Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Cần hiểu đúng để làm cho chuẩn

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Cần hiểu đúng để làm cho chuẩn

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 08/07/2023 - 06:12

Theo TS. Võ Trí Thành, việc hiểu đúng bản chất trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Có hiểu đúng mới làm chuẩn và đạt kết quả tốt. Một khi hiểu sai hay hiểu chưa tới, doanh nghiệp không những không phụng sự được xã hội, đất nước mà bản thân doanh nghiệp cũng khó phát triển bền vững. 

******

LTS: Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng - trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Một doanh nghiệp thực hiện các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những gia đình nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa, trong khi nhân công của họ đang phải làm việc quá sức ở môi trường không đảm bảo, không được trang bị đầy đủ về bảo hộ an toàn lao động… có được xem là doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội?

Hay một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhằm gia tăng lợi nhuận đã mua và sử dụng các nguyên liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng nhưng rồi lại dùng một phần lợi nhuận đóng góp vào các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng… thì liệu tính trách nhiệm đối với xã hội đã cao?

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social responsibility - CSR) không còn là một khái niệm mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động về CSR tại một số doanh nghiệp dường như vẫn đơn thuần là các khoản đóng góp từ thiện, chia sẻ cộng đồng hoặc là công tác xã hội tự nguyện của doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ cách hiểu về CSR của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, mặc định trách nhiệm xã hội là các hoạt động từ thiện.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn), TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã thẳng thắn chỉ ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chỉ giới hạn quanh việc thực hiện các công tác từ thiện là chưa đủ. Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp chỉ là một phần trong trách nhiệm mà doanh nghiệp nên thể hiện với xã hội. Vì vậy, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hiểu đúng và đủ bản chất trách nhiệm xã hội.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là từ thiện

PV: Ngày xưa, khi nền kinh tế còn manh mún, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu đơn giản là các hoạt động từ thiện. Đến khi trình độ xã hội phát triển cao hơn, bước vào nền kinh tế thị trường thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Ở thời đại trình độ phát triển kinh tế còn thấp, nhiều người còn nghèo, mục tiêu khi đó chỉ là “ăn no mặc ấm” thì điều quan trọng là con người phải biết đùm bọc, “nhường cơm sẻ áo” cho nhau. Chính vì vậy mà trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lúc đó thường gói gọn trong các hoạt động từ thiện. Bởi hoạt động từ thiện là cách nhanh nhất để doanh nghiệp thể hiện sự hỗ trợ của mình đối với xã hội. Mặt khác, đây cũng là cách thiết thực để công ty chứng tỏ rằng, mình là một doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao.

trách nhiệm xã hội
Cần hiểu đúng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để thực hiện tốt. (Ảnh: CSR)

Khi bước vào thời hiện đại, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với quy mô rộng lớn, mục tiêu của con người đã chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”, thì ngoài những đóng góp trực tiếp như hoạt động từ thiện, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn thể hiện qua những đóng góp về mặt kinh tế, pháp lý, đạo đức.

Đó là đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; là chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật; tạo môi trường làm việc công bằng, bình đẳng; là coi trọng yếu tố con người, yếu tố nhân quyền; tạo ra những sản phẩm mang nhiều giá trị cho xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước…

Có thể nói, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là từ thiện. Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp chỉ là một phần trong trách nhiệm mà doanh nghiệp nên thể hiện với xã hội.

Từ năm 1991, “Kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Pyramid of Corporate Social Responsibility) của Giáo sư Archie B. Carroll, Đại học Georgia cũng đã khẳng định điều này.

Theo “Kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” của GS. Carroll, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội phải đảm bảo bốn cấp độ bao gồm: Kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện.

Trong đó, cấp độ đầu tiên là trách nhiệm kinh tế. Trách nhiệm này được hiểu là doanh nghiệp làm ăn phải mang về lợi nhuận nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Có như vậy, công ty mới có thể đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên, trả lương đầy đủ cho nhân viên và ngoài ra là đóng thuế cho Nhà nước.

Cấp độ thứ hai là trách nhiệm pháp lý, có nghĩa là doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật. Họ phải làm ăn chân chính, đúng với những gì pháp luật quy định chứ không được làm trái hay vi phạm pháp luật.

