Aa

Đi một ngày đàng

Thứ Năm, 18/10/2018 - 10:05

Và tôi muốn khóc. Vì sự thiếu hụt của tôi so với Michky và P.G về tư duy độc lập. Và vì chiều sâu nghị lực của đồng bào tôi, cái chiều sâu của tư duy tự lập đẫm mồ hôi và tình yêu thương. Những người ruột thịt của tôi mà tôi chưa bao giờ hiểu hết. Giá như Michky và P.G gặp người phụ nữ lam lũ ấy. Không phải là chúng tôi. Mà cô ấy mới khiến họ không thể nào quên.

Nắng như thiêu. Không phải mình đi mà chân tự đạp. Đèo Nhông. Cuối cùng cũng vào được một quán ăn.

Ăn xong, tra google map. Thấy phải đi ngược lại để rẽ vào đường ra biển đến Quy Nhơn. Nếu chưa ăn thì thấy đã gò mình lên đỉnh đèo vô ích. Nhưng giờ khoẻ rồi. Quay lại cuối dốc. Có một quán võng mà lúc trước thở dốc đạp qua. Nằm ngủ tránh nắng rồi đi tiếp.

Cả bọn gặp một cô Tây đang dừng xe đạp ở đó. Cô Tây hỏi đường. Bạn cô ấy đi xe máy, đã ở cách đó xa hơn 40 km. Nói với cô ấy rằng, chúng tôi sẽ rẽ đi đường biển. Thế là cô ấy nói cũng muốn đi theo. Nhưng cũng phải nói là còn 70km nữa mới đến Quy Nhơn và đường biển nhiều dốc. Cô ấy bảo mỗi ngày chỉ đi 60km. Từ 3 giờ chiều là tìm chỗ nghỉ. Lúc đó đã gần 2 giờ chiều. Nhưng nói đến đi dọc biển, Michky (tên đầy đủ là Michaela Hartwell – có lẽ cũng có thể tìm trên FB) bảo, vậy cũng sẽ đi ven biển. Cô ấy đi trước vì không sợ nắng. Chúng tôi xuất phát sau, đi được độ 20km, lại tình cờ thấy cô ấy trước mặt.

Michky người xứ Wales (Anh). Cô ấy đi xuyên Việt sau khi bị chấn thương cột sống và một cú sốc riêng tư. Cô ấy nói đi để trở lại là mình. Cách đi của cô ấy là nếu gặp chỗ nào khiến cô có cảm giác thanh thoát thì ở lại. Cô ấy đã ở lại Phong Nha, Kẻ Bàng cả tuần. Rồi đi tiếp.

Tôi không thạo tiếng Anh, nhưng một người bạn đi cùng nói chuyện với Michky, rồi kể lại rằng, cô ấy có những người bạn Việt, vì đã ở Hà Nội một thời gian. Michky nói những người bạn Việt rất quan tâm đến cô. Nhưng dường như cách họ lo cho cô không đúng. Tại sao họ cứ nghĩ cô ấy phải thuê nhà ở Hà Nội là khổ. Mà cô ấy lại thấy thêm một ký ức. Tại sao các bạn ấy nghĩ cô ấy đạp xe đi là vất vả, mà không nghĩ là cô ấy đang được đi?

Đoạn đường đi Quy Nhơn, chúng tôi liên tục gặp mưa. Có những lúc ướt đẫm. Có lúc nhào vội vào mái che bên đường. Đến Quy Nhơn thì đã 8g30 tối. Michky cám ơn chúng tôi đã cho cô ấy cơ hội cùng đi đường biển thật trong lành. Rồi chúc nhau mọi điều tốt đẹp.

Qua Quy Nhơn, chúng tôi đạp xe đến Tuy Hoà. Cách Tuy Hoà 10km, chúng tôi dừng lại uống nước ở quán ven đường. Một ông Tây cao nghều, mặt đỏ như gấc đạp xe vượt qua, giơ tay chào (dân đạp xe xuyên Việt, Tây hay ta đều có cách biểu lộ với nhau như thế). Vào thành phố, đang đi tìm chỗ ngủ, lại gặp ông Tây nọ. Ông ấy hỏi có cách gì để tìm chỗ ngủ không đắt tiền. Chúng tôi nói vậy hãy đi cùng. Vào nhà khách cũ tôi đã từng qua, lễ tân nói người nước ngoài giá thuê phòng đắt hơn. Tôi nói, ông này chung phòng với tôi. Vậy là ông Tây (vẫn ngủ phòng riêng, vì đó là tôi nói dối để tiết kiệm cho ông ấy, và vì tôi nghĩ cái chế độ hai giá ấy không đúng), sáng hôm sau trả tiền rẻ hơn khoảng gần 200 ngàn.

Ông Tây này 66 tuổi, người Hà Lan. Đã đi qua châu Âu, đi về châu Á, qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, rồi miền Trung Á thuộc Liên Xô cũ, qua Pakistan. Qua Trung Quốc, nơi ông ta vượt đèo nào đó dài 38 km và cao 3000 mét (gấp 6 lần đèo Hải Vân). Tên ông tắt là P.G. Ông ấy nói đã qua một nước lớn và không muốn quay lại lần sau. Vì nhiều Polisman quá, và họ khoát tay bắt ông đi qua khi ông ấy muốn dừng lại ngắm cảnh. Nhưng Việt Nam thì ông ấy rất thích. Vì dọc đường, những người dân, trẻ con và người lớn, luôn vẫy tay chào và nói "Hello". P.G nói dân tộc Việt là dân tộc 'Fighting và smiling». Chúng tôi rời Tuy Hoà sáng hôm sau. Tôi đạp sau và thấy ông P.G luôn rướn cẳng cố đạp, nhưng tôi biết, lúc nào muốn tôi cũng có thể đạp vượt. Ông ấy có đến gần chục túi đồ. Sau tôi mới biết ông chở nặng 50 kg. Nhưng cái chính là từ Hà Nội (ông ấy vào đất Việt từ 22/9), xe đạp của ông ấy đứt dây chỉnh đĩa. Vậy có nghĩa ông ấy đạp xe với một cỡ đĩa nhỏ, chỉ dành cho vượt đèo. Ông này không quan tâm nhiều xe cộ, nên xe đi rung kêu loạch soạch, rất tốn sức. Tôi ước khi bằng tuổi ông, tôi vẫn có thể không quan tâm chuyện tốn sức như thế.

