Về nhà sau chuyến đi Mỹ đầu tiên, một người quen, khi đó có chức vụ khá cao, hỏi tôi: "Cậu thấy điều gì gây ấn tượng nhất ở Mỹ?". Tôi trả lời: "Mua trả chậm!".
Đó đúng là điều tác động rất mạnh tới tôi, không chỉ về khía cạnh kinh tế đơn thuần.
Ở Mỹ, tôi đã gặp nhiều người, trong đó có cả những người trẻ, mới đi làm chưa lâu. Tất cả họ đều có nhà cửa, phương tiện đi lại, đồ dùng tốt. Lúc đầu, tôi nghĩ đơn giản vì nước Mỹ giàu, họ đi làm có lương cao. Hoặc cha mẹ nhiều tiền của cho con cái. Cả hai điều đó, sau khi tìm hiểu, tôi thấy đều chưa phải là nguyên nhân những người Mỹ sớm có nhà cửa, đồ dùng đầy đủ khi mới vào đời. Tiền lương của họ không cao đến mức đó. Và họ cũng không mua nhà hay ô tô bằng tiền cha mẹ cho.
Một người Mỹ mà chúng tôi tình cờ quen. Một người khá trẻ, không may mắn trong nhiều chuyện, không có học vấn tốt, nên về nghề nghiệp cũng khó khăn. Anh ta không kiếm được việc làm thời gian dài. Sau đó, nhờ có một khả năng là chơi đàn dương cầm, nên một nhà thờ thuê đệm đàn cho dàn đồng ca. Tôi nhớ là lương tháng được dưới 1500 USD mỗi tháng, không nhiều để sống ở Mỹ. Tôi ngạc nhiên khi anh ta có nhà biệt thự, dù không lớn so với những nhà khác, nhưng cũng có vạt cỏ sân, có tầng hầm, đồ dùng đầy đủ.
Một người khác, vừa học xong, đi làm ở ngân hàng, có thu nhập gấp đôi anh này, dù mới đi làm một năm, tôi thấy anh ta đã có nhà mới, xe mới. Tôi thấy các đôi vợ chồng trẻ ở Mỹ, sống như là những người đã thành đạt, khá giả.
Họ cho biết, thực ra tất cả những tài sản đó đều là mua trả chậm. Cho nên họ đang là chủ, mà cũng chưa phải là chủ của tài sản đó. Nhưng điều quan trọng là họ rõ ràng đang sống với đầy đủ các điều kiện giống như người đã thành đạt, cho dù mới bước vào đời làm việc.
Ở Mỹ, như tôi thấy qua các trường hợp trên, mua nhà có thể trả chậm tới 30 năm. Ô tô hay các thứ đồ dùng có giá trị cao cũng trả chậm. Ít khi người ta trả tiền hết một lần khi mua chúng (dĩ nhiên, trừ khi có đủ tiền). Trả chậm thì phải chịu lãi, đương nhiên rồi. Nhưng thật tốt khi anh đến nơi làm việc không thua kém ai, và khi làm việc xong anh có thể về nhà, mời đồng nghiệp đến nhà, cũng không thua kém người đã đi làm nhiều năm, có tích luỹ.
Vì không phải khổ sở lo tích luỹ để có nơi ở, xe đi, đồ dùng cơ bản… nên người Mỹ trẻ không thấy bị mặc cảm với đồng nghiệp, toàn tâm toàn ý để khởi nghiệp.
Chính vì anh ta đang được ở nhà đẹp, đi xe đẹp, nhưng nếu anh không làm việc tốt, không có thu nhập ổn định, thì nhà và xe của anh sẽ bị thu hồi. Bởi thế, anh ta sẽ nỗ lực để chứng minh năng lực của mình, tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập, thăng tiến.
Điều này thật khác với mô hình sống của đa số những người Việt nhiều thế hệ. Thực tế chúng ta sống thế nào? Không nói thời chiến tranh, mà nói điều kiện bình thường như hiện nay, thì đa số người Việt trẻ bắt đầu lập nghiệp rất chật vật, nếu không có bố mẹ khá giả. Phải kiếm việc và lo tích luỹ cho nhà cửa, đồ dùng. Từng nấc một tích luỹ để từ chỗ ở nhà bố mẹ, hay ở nhà thuê, không có tiện nghi, đến lúc dần dà mua được cái giường tốt, chiếc tivi, xe máy tốt… Rồi nếu kiếm được tiền, sẽ mua được nhà. Quá trình tích luỹ và mua sắm có thể kéo dài đến cuối đời làm việc. Bạn thử nghĩ xem: Đa số người Việt ổn định về nhà cửa, đồ dùng lúc nào? May ra thì ở tuổi trung niên, nhưng đa số là khi đã nhiều tuổi. Nhiều người có nhà tốt khi sắp hết tuổi đi làm. Kết thúc cuộc đời phấn đấu, lao động, thì mới ổn về chỗ ở và tiện nghi. Không ít người có nhà đẹp, xe đẹp khi đã không còn quá thích thú chuyện nhà cửa và xe cộ nữa, vì đã bước vào mùa đông của đời mình..