Còn trách nhiệm đạo đức là cấp độ thứ 3. Ở cấp độ này, doanh nghiệp không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn thực hiện tốt, đầy đủ các chuẩn mực, tiêu chuẩn, giá trị và kỳ vọng của xã hội. Ví dụ như coi trọng giá trị con người, bảo vệ quyền lợi của nhân viên, người tiêu dùng, các cổ đông; hướng đến yếu tố công bằng trong môi trường lao động, kinh doanh…

TS Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Ảnh: Reatimes)

Cuối cùng là trách nhiệm từ thiện, nằm ở phần đỉnh của “Kim tự tháp”. Từ thiện ở đây là sự tự nguyện được thực hiện những mong muốn của doanh nghiệp nhằm giúp đỡ xã hội và không được luật pháp yêu cầu. Các hoạt động đó có thể bao gồm việc tặng quà của công ty, đóng góp sản phẩm, dịch vụ, tình nguyện của nhân viên hay bất kỳ hình thức tự nguyện nào khác mà tổ chức muốn làm cho cộng đồng.

Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ được thể hiện thông qua những hình thức khác nhau nhưng nhìn chung, để là một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao, doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm ở cả bốn khía cạnh về kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện như quan điểm của GS. Carroll. 

PV: Như chia sẻ của ông thì dường như, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một khái niệm rất rộng lớn?

TS. Võ Trí Thành: Đúng vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một khái niệm mở, rất rộng. 

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, đã có nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ này. Theo nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là những cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, hợp tác với người lao động, gia đình, cộng đồng, địa phương và xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ sao cho vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có ích cho sự phát triển chung.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đưa ra nhận định tương tự khi định nghĩa khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, song nhấn mạnh hơn vấn đề các chính sách quản lý của doanh nghiệp, minh bạch thông tin, việc làm và quan hệ với nhân viên, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, bảo vệ người tiêu dùng, phát triển khoa học kỹ thuật, cạnh tranh lành mạnh và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế. 

Còn theo Ủy ban châu Âu “CSR là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với những tác động của họ đối với xã hội”.

Rõ ràng, mỗi người, mỗi tổ chức sẽ có những cách hiểu khác nhau về thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhưng suy cho cùng, mọi cách hiểu đều có điểm chung là bên cạnh những lợi ích phát triển riêng của từng doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành thì phải gắn kết với lợi ích phát triển chung của cộng đồng xã hội. Nó được thể hiện thông qua việc doanh nghiệp cam kết thực hiện các nội dung như đảm bảo quyền con người, đảm bảo thực hiện tốt các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, tuân thủ pháp luật của nước sở tại…

trách nhiệm xã hội
trách nhiệm xã hội

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nêu cao tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng đất nước, hỗ trợ công tác phòng chống dịch. (Ảnh: CP)

Với riêng quan điểm của tôi, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước tiên phải là hành vi, sự cam kết thực hiện các chuẩn mực đạo đức kinh doanh trong quá trình hoạt động. Một bước cao hơn chính là cam kết của doanh nghiệp để góp phần cho sự phát triển bền vững mà cụ thể là cân bằng 3 yếu tố phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Cũng cần phải nói rằng, việc hiểu đúng bản chất trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Có hiểu đúng mới làm chuẩn và đạt kết quả tốt. Một khi hiểu sai hay hiểu chưa tới, doanh nghiệp không những không phụng sự được xã hội, đất nước mà bản thân doanh nghiệp cũng khó phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Việt luôn có tinh thần yêu nước và khát vọng vươn xa

PV: Với những định nghĩa được nói trên, khi soi chiếu vào Việt Nam, ông có cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với xã hội?

TS. Võ Trí Thành: Rất khó để khẳng định, doanh nghiệp Việt đã làm tròn hay chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với xã hội. Nhưng có thể chắc chắn, chặng đường phát triển đất nước suốt những năm qua đã chứng kiến nhiều đóng góp quan trọng của các thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp Việt.

