Số tiền này là vốn ODA chưa giải ngân từ ngân sách Trung ương trong năm 2019 cho TP.HCM. Động thái này theo chính quyền thành phố nhằm bảo đảm tiến độ dự án và tránh các khiếu kiện từ phía nhà thầu thi công.
Dự án tuyến metro Số 1 (dài gần 20km) được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng, đến năm 2010 được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh thiết kế cộng với sự thay đổi tỷ giá đồng yen Nhật, nâng tổng mức đầu tư lên 47.000 tỷ đồng. Hiện dự án này đạt khoảng 66% khối lượng.
Từ năm 2017 tới nay, thành phố đã tạm ứng 3 lần cho dự án metro Số 1 với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng để trả cho các nhà thầu nhưng chưa được hoàn lại vì còn một số thủ tục chưa xong. UBND TP.HCM đang thực hiện các thủ tục pháp lý để điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nên chưa đủ điều kiện được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương.
Theo dự kiến, dự án hoàn thành năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, do chậm giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp các tuyến metro Số: 1, 2, 3a, 4 nên thời gian lùi tới năm 2020. Mới đây, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM lại điều chỉnh thời gian đưa công trình vào khai thác là quý 4/2021.
Ngoài ra, theo UBND thành phố nhu cầu vốn vay từ nguồn của Chính phủ cho các dự án trên địa bàn trong năm nay là hơn 13.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự toán hạn mức vay được giao chỉ hơn 5.490 tỷ đồng cho phần vốn ODA vay lại.
Vì vậy, thành phố kiến nghị Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội chấp thuận quyết định tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm trên cơ sở nhu cầu và khả năng của thành phố, đảm bảo tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.