Chúng ta cần chỗ ở, cần phương tiện nhất khi nào? Chính là khi chúng ta còn trẻ. Nhưng lúc đó thì không có tiền…
Và cuộc vật lộn để có tiền, mua nhà, mua xe… sẽ song hành với cuộc sống lao động của mỗi người. Người trẻ hiểu rằng nghề anh ta chọn, chỗ anh ta làm không hợp với sở trường, không có hứa hẹn nhiều cho phát huy năng lực. Nhưng anh ta sẽ chấp nhận nếu như thu nhập tốt hơn một chút. Vì áp lực của anh ta lúc này là tiền để thuê chỗ ở, để mua xe máy, để mua đồ dùng… Những khát vọng, ước mơ, chí hướng có thể bị hy sinh cho những nhu cầu quá gay gắt khi mới lập nghiệp.
Quay lại mô hình của người Mỹ trẻ. Với cơ chế trả chậm, họ có những cái cần thiết ngay khi họ chưa có tiền. Họ lấy vợ sinh con trong ngôi nhà tử tế. Họ đi làm ngay tháng đầu với xe ô tô mới. Khi đó thu nhập họ cũng chưa cao gì. Và cái họ có chưa phải là tài sản của họ. Nhưng khách quan là họ được giải phóng khỏi sự chật vật ban đầu. Và dồn tâm lực để phát huy khả năng. Cũng còn vì để khỏi bị lấy lại những thứ họ đang tạm được sử dụng. Cơ chế trả chậm vì thế vừa cho họ khởi đầu thanh thoát, cũng vừa thúc ép. Hai yếu tố đó khiến họ dốc sức vào lao động, và vì thế thời gian mà xã hội có thể "khai thác" trí lực của họ nhiều hơn. Hay là nếu muốn, thì cứ nói là người ta cho trả chậm cũng là để "bóc lột" anh nhiều hơn. Nói thế cũng được.
Cơ chế trả chậm, tất nhiên không phải chỉ phổ biến ở Mỹ. Ngay ở những nước gần chúng ta, nó cũng phổ biến. Tại Malaysia, khi tôi đi công tác ở đó, vị đại sứ Việt Nam nói với tôi: "Dân ở đây quen mua trả chậm đến mức họ hầu như không có thói quen trả tiền hết ngay, kể cả khi mua một đồ dùng giá trị vừa phải, kể cả khi trong túi họ có tiền. Họ có đủ tiền mua một chiếc tivi. Nhưng họ sẽ mua trả chậm. Và thay vì chỉ mua được một cái tivi, họ sẽ mua được cả tivi, cả tủ lạnh, cả đồ dùng khác. Rồi họ sẽ chỉ chú tâm kiếm tiền để sớm trả hết".
Tất nhiên, chúng ta đều hiểu cơ chế trả chậm không phải muốn là có được. Nó đòi hỏi một mức phát triển tương ứng của nền kinh tế, sự ổn định của sản xuất kinh doanh, sự tiến triển của thu nhập, và môi trường pháp luật chắc chắn. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, không phải bán hay mua trả chậm chỉ là do muốn "kích cầu" hay là do dư thừa hàng hoá. Xét về mặt lợi ích xã hội, mua bán trả chậm là cách tối ưu hoá việc khai thác năng lực lao động của người dân, nhất là người lao động trẻ.
Hy vọng rằng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ở Việt Nam, việc mua bán trả chậm sẽ phổ biến. Để chấm dứt mô hình cặm cụi mãi đến cuối đời mới có chỗ ở, có phương tiện. Mà có mô hình sống khác là, nếu ai là người có khả năng lao động thật sự, thì phương tiện sống được giao cho người đó ngay từ đầu, để người đó có chất lượng sống tốt ngay từ khi bắt đầu đời lao động, và như vậy là sẽ có thể chú tâm lao động với chất lượng cao hơn.
Nó không chỉ là vấn đề kinh tế. Về bản chất, đó là vấn đề xã hội, vấn đề phát huy khả năng của con người.