Trải qua 3 - 4 thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp kể từ năm 1986 đến nay, song ở thế hệ nào, chúng ta cũng nhìn thấy những con người, những công ty, tập đoàn rất bươn chải, nỗ lực và có nhiều khát vọng, dù họ phải đối mặt với không ít thách thức, va đập với không ít khó khăn.

Họ đã không ngừng phấn đấu để phát triển và trở thành một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp còn tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội, phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo.

Càng trong những lúc khó khăn thì tinh thần vượt khó, phụng sự xã hội của doanh nghiệp càng được thể hiện mạnh mẽ. Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nêu cao tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ công tác phòng chống dịch của cả nước.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhiều quan điểm về làm ăn, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng có những bước thay đổi. Rất nhiều công ty đã chú tâm vào nghiên cứu và phát triển các mô hình, sản phẩm đảm bảo yếu tố xanh, bền vững như đô thị xanh, đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, bất động sản chăm sóc sức khoẻ… Những thay đổi này là rất đáng trân trọng, nó thể hiện rõ nhận thức của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của xã hội, cộng đồng.

Ngoài ra, còn có một vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp Việt dù không được nhắc đến nhiều nhưng vô cùng ý nghĩa: Đó là vai trò truyền cảm hứng. Thế hệ doanh nhân đi trước truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân đi sau, doanh nghiệp lớn truyền cảm hứng cho doanh nghiệp nhỏ. Và điều này là rất quan trọng. Bởi cảm hứng là động lực góp phần quyết định các doanh nghiệp có dám nghĩ, dám làm hay không? Có dám vươn cao, vươn xa hay không?

trách nhiệm xã hội
Một bước cao hơn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp để góp phần cho sự phát triển bền vững cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. (Ảnh: Ecopark)

Tôi cho rằng, kể cả những đóng góp hữu hình hay vô hình nói trên thì đều cho thấy, doanh nghiệp Việt đang rất cố gắng thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Điều này cũng là cách để ngầm khẳng định vai trò của doanh nghiệp trên hành trình phát triển của đất nước.

PV: Một số nghiên cứu về các công ty vĩ đại trên thế giới cho thấy, ngay từ khi mới thành lập, họ đã có những giấc mơ theo đuổi một mục tiêu to lớn, phụng sự một sứ mệnh nào đó với xã hội, đất nước… Theo quan sát của ông, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển trở thành tập đoàn hùng mạnh có đặc điểm tương tự như vậy không?

TS. Võ Trí Thành: Ở Việt Nam, khi doanh nghiệp còn nhỏ thì ông chủ phải vật lộn, vất vả lo cho cơ ngơi của mình. Khi đó, những mục tiêu cao xa như phụng sự tổ quốc, dân tộc… chắc đặt ra vừa thôi. Nhưng như thế không có nghĩa là lòng yêu nước của họ ít. Khi đó, họ cứ tự nhiên làm tốt công việc kinh doanh của mình cũng đã là cống hiến cho xã hội, là thật sự yêu nước rồi.

Đến khi doanh nghiệp khá khẩm hơn, có những bước phát triển mạnh trên thị trường, mục tiêu cũng theo đó mà lớn lên, giấc mơ phụng sự một sứ mệnh nào đó đối với xã hội cũng dần được thành hình.

Vì vậy theo quan điểm của tôi, với những doanh nghiệp mới thành lập thì đầu tiên phải tập trung cho chính sự nghiệp kinh doanh của mình đã. Khi đã lớn mạnh lên rồi thì việc theo đuổi những mục tiêu to lớn hơn, đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn sẽ tự nhiên được các doanh nghiệp nghĩ đến và thực hiện.

Hơn hết, cộng đồng doanh nghiệp Việt từ trước đến nay luôn có một tinh thần yêu nước mạnh mẽ và khát vọng vươn lên không ngừng nên không có lý do gì, họ không muốn phụng sự xã hội.

Có trách nhiệm với xã hội cũng là có trách nhiệm với chính mình

PV: Nhiều quan điểm cho rằng, một doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với xã hội không chỉ có vai trò thúc đẩy sự phát triển của xã hội mà còn giúp chính doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Trong câu chuyện “trách nhiệm xã hội” thì cả xã hội và doanh nghiệp đều hưởng lợi. Ông có bình luận như thế nào về quan điểm này?

