Năm ngoái, dự án nạo vét sông Sào Khê, Ninh Bình gây choáng nghị trường khi vốn đầu tư đội tới 36 lần. Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội năm nay, kỷ lục ấy đã bị phá ngoạn mục khi chỉ một dự án Trung tâm đào tạo cán bộ cũng đã đội vốn 3.834% hay 39 lần.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ của một ngân hàng (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) tại Nha Trang từ mức 7 tỷ đồng ban đầu, sau 4 lần “điều chỉnh”, đã tăng lên 268 tỷ đồng, tức là tăng 3.834% hay tăng vốn gấp 39 lần.
Nhưng 3.834% hoặc 39 lần, một kỷ lục buồn, lại chỉ là một... kỷ lục trong thực trạng đội vốn khủng khiếp trong đầu tư xây dựng cơ bản, bằng vốn Nhà nước, hoặc từ nguồn vốn vay ODA mà việc Kiểm toán xử lý hơn 5.218 tỷ từ hơn 2.000 dự án cũng chỉ là “cái chóp của tảng băng chìm”.
Quay sang 42 dự án sử dụng vốn vay ODA trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, theo Kiểm toán Nhà nước, có tới 27 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư 122.352 tỷ đồng và 97,27 triệu USD. Ở những dự án loại này, 1% tăng vốn, trên tổng mức đầu tư cực lớn, đồng nghĩa với rất nhiều tiền, và cũng rất nhiều nợ.
Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM điều chỉnh tăng vốn đầu tư tới 3 lần, tương đương 275,61% so với tổng vốn ban đầu. Và “3 lần” ấy có nghĩa là tăng 6.812 tỷ đồng.
Dự án thành phần 1, 2, 3 thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL vốn được “điều chỉnh” tăng 3.000 tỷ đồng. Và metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng vốn... 29.937 tỷ đồng…
Người ta có cả “tỷ lý do” để lý giải cho chuyện “điều chỉnh”, thậm chí điều chỉnh 3 - 4 lần, nhưng lý do nào, thì hậu quả cuối cùng cũng là rất nhiều tiền, rất nhiều gánh nợ.
Hãy thử nhìn nguyên nhân: Phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền; phê duyệt dự án chưa đúng quy định; phê duyệt khi hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, chính xác; thiết kế, dự toán còn sai sót; hình thức lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định. Kể cả việc phê duyệt khi thậm chí còn chưa biết nguồn vốn và khả năng cân đối vốn... Vô số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn chỉ vì đây là những dự án sử dụng ngân sách Nhà nước hay vốn ODA chứ không phải tiền túi cá nhân.
Những nguyên nhân cũ rích, như năm ngoái, như năm kia, như nhiều năm trước. Và sự “cũ rích” của nguyên nhân đội vốn, cho thấy vấn đề lớn mãi chưa được khắc phục, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những kỷ lục và sự tràn lan hôm nay, là tính chịu trách nhiệm của những cá nhân phê duyệt dự án.
Nếu câu chuyện đội vốn chỉ là những con số và người “chịu trách nhiệm” vẫn chỉ là người đóng thuế thì hẳn nhiên kỷ lục đội vốn 39 lần sẽ bị phá không sớm thì muộn.