng nhân viên bảo vệ vẫn cho người vào đây chơi. Có hôm tôi đi câu cá trong công viên thấy cảnh tại những khu đất hoang ven sông thường có nhiều thanh niên đến hút chích ma túy. Nhiều hôm thanh niên từ đâu kéo tới đánh nhau, tối đến thanh niên nam nữ đưa nhau ra đây tâm sự cũng bị cướp”, ông Nguyễn Văn Thanh, người dân sống gần dự án công viên cho biết.
Qua tìm hiểu của phóng viên từ lãnh đạo quận Gò Vấp và huyện Củ Chi, hiện tại hai dự án này đang trong giai đoạn bị ngưng thực hiện. Với Công viên văn hóa Gò Vấp, được biết sau khi giải phóng mặt bằng, UBND quận Gò Vấp mời Công ty Cổ phần Gia Tuệ tham gia đầu tư thực hiện dự án nhưng nhà đầu tư này không đáp ứng được các yêu cầu liên quan. Do đó đến tháng 8/2011, UBND TP.HCM chỉ đạo dừng thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Công viên văn hóa Gò Vấp. Đến cuối năm 2014, UBND TP tiếp tục có văn bản chấp thuận chủ trương kết thúc dự án đang dang dở, giao UBND quận Gò Vấp sử dụng ngân sách quận để thực hiện dự án mới.
Còn với dự án làng nghề tại huyện Củ Chi, sau một thời gian dự án không được triển khai và có nhiều đơn khiếu kiện việc HTX Hà Quang không thực hiện xây dựng dự án theo đúng phê duyệt của huyện mà lại tổ chức xây dựng biệt thự, phân lô bán nền đất trong dự án được giao nên năm 2011 thanh tra thành phố sau khi tổ chức thanh tra đã báo cáo lãnh đạo thành phố và được UBND TP.HCM yêu cầu tạm ngừng toàn bộ dự án, chờ quy hoạch chi tiết của cơ quan thẩm quyền.
Bỏ tiền "nuôi" dự án "chết"
Có mặt tại dự án Công viên văn hóa Gò Vấp, giữa bãi đất hoang toàn, cỏ mọc um tùm là văn phòng cao 2 tầng của ban quản lý dự án. Ông Ngô Toại Chương, Giám đốc ban quản lý dự án cho biết, hiện tại ban quản lý dự án không có gì để trả lời, phóng viên muốn biết thông tin dự án thì lên quận Gò Vấp hỏi.
Tuy nhiên một điều khó hiểu là dù dự án đã bị ngưng triển khai nhưng văn phòng ban quản lý dự án ngoài vị giám đốc vẫn có 5 nhân viên làm việc, hai bảo vệ và 3 nhân viên cắt tỉa cây xanh ngồi chơi tại văn phòng. Những nhân viên này hàng tháng vẫn hưởng số lương từ 3 triệu đồng trở lên cho dự án không triển khai.
Tại UBND quận Gò Vấp, một chuyên viên tên Khanh phụ trách dự án cho biết, quận Gò Vấp đã lập dự án xây dựng công viên mới với tổng mức đầu tư hơn 398 tỷ đồng. Tuy nhiên vị chuyên viên này cũng cho rằng với tổng mức đầu tư này, UBND quận Gò Vấp nhận thấy không thể cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện dự án cho nên tháng 9/2015, UBND quận Gò Vấp đã gặp Sở GTVT và đề nghị sở này tiếp nhận dự án công viên.
“Sau khi bàn bạc, Sở GTVT cho biết quy hoạch Công viên Gò Vấp rất thuận lợi để xây dựng công viên đa chức năng, tạo cảnh quan, tổ chức vui chơi cho người dân kết hợp với hồ điều tiết chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu… nên chấp thuận sẽ triển khai dự án nhưng phải đợi sự chấp thuận của UBND thành phố. Nếu được chấp thuận, dự án có thể thực hiện trong giai đoạn 2020”, ông Khanh cho biết.
Đối với dự án Làng nghề cá cảnh - hoa lan - cây cảnh tại huyện Củ Chi, ông Hồ Văn Thành Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, cho biết sau khi được huyện chấp thuận thực hiện dự án, HTX Hà Quang thay vì xây dựng các hạng mục như đã đề xuất thì lại tiến hành xây biệt thự dưới hình thức kêu gọi các nhà đầu tư làm hợp đồng góp vốn với số tiền 400 - 600 triệu đồng. Khi đóng số tiền này thì người dân sẽ trở thành xã viên của dự án phát triển làng nghề biệt thự cây cá cảnh tại huyện Củ Chi.
Mỗi xã viên sẽ được sở hữu một ngôi nhà (diện tích xây dựng 150 - 250 m2) trong khuôn viên đất 1.000m2 (diện tích 25m x 40m) mà phần lớn để trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh... đã có hàng trăm người dân góp vốn cho chủ dự án dù chưa biết dự án có hợp pháp hay không.
Một lãnh đạo xã Trung An cho biết, sau khi phát hiện nhiều sai phạm, UBND thành phố đã giao cho UBND huyện Củ Chi thực hiện ngưng dự án để khắc phục sai phạm. Tuy nhiên tới nay dự án vẫn chưa có chỉ đạo mới để phát triển từ lãnh đạo huyện, còn khu đất của dự án thì vì chưa có chỉ đạo của cấp trên nên đành "để đó".
Trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Bí thư huyện ủy huyện Củ Chi về dự án này, ông Tấn cho biết ông không nắm được thông tin và hướng sắp tới đối với dự án.