Aa

Trái phiếu Chính phủ Việt Nam là điểm sáng trong các nền kinh tế mới nổi Đông Á

Thứ Tư, 11/12/2019 - 06:15

Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua, đây là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.

Tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ” diễn ra ngày 12/10, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho hay, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1%GDP năm 2019 gấp 12 lần so với năm 2009. 

Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009 và bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết. 

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27%/năm trong thập kỷ vừa qua, thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam được ghi nhận là thị trường có mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.

Ảnh minh họa.

Trong các năm tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2025, chủ trương của Chính phủ là phát huy nội lực, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

"Trong bối cảnh nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; trái phiếu Chính phủ trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao cho các ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài", bà Phan Thị Thu Hiền đánh giá.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục thực hiện Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1191 ngày 14/8/2017; Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019. 

Cụ thể hơn, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính nêu ra 6 giải pháp trọng tâm. 

Giải pháp trọng tâm thứ nhất, đối với thị trường sơ cấp, cần gắn kết giữa công tác huy động vốn trái phiếu Chính phủ với điều hành ngân sách nhà nước và quản lý ngân quỹ; xác định cụ thể khối lượng huy động vốn hằng năm, công bố công khai lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn phát hành trái phiếu chi tiết theo hàng quý để nhà đầu tư chủ động bố trí nguồn vốn tham gia. 

Song song với đó, thực hiện nhịp nhàng việc phát hành trái phiếu Chính phủ với tái cơ cấu nợ thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi để vừa phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ vừa cơ cấu lại nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Phát triển đa dạng các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; phát triển sản phẩm trái phiếu Chính phủ xanh để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới.

Giải pháp thứ hai, đối với thị trường thứ cấp, cần tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch, rút ngắn hơn nữa quy trình từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán trái phiếu phù hợp với định hướng phát triển công nghệ 4.0 để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp; Đưa vào vận hành hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp theo thông lệ quốc tế để tăng thanh khoản của thị trường; Phấn đấu đến năm 2020 tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết và năm 2030 là 2% dư nợ trái phiếu niêm yết như mục tiêu đặt ra tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Ở giải pháp thứ ba, theo bà Hiền, cần phát triển đa dạng hệ thống nhà đầu tư trên thị trường TPCP, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn. Rà soát cơ chế, chính sách để phát triển các Quỹ đầu tư trái phiếu, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2021 đưa trái phiếu Chính phủ Việt Nam vào các rổ chỉ số trái phiếu quốc tế như JP Morgan, Bloomberg Barclays, Citi World Government để thu hút các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ: Tăng cường sự liên thông trong cơ chế chính sách và điều hành giữa thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu Chính phủ để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính. 

Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thông qua các giải pháp: (i) Tạo dựng đường cong lãi suất chuẩn gồm đầy đủ các kỳ hạn từ ngắn hạn của thị trường tiền tệ đến dài hạn của thị trường TPCP để làm tham chiếu trên thị trường tài chính; (ii) Phối hợp đồng bộ trong việc sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ với việc quản lý ngân quỹ nhà nước để hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; (iii) Ban hành các công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá, lãi suất để tạo dựng thị trường tài chính minh bạch theo thông lệ quốc tế. Theo đó, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của NHNN và các Bộ, Ban, ngành có liên quan, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam và các thành viên của thị trường để tạo ra sự liên thông, đồng bộ giữa các cấu phần của thị trường tài chính nhằm xây dựng thị trường TPCP vừa an toàn, vừa hiệu quả.

Thứ năm là tăng cường cơ chế đối thoại về chính sách và điều hành giữa cơ quan quản lý nhà nước và thành viên của thị trường: Đề nghị các thành viên thị trường trái phiếu tích cực chia sẻ thông tin, tăng cường đối thoại với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, NHNN, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng như các Bộ, ban ngành có liên quan. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam với vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và thành viên thị trường chủ động tập hợp ý kiến từ các thành viên để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý; đào tạo, hướng dẫn các thành viên của thị trường thực hiện đúng các quy định khi tham gia thị trường; xây dựng, ban hành các chuẩn mực về đạo đức, giao dịch để các thành viên thị trường áp dụng, triển khai.

Giải pháp thứ sáu là cần tăng cường hội nhập quốc tế. 

"Tiếp nối những kết quả đã được, trong thời gian tới chúng ta sẽ tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực như ASEAN, ASEAN +3, Diễn đàn thị trường trái phiếu các nước mới nổi, thị trường trái phiếu xanh để hợp tác trong phát triển thị trường trái phiếu nói chung, thị trường TPCP nói riêng. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Đại sứ quán Anh, Cơ quan hợp tác phát triển Đức, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ban thư ký kinh tế Thụy Sỹ để học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin nhằm tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế", bà Hiền nêu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top