TS. Võ Trí Thành: Đúng vậy, không chỉ xã hội mà chính bản thân doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi nếu thực hiện tốt trách nhiệm của mình với cộng đồng. Nói cách khác, doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội cũng là đang thực hiện trách nhiệm với chính mình.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay xem trách nhiệm xã hội là một phần không thể thiếu đối với hình ảnh của mình. Lý do là vì khách hàng có xu hướng ưu tiên dùng các sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp có danh tiếng xã hội, có trách nhiệm xã hội.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho thấy, các thương hiệu cam kết xanh và sạch tăng trưởng nhanh hơn các thương hiệu khác. Nhiều mô hình kinh doanh xanh, bền vững cũng tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho thương hiệu đó.

Ngoài ra, khi một doanh nghiệp thể hiện hành vi đạo đức và tinh thần trách nhiệm với xã hội, nhân viên trong doanh nghiệp sẽ có động lực để hành động tương tự theo chuẩn mực hành vi (code of conduct) chung. Tinh thần cam kết và gắn bó với doanh nghiệp gia tăng, đồng nghĩa với việc tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cũng sẽ giảm đi.

Đặc biệt, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao sẽ có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bởi các nhà đầu tư thường sẵn sàng hỗ trợ những doanh nghiệp có chính sách CSR toàn diện.

trách nhiệm xã hội
trách nhiệm xã hội

 THACO AUTO - nhà sản xuất và kinh doanh ô tô hàng đầu Việt Nam đang dần vươn ra biển lớn. (Ảnh: Thaco)

PV: Vậy trách nhiệm xã hội đang là một xu thế tất yếu mà nhiều doanh nghiệp buộc phải lựa chọn và đi theo, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Trách nhiệm xã hội không phải là hoạt động miễn phí, nó sẽ tốn thời gian, tiền bạc và các nguồn lực của doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng là việc này có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong dài hạn. Đó là tăng khả năng phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh trên thị trường, gây dựng được hình ảnh, thương hiệu đẹp trong mắt người tiêu dùng.

Vì vậy, có thể nói, trách nhiệm xã hội sẽ trở thành xu hướng tất yếu, yêu cầu các công ty xem xét đưa vào chiến lược phát triển bền vững của mình.

PV: Mục tiêu và khát vọng phát triển của nước ta là đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình. Ông kỳ vọng gì ở đội ngũ doanh nhân Việt Nam?

TS. Võ Trí Thành: Đội ngũ doanh nhân là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Trong thời gian tới, tôi kỳ vọng các doanh nhân tiếp tục thể hiện rõ nét khát vọng vươn lên, dám nghĩ dám làm, chấp nhận mọi thách thức để có thể bắt kịp xu hướng hội nhập, quyết tâm đổi mới và nâng tầm doanh nghiệp. 

Tôi cũng mong các doanh nhân sẽ chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai. Và dù bất cứ hoàn cảnh nào, doanh nhân cũng cần giữ đạo đức của một người làm kinh doanh, phải gắn văn hoá doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội.

Tất nhiên, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, định hướng tới năm 2030, không phải một mình doanh nhân, doanh nghiệp có thể làm được. Để hoàn thiện mục tiêu cần có cần có sự đồng hành, gắn kết giữa các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân như ngạn ngữ có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Cơ quan nhà nước cũng cần có nhiều cơ chế hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hơn nữa. 

PV: Nếu chỉ dùng một từ hoặc một cụm từ để nói về đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, ông sẽ nói gì?

TS. Võ Trí Thành: Tôi muốn dùng bốn từ thay vì chỉ một từ để đánh giá cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong chặng đường phát triển vừa qua. Đó là bền bỉ, quyết liệt, khát vọng và sáng tạo.

Suốt gần 40 năm qua, kể từ năm đổi mới 1986, thì đây là bốn từ thể hiện rõ nhất những đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam.

Bền bỉ là khả năng chịu đựng gian khổ, khó nhọc lâu dài để theo đuổi mục đích đến cùng. Điều này là hoàn toàn đúng với doanh nghiệp Việt. Bởi những thế hệ doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được ra đời trong bối cảnh đất nước đang vô cùng khó khăn, song họ vẫn mạnh mẽ vươn lên, kiên trì với mục tiêu phát triển của mình. 

