Thông tin này được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) lần thứ 15 mở rộng.
Tại hội nghị, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, trong 6 tháng cuối năm 2022, TP.HCM sẽ tiếp tục đeo bám dự thảo xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); hoàn thiện kế hoạch sử dụng vốn, đất giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với 118 dự án bất động sản trên địa bàn; lập tổ tổ công tác để giải quyết có hiệu quả 647 việc còn vướng mắc tại địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung thực hiện kế hoạch khép kín Vành đai 2, khởi công thực hiện Vành đai 3, bàn bạc trình Quốc hội về dự án Vành đai 4. Thành phố cũng phấn đấu cuối năm chạy thử nghiệm tuyến metro số 1 và năm sau sẽ chạy thương mại; phát triển chương trình nhà ở xã hội...
Ngoài ra, thành phố còn lập tổ công tác để giải quyết có hiệu quả 647 việc còn vướng mắc tại các địa phương, đơn vị...
Liên quan đến gỡ vướng cho các dự án bất động sản, ngày 16/5, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi 8 Sở về việc báo cáo tổng hợp kiến nghị (bổ sung) của 29 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc tại 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư. Động thái của UBND TP.HCM được đưa ra sau khi nhận được báo cáo của Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổng hợp kiến nghị (bổ sung) của 29 doanh nghiệp bất động sản.
Trong văn bản khẩn gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp tại công văn của HoREA.
Các Sở, ngành còn được giao nhiệm vụ kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo xin ý kiến UBND TP.HCM để xem xét, quyết định. Kết quả thực hiện phải báo cáo cho UBND TP.HCM trong 15 ngày làm việc.
Trước đó, HoREA đã có văn bản 25/2022/CV- HoREA ngày 29/4/2022 gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng về việc báo cáo (bổ sung) các kiến nghị của 29 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư”.
Các vướng mắc tại 38 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM vừa được HoREA gửi tới UBND TP.HCM tập trung vào những lĩnh vực giải phóng mặt bằng, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, miễn tiền sử dụng đất, dự án vướng sai phạm trong đầu tư xây dựng nên chưa hoàn tất thủ tục giao đất, các sở ngành chậm xác định giá bán nhà ở xã hội nên chưa cấp được sổ cho người mua nhà, dự án chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất… Theo HoREA, hầu hết vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được thành phố gỡ vướng.
Cũng liên quan đến dự án vướng mắc pháp lý, vào ngày 15/3/2022, HoREA đã có văn bản 14/2022/CV-HoREA gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội.
HoREA cho biết, năm 2021, TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư cho 20 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện vẫn còn nhiều dự án nhà ở thương mại chưa được công nhận chủ đầu tư.
Từ năm 2021 đến nay, Thường trực UBND TP.HCM đã họp “tổ đầu tư” hàng tuần cùng với Lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức để xem xét, giải quyết các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trước hết là bất cập của một số quy định pháp luật nên đến nay vẫn còn nhiều dự án chưa được tháo gỡ.