Aa

TP.HCM: Thu hồi hơn 10.000m2 "đất vàng" quận 10 của Giày Sài Gòn

Thứ Tư, 22/05/2019 - 02:30

UBND TP.HCM đã thống nhất thu hồi hơn 10.000m2 "đất vàng" của Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (GSG) tại địa chỉ số 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10 để xây trường học.

Đây là thông tin mới nhất vừa được đưa ra tại buổi họp Thường trực UBND thành phố về điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường 2,3,4,9,10,11 tại khu đất số 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10. Cuộc họp do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì.

Thu hồi hơn 10.000m2 “ đất vàng’’ để xây trường học ở quận 10

Khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10 có vị trí đắc địa

Bên ngoài khu đất 419 Lê Hồng Phong

Theo UBND thành phố, hiện quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận 10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là quỹ đất dành cho trường THCS còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho các học sinh trên địa bàn trong thời gian tới.

Trong khi đó, khu "đất vàng" số 419 Lê Hồng Phong được Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (GSG) thuê của nhà nước năm 2000, diện tích khoảng 13.000m2. Đến năm 2007, UBND TP chấp thuận cho công ty này tiếp tục sử dụng gần 11.000m2 và đến hết năm 2020 là hết thời hạn thuê đất. Thường trực UBND thành phố đã thống nhất chủ trương sau khi khu đất nêu trên hết hợp đồng cho thuê, sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ cho UBND quận 10 để đầu tư xây dựng trường THCS đạt chuẩn theo quy định (bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước)

UBND thành phố giao UBND quận 10 mời, làm việc với đơn vị thuê sử dụng khu đất nêu trên, để thông báo cho đơn vị biết chủ trương. Đồng thời phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại khu đất nêu trên, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định, để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường học.

s

Khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10 có vị trí đắc địa

Cố tình sử dụng sai mục đích

Công ty Giày Sài Gòn có tên khởi thủy có tên gọi nhà máy Societe Bata S.A Strasbourg được người Pháp xây dựng vào những năm cuối thập niên 1940 tọa lạc tại số 419 Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10, TP.HCM). Sau năm 1975, Công ty này được giao cho Bộ Công Nghiệp (sau này là Bộ Công thương) quản lý.

Năm 2004, Giày Sài Gòn được cổ phần hóa và đến năm 2015, nhà nước đã thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty này. Sau khi thoái vốn, Giày Sài Gòn được Nhà nước cho thuê lại khu đất rộng hơn 10.000m2 tại địa chỉ trên với mục đích làm văn phòng, nhà xưởng để sản xuất với giá chỉ 100.000 đồng/m2/năm. Giá này đã không thay đổi từ đó đến nay.

s

Hiện tại Công ty Thành Bưởi đang sử dụng khu đất trên để làm kho bãi

Sau khi được nhà nước cho thuê đất, Giày Sài Gòn không sử dụng để sản xuất kinh doanh mà lại cho Công ty Thành Bưởi “hợp tác kinh doanh” (thực chất là cho thuê) bằng cách “góp” khoảng 6.300m2 đất nhà xưởng, văn phòng… vào hoạt động của công ty này. Và cho Công ty CP Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam thuê làm kho chứa hàng. Hợp đồng với Công ty CP Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam chỉ kéo dài tới cuối năm 2015, còn Thành Bưởi đến cuối năm 2020.

Sau nhiều lần phát hiện vi phạm, tháng 6/2017, Thanh tra Sở TN&MT đã quyết định xử phạt Công ty Giày Sài Gòn hơn 720 triệu đồng về hành vi tự ý cho đơn vị khác thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê trả tiền đất hằng năm.

Cũng năm này, UBND thành phố đã chỉ đạo Giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng 419 Lê Hồng Phong và phải sử dụng khu đất này đúng mục đích.

Bất chấp chỉ đạo của UBND TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, ở khu đất nêu trên, ai cũng dễ dàng nhìn thấy toàn bộ khu vực phía trước hiện vẫn cho Công ty Thành Bưởi thuê làm kho chứa hàng, văn phòng và điểm giao dịch, hoạt động tấp nập. Hàng hóa tại đây được nhà xe này phân loại, tập kết tại nhiều vị trí, đồng thời tổ chức thêm điểm giữ xe qua đêm cho khách nếu có nhu cầu. Phía trong khu đất, hoạt động của một số đơn vị đang thuê cũng diễn ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top