UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành-Tham Lương).
Năm 2024: Hoàn thành dự án
Cụ thể, theo UBND TP, tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2010 là hơn 1,3 tỉ USD USD, nay TP trình xin điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 2,1 tỉ USD (sau khi đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành trung ương và thẩm tra bởi đơn vị tư vấn độc lập).
Về thời gian thực hiện, TP cho biết thời gian hoàn thành dự án trước đây dự kiến là năm 2018 (theo dự án đầu tư được duyệt ban đầu) và đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn đến năm 2020 để làm cơ sở gia hạn các hiệp định vay đã ký theo ý kiến của các nhà tài trợ. Tuy nhiên, nay TP trình điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến năm 2024 để đảm bảo đủ thời gian hoàn thành dự án theo yêu cầu của thực tế công việc đang triển khai. Thời gian này đã được thảo luận và thống nhất với các nhà tài trợ của dự án.
Ngoài ra, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương giao UBND TP tiếp tục là cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định tại Nghị định 131/2015.
TP cũng nhấn mạnh đến nay các thủ tục cần thiết đã được hoàn tất theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, đủ điều kiện để TP có công văn báo cáo Thủ tướng để xem xét duyệt chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án.
Lý do tăng tổng vốn đầu tư
Về lý do tăng tổng vốn đầu tư, UBND TP.HCM cho hay thiết kế cơ sở đã được phê duyệt của dự án do đơn vị tư vấn trong nước là Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải (TRICC-JSC) thực hiện vào năm 2010. Trong quá trình triển khai dự án sau khi được phê duyệt, năm 2012, chủ đầu tư đã tuyển chọn tư vấn quốc tế là liên danh tư vấn IC (đứng đầu là tư vấn Đức) thực hiện bước thiết kế tiếp theo (thiết kế FEED) với mục đích rà soát và triển khai thiết kế chi tiết hơn so với thiết kế cơ sở. Thiết kế FEED này sẽ là cơ sở để tổ chức lựa chọn các nhà thầu thi công và cung cấp thiết bị của dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, tư vấn quốc tế phát hiện nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở (tương tự quá trình thiết kế của tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành-Suối Tiên trước đây).
Theo UBND TP.HCM, do việc lập lại thiết kế cơ sở… nên thời gian hoàn thành dự án cũng được tính toán lại tương ứng như sau: Năm 2017-2018: Tổ chức đấu thầu song song điều chỉnh dự án. Năm 2019: Khảo sát và thiết kế kỹ thuật. Năm 2020-2023: Tổ chức thi công. Năm 2024: Kiểm tra hoàn thành, vận hành chạy thử và khai thác.
Một số nội dung cần điều chỉnh như điều chỉnh mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm (tăng kích thước chiều dài nhà ga, tăng độ dày kết cấu...). Điều chỉnh kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao (sử dụng kết cấu dầm U thay vì kết cấu dầm Super T, tăng chiều dài nhịp...). Bổ sung kết cấu nhà ga ngầm kết nối với các dự án đường sắt đô thị khác. Bổ sung phần kết cấu kết nối với dự án giao thông đô thị bền vững do Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT) làm chủ đầu tư. Cạnh đó, TP cũng phải cập nhật lại đơn giá, định mức áp dụng cho một số hạng mục xây lắp. Ngoài ra, nguồn tham khảo đơn giá thiết bị cũng được cập nhật cho phù hợp, đơn giá nhân công cũng tăng so với thời điểm duyệt dự án năm 2010.
Đặc biệt, TP nhấn mạnh TP cũng dự phòng trượt giá tới năm 2024 (do thời gian thực tế triển khai dự án dự kiến đến năm 2024 mới hoàn thành), thay vì trước đây trong dự án được duyệt năm 2010 chỉ tính dự phòng đến năm 2016. Việc thay đổi tỉ giá lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn giữa các nhà tài trợ ảnh hưởng đến việc tính toán lãi vay trong thời gian xây dựng. Việc này TP chỉ rõ tỉ lệ dự phòng trượt giá áp dụng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1,27%/năm cho phần ngoại tệ và 4,22%/năm cho phần nội tệ được tính toán theo chuỗi số liệu cập nhật tại thời điểm hiện nay (năm 2017)…
Nguồn vốn thực hiện là vốn vay ODA từ các nhà tài trợ Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành-Tham Lương) thuộc công trình đường sắt đô thị, cấp đặc biệt, chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Dự kiến tuyến này đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú, Tân Bình với tuyến đường sắt đi ngầm dài khoảng 9,2 km, tuyến đường sắt đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km. Công trình bao gồm chín ga ngầm, một ga trên cao và một depot. Nguồn vốn thực hiện là vốn vay ODA từ các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM. |