Chúng tôi cùng nhau đến Vũng Rô. Mời ông ấy vào nơi tưởng niệm các thuỷ thủ tàu không số. Rồi đi thuyền ra giữa vịnh ăn trưa. Ông P.G háo hức ăn gỏi hàu, cá mú. Và nói rằng ba tháng nay mới được ăn ngon như thế. Nằm võng giữa vịnh ngủ. Rồi chúng tôi vào bờ, lại đi. Vượt lên đỉnh đèo Cả của quốc lộ 1. Khi đó trải ra tầm mắt biển khơi Vũng Rô. Ông P.G hét lên và làm dấu rợn tóc gáy. Sau, ông ấy giải thích là rợn tóc vì thấy cảnh đẹp quá. "Việt Nam là đất nước đẹp ghê hồn" - ông ấy nói.

Tại Ninh Hoà (thị trấn gần Nha Trang), chúng tôi nghỉ đêm, tìm chỗ ăn nơi chợ khi đã muộn. Ăn gì ông ấy cũng kêu lên là ngon quá. Ông ấy đứng dậy cám ơn khi chúng tôi nói sẽ cùng nhau đi tiếp. Sáng hôm sau, chúng tôi đi về Nha Trang. Xe hỏng nên chúng tôi dừng lại sửa. P.G nói đi trước mua nước uống. Nhưng có thể ông ấy đi sai đường, theo quốc lộ 1. Chúng tôi lại rẽ vào đường ven biển mà vẫn nghĩ là ngã ba ấy P.G cũng rẽ. Thế là lạc nhau.

Dọc đường qua Nha Trang, tôi băn khoăn là vắng chúng tôi, P.G đơn độc. Rồi lại nhớ, P.G kể đã đi cùng người bạn Germany ven đường. Anh bạn Đức gặp chỗ ưng dừng lại. P.G đi tiếp. Hẹn gặp ở Angcovat. Và tôi hiểu có lẽ cách tư duy của tôi và P.G khác nhau. Có thể P.G khi lạc chúng tôi không vướng bận thế. Vì với tôi sẽ cô đơn khi vắng bạn. Với P.G, gặp bạn là ân sủng. Không có bạn thì nhớ về bạn và tiếp tục một mình thanh thản. Có lẽ cái thiếu hụt của tôi là một thói quen độc lập. Điều mà người phương Tây đã thành nếp sống có thể vài trăm năm.

Trên đường từ Nha Trang đi Cam Ranh, qua khu Diamond resort, nơi hình như từng là chỗ tổ chức cuộc thi Hoa hậu toàn cầu, nắng khiến kiệt sức, tôi phanh xe dọc đường. Sau khi lại sức, tôi thấy bên cạnh có một phụ nữ gầy đen ngồi với chiếc xe đạp cũ, đồ đồng nát trên xe, bên cạnh còn một bao to tướng. Tôi băn khoăn hỏi làm sao chở cái bao này. Cô ấy nói cháu có dây. Tôi nhấc bao bì ấy lên và yên lòng vì nó nhẹ bỗng, do toàn là vỏ lon. Người phụ nữ xác xơ lam lũ ấy từ sáng sớm đạp xe qua Nha Trang để nhặt những đồ ấy. Để nuôi con. Cô ấy nói nhà cô ở chỗ cồn cát cách đó không xa. Nhưng cô phải nghỉ mới đi tiếp được. Lúc đó đã quá trưa. Tôi nghĩ cô ấy sẽ không bỏ ra 10 ngàn để vào quán ăn, mà sẽ đạp về nhà. Tôi thẹn thùng đưa cho cô ấy ít tiền, nói là quà cho cháu. Cô ấy chỉ nói khẽ: "Cám ơn chú", mắt nhìn ra phía khác. Tôi đã muốn, nhưng không thể vô tâm hướng điện thoại vào cô ấy để bấm ảnh.

Và tôi muốn khóc. Vì sự thiếu hụt của tôi so với Michky và P.G về tư duy độc lập. Và vì chiều sâu nghị lực của đồng bào tôi, cái chiều sâu của tư duy tự lập đẫm mồ hôi và tình yêu thương. Những người ruột thịt của tôi mà tôi chưa bao giờ hiểu hết. Giá như Michky và P.G gặp người phụ nữ lam lũ ấy. Không phải là chúng tôi. Mà cô ấy mới khiến họ không thể nào quên.

Và tôi mong đến cháy lòng. Rằng đến lúc nào đó, đứa con của người phụ nữ gầy đen kia có thể đạp xe, qua châu Á, sang châu Âu. Chỉ để trải nghiệm, chỉ để sống chậm. Để bù lại cho cuộc đời người mẹ đã phải đốt thật nhanh để có miếng cơm manh áo cho con.

Tôi không thể hướng điện thoại vào cô ấy để bấm ảnh...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top