Còn quyết liệt là thể hiện sự mạnh mẽ, mãnh liệt. Để có những doanh nghiệp thành công và vươn tầm quốc tế như ngày hôm nay, chắc chắn những doanh nghiệp đó phải có sự quyết liệt trong các định hướng, chiến lược của mình. 

Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng đầy khát vọng và sáng tạo. Đó là khát vọng đưa hình ảnh Việt Nam ngày càng được nhiều bạn bè quốc tế biết đến như Vingroup, là khát vọng chăm sóc sức khoẻ cho hàng triệu người dân trong và ngoài nước của Vinamilk, là khát vọng trở thành tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới như Viettel… Chúng ta nên tự hào về điều đó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Doanh nghiệp làm ăn chân chính là doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội

Một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội trước hết, phải là một doanh nghiệp làm ăn chân chính, có đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm đối với những tác động của họ đem đến cho xã hội.

Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm cơ bản nhưng rất quan trọng mà mỗi doanh nghiệp đều cần thực hiện. Bởi khi họ thực hiện tốt các hoạt động kinh doanh của mình cũng đồng nghĩa sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, gia đình người lao động, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.

Về phía doanh nghiệp, họ cũng sẽ tạo ra giá trị gia tăng trong công việc kinh doanh của chính mình, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là có được niềm tin từ khách hàng, nhà đầu tư.

Ngay trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thử thách, những doanh nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật, kinh doanh có “tâm” chắc chắn khả năng chống chịu và vượt qua giai đoạn hiện tại sẽ tốt hơn bởi họ nhận được sự tin tưởng, ủng hộ từ khách hàng. Và niềm tin từ khách hàng thì luôn là trợ lực rất lớn cho các doanh nghiệp ở bất cứ giai đoạn nào.

Ở một bước cao hơn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ là những hoạt động thiện nguyện, từ thiện, là sự cho đi mà không cần nhận lại hay không vì một lợi ích nào khác. Họ chỉ đơn giản muốn phụng sự xã hội, đóng góp cho đất nước sau những gì mà xã hội, đất nước đã ủng hộ, hỗ trợ để có được sự phát triển như ngày hôm nay.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đưa trách nhiệm xã hội thành chương trình hành động cụ thể để đảm bảo sự thường xuyên, liên tục, định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững. Bởi vì họ đều nhận thức được rằng, doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội là doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, có tâm và có tầm.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME): Doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội là doanh nghiệp có những đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Trước đây, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thường được thể hiện ở ba khía cạnh: Phát triển kinh tế, đóng thuế cho ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm nhằm tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày một cao hơn, khắt khe hơn. Ngoài việc đóng góp vào ba khía cạnh nói trên, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt lành, đảm bảo chất lượng; kinh doanh phải gắn liền với bảo vệ môi trường; cùng với đó là tham gia các hoạt động từ thiện.

Ngày nay, người tiêu dùng luôn coi chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu mỗi khi mua sắm. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao chất lượng những sản phẩm mà mình tạo ra.

Mặt khác, trải qua hai năm đại dịch Covid-19, con người càng dần hướng về tự nhiên, coi trọng môi trường sống. Vì vậy, việc làm ăn của doanh nghiệp phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên về sản xuất. Những doanh nghiệp này phải xử lý chất thải đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn đề ra, không gây hại đến môi trường xung quanh.

Cuối cùng, doanh nghiệp nên tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ những gia đình, hoàn cảnh khó khăn, góp phần rút ngắn khoản cách giàu - nghèo trong cộng đồng.

Khi doanh nghiệp thực hiện tốt những trách nhiệm này, không chỉ cộng đồng xã hội mà chính các doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi rất lớn; đặc biệt là việc xây dựng hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp; là việc có được niềm tin, sự coi trọng của người tiêu dùng, khách hàng. Và khi có được những điều này, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cao hơn, doanh nghiệp sẽ có một chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường, từ đó góp phần làm tăng kết quả kinh doanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top